Theo Mashable, thật chẳng dễ dàng khi chúng ta muốn từ bỏ việc sử dụng một mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn như Facebook hiện nay. Trong suốt 14 năm kể từ khi thành lập và phát triển, Facebook đã giữ một vai trò rất lớn trong cuộc sống của chúng ta - ở quá khứ và cả hiện tại.
Điều đáng nói là, Facebook còn hiểu về chúng ta nhiều hơn là những thứ chúng ta đã chia sẻ trên mạng xã hội này.
Minh chứng rõ nhất cho điều này là thông tin về “Shadow Profile” (hồ sơ đen tối) của Facebook vào năm 2013. Theo đó, người dùng Facebook đã phát hiện ra mạng xã hội này đã lập nên danh sách hồ sơ người dùng, bao gồm cả những thông tin của cá nhân ngoài phạm vi sử dụng Facebook như email, số điện thoại ngay cả khi bạn không cung cấp cho mạng xã hội này.
Cụ thể, ngay cả khi bạn không sử dụng Facebook thì mạng xã hội này cũng “nắm thóp” về bạn qua những bài đăng của bạn bè. Đặc biệt, khi những người bạn này cho phép Facebook truy cập vào danh bạ hay thông tin cá nhân của họ để thực hiện việc “tìm kiếm bạn bè”. Nếu trong danh bạ của người nọ có số điện thoại hoặc email của bạn, thì Facebook cũng sẽ thu thập luôn thông tin này và tạo lập hồ sơ về bạn trong hệ thống máy chủ của công ty.
Theo Wall Street Journal, vào năm 2016, Facebook cũng đã xác nhận rằng họ sẽ thu thập thông của người dùng internet, kể cả người này có sử dụng Facebook hay không thì mạng xã hội này vẫn sẽ biết được bằng cách ” thông qua cookie” và những nút “Like” nằm rải rác trên các website khác.
Có thể khẳng định rằng, ngay cả khi bạn không sử dụng Facebook thì mạng xã hội này vẫn có thể theo dõi và kiếm được lợi nhận từ bạn. Nhằm ngăn chặn hành động này của Facebook, một tòa án tại Bỉ đã ra phán quyết yêu cầu mạng xã hội này chấm dứt mọi hành động theo dõi của mình vào đầu tháng 2. Đây là một tin tốt đối với những người dân của Bỉ, nhưng nó cũng chỉ hạn hẹp ở trong khuôn khổ nước này. Hơn nữa, về phía Facebook, họ cho biết sẽ kháng cáo đối với phán quyết trên.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, những thông tin trên cũng không nhằm khiến bạn từ bỏ ý định xóa tài khoản Facebook của mình. Bởi vì, đây là điều hoàn toàn nên làm ngay lúc này, khi mà Facebook vẫn chưa thể quản lý chặt chẽ được thông tin của người dùng, bằng chứng rõ nhất chính là scandal thu thập trái phép thông tin của 50 triệu người dùng để sử dụng cho mục đích chính trị xuất hiện rầm rộ vài ngày qua. Và nếu tiện tay, bạn cũng nên xóa luôn những mạng xã hội mà Facebook đang sở hữu, Instagram và Whatsapp, bởi thuật toán mà họ sử dụng để thu thập thông tin của người dùng là hoàn toàn giống nhau.
Facebook cho bạn hai lựa chọn là “vô hiệu hóa tạm thời” và “xóa vĩnh viễn” tài khoản của mình. Nếu bạn vẫn còn luyến tiếc và muốn dành thời gian suy nghĩ lại thì có thể lựa chọn cách “vô hiệu hóa tạm thời”.
Để “vô hiệu hóa tạm thời” tài khoản Facebook của mình, đầu tiên bạn hãy truy cập Facebook, vào “Settings & Privacy” và chọn “Account Settings”. Tiếp đến bạn chọn “General”, ấn “Manage Account”.
Tiếp đến bạn hãy chọn “Deactivate”, điền mật khẩu đăng nhập và chọn lý do tạm thời không sử dụng nữa là xong.
Trong trường hợp, nếu bạn đã thật sự muốn “dứt áo ra đi” thì hãy chọn phương án “xóa vĩnh viễn” tài khoản.
Để xóa vĩnh viễn tài khoản facebook, điều đầu tiên bạn cần làm là đăng nhập vào tài khoản của mình trước. Sau đó, hãy truy cập vào trang “Xác nhận xóa tài khoản Facebook” tại đây. Khi xuất hiện hộp thoại yêu cầu xác nhận xóa, bạn hãy nhập mật khẩu vào và chọn “Submit” (Gửi).
Lúc này bạn sẽ nhận được thông báo xóa tài khoản thành công. Và trong vòng 14 ngày, nếu bạn cảm thấy “hối hận” thì bạn hoàn toàn vẫn có cơ hội để lấy lại tài khoản. Tuy nhiên, thông tin của bạn trên hệ thống máy chủ của Facebook vẫn sẽ tồn tại đến 90 ngày trước khi được xóa bỏ. Trong thời gian này, Facebook vẫn theo dõi bạn ngay cả khi bạn không phải là người dùng như đã đề cập ở trên.