Niềm vui lan tỏa núi rừng
Sáng sớm, lái xe ôm chở PV từ Nha Trang lên đèo Khánh Sơn (Khánh Sơn, Khánh Hòa), tài xế Nguyễn Văn Minh (40 tuổi, trú Khánh Sơn) nói: "Tỉnh lộ 9 là đường độc đạo nối Khánh Sơn với các huyện, thành, thị miền xuôi, do đường còn hẹp, lại quanh co nên xe lớn đi rất khó khăn, đặc biệt là xe container thì rất khó có cơ hội để lên huyện miền núi chở hàng. Lên đây chỉ đi xe máy là tiện nhất, vừa dễ dàng cảm nhận thiên nhiên, vừa dễ di chuyển".
Vượt qua đèo, huyện miền núi Khánh Sơn hiện ra trước mắt mang dáng dấp của một Đà Lạt thu nhỏ. Hai bên đường những đồi thông xanh mát, trong vườn của nhiều hộ dân, sầu riêng trĩu quả như chào mời thực khách.
|
Già làng Cao Lê Dân chia sẻ niềm vui khi con đường lớn sắp được mở. |
Có mặt tại thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp (huyện Khánh Sơn) niềm vui đang hiện trên khuôn mặt người dân trước thông tin Quốc hội đã chính thức ban hành Nghị quyết đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối huyện miền núi láng giềng Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và tỉnh Ninh Thuận.
Nhìn bề ngoài, ít người đoán được già làng thôn Tà Gụ, Cao Lê Dân năm nay đã 80 tuổi, bởi dáng vóc nhanh nhẹn, giọng nói khỏe khoắn. Trò chuyện với già làng, PV mới biết, ông từng làm việc tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ngày ấy cơ quan đóng tại huyện Khánh Sơn, mỗi lần có việc ở bên huyện Khánh Vĩnh phải đi bộ đường rừng mất cả ngày trời. Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở lại lập nghiệp ở Khánh Sơn.
“Bạn bè ở bên Khánh Vĩnh còn rất nhiều nhưng non cao cách trở, muốn sang thăm mà đường núi hiểm trở nên rất khó khăn. Mới đây, nghe đài báo nói, Quốc hội đã thông qua đường giao thông kết nối trực tiếp 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh tôi rơi nước mắt vì vui sướng.
Ước mơ ngàn đời của đồng bào nơi đây giờ đã thành hiện thực. Tôi chỉ chờ đến ngày thông xe để sang Khánh Vĩnh thăm những đồng đội ngày ấy từng chung một chiến hào”, ông Dân xúc động chia sẻ.
|
Đồi thông ở huyện Khánh Sơn mang dáng dấp của một Đà Lạt thu nhỏ. |
Cũng như ông Dân, ông Cao Đảm, là người có uy tín ở thôn Xóm Cỏ, xã Sơn Bình vui nói: "Khi nghe mở đường nối hai huyện với nhau, dân làng ai cũng ưng cái bụng. Tôi mong tuyến đường này làm càng sớm càng tốt để người dân đi lại thuận lợi hơn, đặc biệt là vận chuyển nông sản phục vụ phát triển kinh tế, tạo việc làm cho thanh niên, nâng cao đời sống cho bà con.
Mở hướng thoát nghèo
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, với địa chất phức tạp, địa hình dốc, tỉnh lộ 9 thường xuyên bị sạt lở, đặc biệt vào mùa mưa. Tuyến đường độc đạo này còn nhiều hạn chế nên gây nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Được mệnh danh "Thủ phủ sầu riêng" của tỉnh Khánh Hòa nhưng cách trở về giao thông đã khiến cho việc tiêu thụ sầu riêng nơi đây gặp khó. |
Khánh Sơn là huyện có nhiều lợi thế để phát triển nông sản, hình thành vùng chuyên của tỉnh Khánh Hòa. Toàn huyện có hơn 1.720ha sầu riêng, trong đó có hơn 1.100ha trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm cho sản lượng khoảng 9.000 tấn. Tuy nhiên, dù sản lượng, chất lượng được đánh giá cao nhưng do khó khăn trong vận chuyển, trái cây ở đây thường bị mua giá thấp, khiến chủ vườn thiệt đơn, thiệt kép.
|
Thác Tà Gụ, điểm du lịch nổi tiếng của huyện Khánh Sơn. |
Ông Tạ Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, lĩnh vực trồng trọt, cây sầu riêng là cây trồng chủ đạo của địa phương này. Toàn xã có khoảng 540ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 2.600-3.000 tấn/năm. Sản phẩm này tiêu thụ chủ yếu ngoại tỉnh và xuất khẩu. Tuy nhiên, do khó khăn về giao thông nên một số tiểu thương đã về tìm hiểu và hài lòng về chất lượng trái cây nơi đây nhưng ra về không trở lại.
Theo ông Phong, tỉnh lộ 9 là tuyến đường nhỏ, đèo dốc quanh co nên xe container không dám lên đây để chở nông sản về xuôi. Đây là điều gây ra nhiều bất lợi cho bà con nông dân và tiểu thương.
Sầu riêng vận chuyển bằng xe container thì chi phí mỗi kg khoảng 55.000-60.000 đồng. Nhưng xe container không lên được, buộc tiểu thương thu gom rồi dùng xe tải nhỏ tăng bo xuống đường lớn xa hàng chục kilômét, rồi mới bỏ lên xe container nên 1kg sầu riêng giá sẽ đội lên từ 62.000-67.000 đồng. Để bù giá, tiểu thương buộc phải ép các chủ vườn bán thấp. Chưa kể, việc trung chuyển cũng khiến trái cây giảm chất lượng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, tuyến đường hình thành sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch, giao lưu văn hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông, lâm nghiệp sang dịch vụ, khai thác tiềm năng phát triển du lịch; phát triển thành các “vùng du lịch”, kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa theo đặc trưng riêng của mỗi địa phương.
Dự án sẽ góp phần trong việc hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, huyện Khánh Sơn đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Khánh Hòa đề ra.
|
Tỉnh lộ 9 độc đạo kết nối Khánh Sơn với thế giới bên ngoài. |
“Quốc hội thông qua dự án đầu tư tuyến đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận không chỉ chính quyền mà toàn thể nhân dân huyện nhà rất phấn khởi, đồng thuận. Bởi, dự án sẽ phá bỏ tính độc đạo của tuyến tỉnh lộ 9, kết nối với hệ thống đường tỉnh lộ, đường huyện, đường quốc lộ trong khu vực, tạo thành mạng lưới đường bộ đa dạng, cơ động. Đặc biệt tuyến đường sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, Chủ tịch huyện Khánh Sơn chia sẻ.
Được biết, việc đầu tư dự án là rất cần thiết, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Điểm đầu của dự án đường giao thông liên vùng kết nối vào QL27C, điểm cuối kết nối với tuyến đường tỉnh ĐT.707 (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), khi được đầu tư hoàn thành sẽ hình thành một trục giao thông theo hướng Bắc - Nam.
Ngày 20/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ QL27C đến đường tỉnh ĐT.656 (Tỉnh lộ 9) tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.
Dự án có quy mô đầu tư khoảng 56,9km, đường cấp III miền núi; 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m). Hình thức đầu tư là đầu tư công.
Theo Nghị quyết, tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 128,96ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.930 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.
Ngày 7/7, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có công văn triển khai Nghị quyết của Quốc hội giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ để bố trí và giao đủ số vốn 1.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho UBND tỉnh Khánh Hòa để triển khai đầu tư dự án theo quy định.