Theo các nhà khoa học của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), các đợt thử nghiệm cuối này được thực hiện tại Học viện Công nghệ Kyushu (Nhật Bản).
|
Các nhà khoa học của Việt Nam, những người tham gia chế tạo vệ tinh. |
- Sẽ có 5 đợt thử nghiệm cho vệ tinh NanoDragon diễn ra trong tháng 3 này gồm: Ngày 8-14/3/2021: Thử nghiệm nhiệt trong buồng chân không; Ngày 15/3/2021: Thử nghiệm Fit-check lần 1; Ngày 16-17/3/2021: Thử nghiệm rung động; Ngày 19/3/2021: Thử nghiệm sốc; Ngày 20/3/2021: Thử nghiệm Fit-check lần 2.
Trong các cuộc thử nghiệm này, thử nghiệm rung, sốc và nhiệt chân không là bước cuối cùng trong việc phát triển phần cứng vệ tinh. Sau khi thử nghiệm, vệ tinh sẽ được gửi trả về Việt Nam để chờ phóng. Trong thời gian này, phần mềm bay của vệ tinh vẫn có thể được kiểm tra, tối ưu, để bảo đảm vệ tinh vận hành trơn tru trên quỹ đạo.
Cũng theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam các công tác thiết kế, xây dựng và lắp đặt trạm mặt đất để vận hành vệ tinh sau khi phóng. Trạm mặt đất này hiện cũng chuẩn bi được hoàn thành phần lắp đặt và chuyển sang vận hành thử nghiệm.
Dự kiến vệ tinh sẽ được phóng bởi tên lửa Epsilon của Nhật Bản theo chương trình “Innovative satellite technology demonstration” vào tháng 9/2021.
Vệ tinh NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng khoảng 4 kg với kích thước 3U. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano” thuộc “Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 – 2020”.
|
Vệ tinh được đóng gói để chuyển sang Nhật cho các thử nghiệm cuối cùng. |
Quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng vệ tinh hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam. Ngoài ra toàn bộ cấu trúc cơ khí và mạch phân phối nguồn của vệ tinh cũng được tự chế tạo tại Việt Nam.
Sau khi hoàn thiện tại Việt Nam, vệ tinh được gửi sang Học viện Công nghệ Kyushu, Nhật Bản để thử nghiệm môi trường (giả lập môi trường phóng và môi trường vũ trụ).
Sau khi được phóng lên vụ trụ, vệ tinh NDG dự kiến sẽ hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao khoảng 520 km. Vệ tinh có hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất là tích hợp một bộ thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System – AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển. Nhiệm vụ thứ hai là sử dụng một thiết bị chụp ảnh quang học để xác thực chất lượng bộ điều khiển tư thế vệ tinh khi hoạt động trên quỹ đạo.
Trước NanoDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon (1kg), phóng lên quỹ đạo và thu được tín hiệu vào năm 2013.
Ngoài ra, vệ tinh MicroDragon (50kg) đã được chế tạo bởi nhóm 36 cán bộ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản, được phóng thành công lên quỹ đạo vào tháng 1 năm 2019 và gửi được ảnh về trạm mặt đất tại Nhật Bản.
Các nhà khoa học cho biết, việc phát triển vệ tinh NanoDragon tại Việt Nam do chính nhà khoa học Việt chế tạo là cột mốc lớn trong lộ trình hướng tới mục tiêu làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, để làm chủ công nghệ vệ tinh.
Với các lộ trình đặt ra, Việt Nam sẽ đi từng bước từ thiết kế, chế tạo từ vệ tinh siêu nhỏ, vệ tinh nhỏ đến những vệ tinh sử dụng công nghệ tiên tiến nhất là công nghệ radar (LOTUSat-1).