Trang trại trình diễn của họ trở thành một nơi tụ tập dành cho các cư dân ở Kyoto. Toray Construction, một công ty bất động sản và xây dựng, đã đưa ra mô hình nông nghiệp “chia sẻ” cho phép người tham gia đăng ký trực tuyến làm những công việc đơn giản trong nhà kính.
Công ty có trụ sở ở Osaka, liên kết với nhiều tổ chức để bắt đầu một thí nghiệm trình diễn kéo dài sáu tháng, bắt đầu hồi tháng 9 vừa qua, sau khi nhận tài trợ của chính phủ. Yasutaka Kitagawa, phụ trách dự án tại Toray Construction, nói với Japan Times: “Chúng tôi nghĩ điều gì xảy ra nếu đưa ra một hệ thống mà mọi người có thể chia sẻ khối lượng công việc và có thể quyết định khi nào đến với nông trại. Nếu có một hệ thống như thế, nhiều người đang quan tâm đến nông nghiệp sẽ có cơ hội làm điều mà họ muốn”.
|
Những người cao tuổi đang làm nông nghiệp tại trang trại chia sẻ ở Kyoto. Mỗi ngày họ chỉ làm việc hai tiếng đồng hồ và không phải khom lưng. |
Những người dân quan tâm đến hệ thống này dễ dàng đăng ký trực tuyến bằng cách nhập thông tin cơ bản của họ, như tuổi tác và giới tính, chọn một ngày và một công việc kéo dài hai giờ đồng hồ mà họ muốn. Có gần 100 người “ủng hộ” đăng ký trực tuyến, và khoảng bốn người tham gia hàng ngày để đảm nhận những công việc đơn giản như trỉa hạt giống. Họ không được trả công lao động, nhưng có thể đem về nhà cây trồng mà họ chăm sóc tại nông trại.
Nhà kính có tên là Torefarm, nằm trên khu đất của viện Nghiên cứu chuyên sâu viễn thông quốc tế ở Seika (Kyoto) sẽ giúp cho việc canh tác trở nên dễ dàng hơn đối với phụ nữ và người già.
Tại nhà kính này, rau quả như bina mù tạt và rau mùi Nhật Bản trồng trên cát rải trên các tấm trông như cái bàn dài theo nhà kính. Những người tham gia có thể đứng làm việc.
Các bộ cảm biến trong cát cho phép các nhà điều hành tập trung thông tin về các điều kiện trong nông trại. Các nhân viên của Toray Construction có thể cung cấp nước và phân bón lỏng bằng smartphone và máy tính bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Có một câu châm ngôn Nhật Bản nói rằng “ăn cho đến khi no 80%”, Kitagawa nói. “Tôi nghĩ áp dụng câu đó cho làm việc cũng vậy, nhất là đối với người cao tuổi. Sẽ trở nên một gánh nặng nếu phải làm việc quá nặng, nên hệ thống này cho phép người dân làm nông mà không quá sức”.
Cuộc trình diễn đang thu hút khoảng 30% số người tham gia tuổi từ 60 trở lên. Mai Otani, 43 tuổi, một bà nội trợ cho biết tham gia để trông chờ điều gì đó trong những lúc rảnh rỗi. “Mỗi ngày làm việc hai giờ trong thời gian rảnh rỗi khiến tôi thật sự biết ơn”, bà Otani nói. “Chúng tôi có thể đến trại bất cứ lúc nào muốn và cũng được phép huỷ vào phút cuối”, bà Otani nói. Bà cũng thấy lợi ích trong các bữa ăn ở nhà. “Chúng tôi có nhiều món ăn hơn trên bàn ăn. Thật thú vị khi tra tìm những cách chế biến rau tươi với hương vị đặc biệt”.
Tsutomu Okuno, 64 tuổi, cho biết phần trải nghiệm tốt nhất đối với ông là có sự tương tác với tha nhân. “Làm việc ở đây đương nhiên là thực sự dễ dàng và không đòi hỏi nhiều công sức, được nói chuyện suốt thời gian làm việc”, ông Okuno nói.
Đầu năm ngoái, một tổ hợp do Toray Construction dẫn đầu đã nhận được từ bộ Nội vụ và truyền thông 38 triệu yen (335.000 USD), như là một phần của “Dự án dành cho sáng tạo các dịch vụ IoT”. Dự án của chính phủ đòi hỏi người tham gia nhận diện được các vấn đề có thể được giải quyết thông qua sử dụng IoT; khuyến khích ứng dụng công nghệ để tạo ra các mô hình tham khảo tiên tiến.
Với số tiền tài trợ, Toray Construction đang tổ chức một thí nghiệm trình diễn thứ hai tại hạt Chiba. Tuy nhiên, Kitagawa cho rằng, vẫn còn chỗ cho cải tiến nếu hệ thống “chia sẻ” đã bén rễ. Kitagawa muốn tạo ra một mô hình tạo thu nhập và làm cho các trang trại thành một cơ hội tuyển dụng dành cho người cao tuổi, vì Nhật Bản đang đối phó với dân số già của mình.
“Nếu sản xuất loại cây trồng nào với giá trị cao hơn, chúng tôi có thể làm ra tiền, mặc dầu nhiều người làm việc chậm chạp. Chúng tôi cũng muốn hạ thấp chi phí ở Torefarm hơn, để nhiều người có thể tham gia”.