Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học từ ĐH Idaho và Indiana, được đăng trên tạp chí Geomorphology. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mọi chuyện bắt nguồn khi đến mùa sinh sản của cá hồi. Cá hồi có đặc trưng là loài cá ngược sông để đẻ, chúng sinh ra tại khu vực nước ngọt, di cư ra biển, sau đó quay trở lại vùng nước ngọt để sinh sản.
Tuy nhiên, có nhiều con thuộc nhiều loài sống cả đời tại vùng nước ngọt. Hầu hết cá hồi tuân theo mô hình cá di cư bơi ngược dòng sông để sinh sản, giai đoạn này chúng trải qua thời kỳ ăn nhiều nhất và lớn lên trong vùng nước mặn, tuy nhiên, khi trưởng thành chúng trở lại để đẻ trứng trong các dòng suối nước ngọt bản địa để đẻ trứng và cá con phát triển qua nhiều giai đoạn khác biệt. Sau khi đẻ, tất cả cá hồi Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đều chết và chu kỳ sống của cá hồi bắt đầu một lần nữa.
|
Cá hồi sinh sản là lúc chúng làm thay đổi mọi thứ xung quanh. Ảnh minh họa |
Sự di cư hàng năm có thể là một sự kiện lớn đối với gấu xám Bắc Mỹ, đại bàng đầu hói, sói xám vì chúng sẽ canh bắt cá hồi để tận hưởng thịt cá hồi đầy bổ dưỡng.
Tìm hiểu kỹ vấn đề này, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, trước tiên, chúng ta cần biết rằng chuyện ấy của cá hồi không được bình thường như các loài động vật khác. Con cái đẻ trứng, con đực giải phóng con giống vào nước, và rồi sau đó trứng mới được thụ tinh. Khi ấy, cá cái sẽ cọ xát vào ven bờ để tạo ra tổ rồi đẻ trứng vào đó, và đây cũng chính là nguyên nhân khiến địa hình Trái đất có thể thay đổi.
Các nhà khoa học đã thử lập mô hình tác động của việc trầm tích di chuyển lên các lớp đất đá, qua đó hình thành nên cảnh quan của cả khu vực trong hàng triệu năm. Kết quả, một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến quá trình này chính là việc cá hồi di cư.
Khi tạo ra tổ, cá hồi cũng vô tình hạ thấp độ dốc của dòng nước, qua đó khiến 2 bên bờ dễ bị xói mòn hơn. Điều đặc biệt là tốc độ xói mòn ngày càng nhanh, các hạt cát và đất đá cũng dễ dàng bị đẩy xuống hạ lưu nhiều hơn. Dần dần, địa hình của cả khu vực sẽ thay đổi.
"Cá hồi không chỉ khiến các lớp trầm tích dịch chuyển" - trích lời Alex Fremier, chủ nhiệm nghiên cứu. "Chúng thay đổi đặc tính của lòng suối, nên khi nước chảy, lượng đất, cát và sỏi cuốn theo sẽ ngày càng nhiều hơn." Kết quả, nền đá bên dưới lộ dần, làm tăng nguy cơ xói mòn cho cả khu vực.
Bên cạnh đó, cần biết rằng các loài cá hồi khác nhau sẽ gây nên tác động khác biệt đến địa hình và môi trường. Ví dụ như cá hồi Chinook (loài lớn nhất tại Thái Bình Dương) có thể khiến quá trình xói mòn diễn ra nhanh hơn trong cùng một khoảng thời gian so với nhiều loài cá nhỏ khác, vì chúng mang theo rất nhiều trầm tích.
Với nghiên cứu này, các chuyên gia hiểu được rằng một loài vật đơn lẻ vẫn có thể tác động mạnh đến địa hình, cảnh quan và môi trường. Sự có mặt của mọi loài vật đều có vai trò quan trọng đối với tự nhiên.