|
Quadrantid là trận mưa sao băng đầu tiên và rực rỡ nhất trong năm 2016. Ảnh minh họa: Discovery |
Các nhà thiên văn học cho biết, đêm nay, trái đất sẽ đi qua khu vực đầy bụi do một ngôi sao chổi đã biến mất để lại. Những vật chất bị bỏ lại phía sau sao chổi sẽ bốc cháy khi lao vào khí quyển trái đất, tạo ra trận mưa sao băng lớn đầu tiên trong năm 2016. Nó được gọi là mưa sao băng Quadrantid, Vox đưa tin.
Đạt đỉnh trong một vài giờ, Quadrantid được coi là trận mưa sao băng ngắn nhất trong năm. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học dự đoán đây sẽ là trận mưa sao băng rực rỡ nhất với khoảng 60 tới 200 thiên thạch bị thiêu cháy khi lao vào khí quyển trái đất mỗi giờ. Theo NASA, những quả cầu lửa do thiên thạch ma sát với khí quyển trái đất sẽ sáng và lớn hơn so với mức độ trung bình của mưa sao băng Quadrantid hàng năm.
Những tia sáng rực rỡ được quan sát rõ nhất ở Bắc Bán cầu lúc 3 giờ ngày 4/1. Trăng khuyết và không quá sáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan sát sao băng. Tuy nhiên, địa điểm lý tưởng theo dõi mưa sao băng Quadrantid là những nơi không bị ô nhiễm ánh sáng từ các đô thị lớn. Những vệt sao băng rải rác của đợt mưa sao băng Quadrantid xuất hiện từ ngày 1 tới 6/1.
Trả lời Zing.vn, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, cho biết những người yêu thích thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Quadrantid vào rạng sáng ngày 4/1, từ lúc 2 giờ cho tới khi mặt trời mọc trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vị trí sao băng xuất hiện ở phía đông, hơi chếch về phía đông bắc.
Việc quan sát sẽ hiệu quả hơn nếu xác định được chòm sao Bootes. Theo ông Sơn, người xem cần chú ý thời tiết và chủ động chọn những nơi ngoại thành, miền núi để không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm ánh sáng. Việc lựa chọn khu vực có góc nhìn rộng giúp việc quan sát mưa sao băng thuận lợi hơn rất nhiều.
Mưa sao băng Quadrantid được các nhà thiên văn học quan sát từ năm 1825, nhưng nguồn gốc của đám mây bụi lơ lửng trong không gian này chỉ được phát hiện hơn 10 năm trước. Năm 2003, nhà thiên văn Peter Jenniskens cho rằng sao chổi 2003EH1 là nguồn gốc của mưa sao băng Quadrantid thường niên.
Tuy nhiên, 2003EH1 thực chất là một ngôi sao chổi bị vỡ vụn từ 500 năm trước. Toàn bộ phần băng trong đuôi của nó đã bốc hơi, để lại phần thiên thạch. New York Times dẫn tài liệu lịch sử cho thấy sao chổi tạo ra mưa sao băng Quadrantid xuất hiện nguyên vẹn ở Đông Nam Á năm 1491.