Dự án Điện mặt trời nổi hồ Đa Mi do Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) quản lý, vận hành.
Dự án được bắt đầu thi công từ tháng 8-2018. Đến ngày 1-6-2019, Nhà máy ĐMT Đa Mi chính thức vận hành thương mại. Nhà máy có hệ thống phao nổi bằng hạt nhựa nhập khẩu. Phao nổi chế tạo từ nhựa HDPE có tuổi thọ hơn 20 năm. Vật liệu chế tạo phao có khả năng chống ăn mòn do tác động của môi trường.
Toàn bộ công trình được xây dựng trên diện tích 56,65 ha, trong đó 50 ha mặt nước dùng để lắp các mảng PV quang điện và 6,65 ha trên đất liền để xây dựng trạm 110kV, 2 trạm Inverter và đường dây truyền tải 110kV dài 3,5km. Dự án lắp đặt 143.940 tấm pin năng lượng mặt trời.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá, tính đến năm 2019, Nhà máy ĐMT Đa Mi là dự án ĐMT nổi có quy mô công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và là nhà máy ĐMT nổi đầu tiên tại Việt Nam. Dự án sử dụng vốn vay ADB chiếm 70% tổng mức đầu tư và vốn đối ứng của chủ đầu tư chiếm 30%.
Chủ đầu tư bắt đầu nghiên cứu và thực hiện các thủ tục đầu tư dự án từ năm 2017. Giá trị thực hiện dự án khoảng 1.226 tỉ đồng đã bao gồm thuế.
Nhà máy đảm bảo theo các tiêu chuẩn về môi trường, an sinh xã hội theo yêu cầu của ADB. Theo đó, ADB yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ các cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt.
Bên cạnh đó, ADB bổ sung thêm một số yêu cầu để đáp ứng điều kiện vay vốn như: Đo điện trường và từ trường 6 tháng 1 lần; Giám sát chất lượng nước và thủy sinh tại hồ Đa Mi; Chất thải được thu gom và xử lý đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Sau hơn một năm vận hành, các thông số kỹ thuật của nhà máy đều đạt và vượt giá trị thiết kế. Việc đầu tư ĐMT Đa Mi đã mở ra một xu hướng đầu tư mới là phát triển nguồn điện trên mặt hồ thủy điện, thủy lợi để góp phần cung cấp nguồn điện sạch lên hệ thống điện quốc gia.