Đây là dụng cụ giúp thực hiện thủ thuật đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân nhanh và chính xác hơn. Đặc biệt, dụng cụ này đã góp phần hỗ trợ hiệu quả và hạn chế lây nhiễm đối với các bác sĩ trong quá trình điều trị cấp cứu bệnh nhân Covid-19.
|
Nguyễn Hồng Đức đã chế tạo bộ đặt ống thở có camera nội soi với giá thành rẻ. |
Khoa cấp cứu, Bệnh viện điều trị Covid-19 Trưng Vương, thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đang sử dụng 3 bộ dụng cụ đặt nội khí quản do Nguyễn Hồng Đức sản xuất. Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa, cho biết: bộ dụng cụ này gồm một lưỡi đèn tích hợp camera nội soi và màn hình, dễ dàng tháo lắp và thao tác nên nhiều ưu điểm hơn so với các sản phẩm cùng loại. Đặc biệt, thiết bị sử dụng camera động, không có điểm mù, nên an bác sĩ được toàn hơn khi thực hiện thủ thuật đặt nội khí quản. Qua điện thoại, bác sĩ Phạm Ngọc Huy Tuấn cho biết: "Cái camera này nó đặc biệt hơn vì có tăng đưa điều chỉnh theo tầm mắt mình thành ra thuận lợi hơn, việc đứng nhìn thấy phía trong dễ hơn để đưa ống vào. Đặc biệt trong cấp cứu bệnh nhân Covid-19 thì có camera để giúp cho mình đứng ở tầm xa hơn, đặt dễ hơn, không phải cúi người ghé sát mắt vào miệng bệnh nhân để nhìn, rất nguy hiểm".
|
Nguyễn Hồng Đức thử nghiệm sản phẩm trên mô hình mẫu. |
Nguyễn Hồng Đức chia sẻ, anh bắt đầu nảy ra ý tưởng chế tạo bộ đặt nội khí quản có camera từ năm 2018. Trải qua nhiều lần thử nghiệm và chỉnh sửa liên tục, đến đầu năm 2021 này mới cho ra bộ sản phẩm hoàn thiện và được thương mại hóa. Đây là dụng cụ hỗ trợ để bác sĩ đặt ống thở vào trong khí quản của bệnh nhân trong trường hợp cấp cứu bệnh nhân suy hô hấp, hôn mê mất ý thức; giúp quá trình đặt ống thở nhanh gọn, trực quan chính xác, giảm thiểu tai biến và sang chấn trên bệnh nhân. Không chỉ khắc phục được một số nhược điểm so với thiết bị truyền thống, giá thành sản phẩm chỉ vào khoảng 5 triệu đồng, rẻ hơn gấp 20 lần so với dụng cụ tương tự nhập về từ Đức hay Mỹ.
"Xuất phát từ những lần đi thực tập tại bệnh viện thì thấy nhiều trường hợp các bác sĩ gặp khó khăn khi đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân. Bản thân em cũng là người yêu thích công nghệ và tìm hiểu một số ứng dụng trong lĩnh vực y khoa trên thế giới, nhận thấy có rất nhiều dụng cụ hỗ trợ đặt nội khí quản với camera nội soi giúp quá trình đặt nhanh và chính xác hơn nhưng dụng cụ này khi nhập về Việt Nam thì giá rất cao".
|
Những dụng cụ thử nghiệm bị hỏng phải thay thế và chỉnh sửa liên tục. |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thanh, Trưởng khoa Y, trường Đại học Buôn Ma Thuột cho biết, khi nghe Nguyễn Hồng Đức trình bày ý tưởng sản phẩm, các thầy cô trong khoa đều rất quan tâm và hỗ trợ để Đức có điều kiện thử nghiệm và hoàn thiện quy trình kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm. Hiện tại, bộ dụng cụ này đã được bán ra thị trường. Không chỉ bán sản phẩm, Đức còn tặng hơn 30 bộ dụng cụ cho một số bệnh viện ở tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương và nhận được nhiều phản hồi tốt về sản phẩm.
"Tôi cũng đã bàn với hội đồng nhà đầu tư và ban giám hiệu nhà trường rằng sẽ luôn đồng hành với em, chỗ nào có nhu cầu thì sẽ tiếp tục sản xuất ra, lắp ghép ra những máy như thế để cung cấp nếu họ đồng ý và họ có nhu cầu. Có thể họ đặt mua, bởi giá thành nó quá rẻ so với những cái máy tương tự về công năng trên thế giới. Cũng có thể là nhà trường sẽ hỗ trợ một phần nào đó đến vùng khó khăn mà nhà trường có thể đầu tư về vốn để em hỗ trợ một phần qua sáng tạo này để ủng hộ, chia sẻ với vùng dịch".
|
Nguyễn Hồng Đức tặng bộ dụng cụ cho Sở Y tế Đắk Lắk để hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại địa phương. |
Trước đó, vào năm 2017, Nguyễn Hồng Đức còn chế tạo và đưa ra thị trường sản phẩm đèn soi tĩnh mạch, được sử dụng rộng rãi trong nước. Trong quá trình học tập tại khoa Y, Đức đã tìm tòi và sáng tạo ra các mô hình giải phẫu để sinh viên có thể tự học và thực hành dễ dàng. Các mô hình này đã được trường đại học Buôn Ma Thuột đánh giá cao và trao giải thưởng. Nguyễn Hồng Đức bộc bạch: "Điều tôi trăn trở là hầu hết thiết bị y tế từ đơn giản đến phức tạp ở Việt Nam đều là hàng ngoại nhập với giá rất cao, trong khi trình độ khoa học của thanh niên Việt Nam hoàn toàn có thể làm được. Nếu nhà nước tạo điều kiện để Bộ Y tế và các nhà khoa học cùng ngồi lại để bàn phương hướng thì có thể sản xuất được rất nhiều sản phẩm Made in Vietnam tương tự, mang lợi ích đến cho người Việt, cùng với đó là tránh thất thoát tiền của quốc gia thông qua việc mua các sản phẩm ngoại nhập. Tôi mong muốn tạo nên những sản phẩm y khoa mang thương hiệu Made in Vietnam với giá thành rẻ để có thể tiếp cận được với nhiều người nghèo hơn".
|
Bác sĩ sử dụng bộ đặt ống thở có camera để cấp cứu bệnh nhân COVID-19.jpg (Ảnh do bệnh viện cung cấp). |
Chịu khó tìm tòi và mong muốn tạo ra những sản phẩm y khoa mang thương hiệu nội địa chất lượng tốt với giá thành rẻ, Nguyễn Hồng Đức đang nỗ lực vừa hoàn thành chương trình học tại trường đại học vừa nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm mới. Thành công từ những sản phẩm của anh sẽ giúp thêm nhiều bệnh nhân trong nước được tiếp cận với những sản phẩm y khoa có chất lượng với chi phí thấp hơn so với những sản phẩm tương tự được nhập ngoại./.