Đơn cử như tai nạn giao thông. Theo thông tin của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố, 5 tháng đầu năm 2020, dù có khoảng thời gian tương đối dài thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế việc lưu thông của các phương tiện cá nhân lẫn công cộng, thế nhưng cả nước vẫn có tới 5.508 vụ tai nạn giao thông, làm 2.667 người chết và hàng ngàn người bị thương.
Một trong những nguyên nhân được xác định là do người tham gia giao thông sử dụng điện thoại trong khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, gây mất tập trung.
Smartphone - chiếc điện thoại “thông minh” với rất nhiều tính năng vượt trội được cải tiến, nâng cấp liên tục, đã dần trở thành vật bất ly thân của mỗi người. Từ một vật vốn được sử dụng với mục đích chính là để liên lạc, giờ đây, chiếc điện thoại đã biến đổi phần lớn công năng, trở thành phương tiện để người sở hữu thực hiện các giao dịch, quản lý, giải trí…
Có thể thấy, các tập đoàn công nghệ đang góp phần làm cho thị trường điện thoại thông minh sôi động hơn bao giờ hết, với sự ra đời của các dòng sản phẩm mới mang nhiều tính năng ưu việt, linh hoạt, “thông minh” hơn,... Nhưng vì là sản phẩm của con người, dẫu “thông minh” đến đâu, chúng vẫn không thể sống thay con người. Tuy vậy, con người lại đang ngày càng lệ thuộc vào những chiếc smartphone, và dù muốn hay không, những hệ lụy của nó gây ra trong cuộc sống cũng không hề nhỏ.
Chính bởi lý do đó, ở một số nước phát triển, việc sử dụng điện thoại, nhất là điện thoại “thông minh”, trong học đường cũng như tại một số địa điểm nhất định bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn. Một số tu viện, trung tâm tu học của Phật giáo cũng đã đưa nội dung đó vào thanh quy, nghiêm cấm tu sinh, hành giả sử dụng điện thoại di động nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ đó.
Cũng trong ý hướng cảnh báo về mặt trái của thế giới số, một vị giáo phẩm có tư tưởng cấp tiến, rất cởi mở trong việc tiếp nhận các tiện ích mới của thời đại về công nghệ thông tin, từng nhận định rằng nếu một Tăng Ni trẻ sử dụng chiếc điện thoại “thông minh” mà không có chánh niệm thì chính nó sẽ tàn phá đời tu của vị đó một cách nhanh nhất. Và trường hợp đáng tiếc liên quan đến việc sử dụng các tiện ích công nghệ một cách thiếu kiểm soát trong Tăng Ni không phải là chưa xảy ra.
Ngoại trừ nỗ lực cá nhân của chư vị giáo phẩm Tăng Ni, vai trò của các tự viện trong việc giáo dưỡng đệ tử xuất gia, tổ chức các khóa tu học cho cư sĩ, cho đến nay, vẫn chưa có quy định bổ sung nhằm định hướng cho ứng xử của Tăng Ni, Phật tử về việc tham gia vào thế giới số. Do đó, những “tai nạn” đáng tiếc xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Nhưng suy cho cùng, dẫu là đời hay đạo, luật lệ hay giáo điều không thể nào ngăn ngừa con người tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động xấu từ ngoại vật, nếu như chính họ không ý thức và tự làm chủ được bản thân và hiểu rằng chiếc điện thoại “thông minh” tuy nhỏ bé, là phương tiện hữu ích, nhưng cũng có đủ sức mạnh tàn phá một đời người, một đời tu.