Các nhà sinh vật học đang theo dõi chú cá voi hai tuổi được mệnh danh là “Wally”. Họ cho biết cá voi xám thường di cư dọc theo bờ biển phía tây Mỹ. Tuy nhiên, sự nóng lên của Trái Đất có thể đã mở ra các tuyến đường biển phía bắc khiến Wally bị lạc và bơi vào Đại Tây Dương từ Bắc Cực.
|
Chú cá voi xám Wally 15 tháng tuổi được nhìn thấy đang bơi ở Biển Địa Trung Hải hôm 6/5. Ảnh: Reuters.
|
Một số nhà sinh vật bày tỏ lo ngại khi chú cá voi - dài khoảng 8 m - đang bị sụt giảm cân nặng nhanh chóng do không thể tìm thấy nguồn thức ăn của mình - động vật không xương sống - ở độ sâu của Thái Bình Dương.
"Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai của chú cá voi này. Chất béo của nó, vốn là nguồn năng lượng để giúp cá voi di chuyển, đã giảm đi rất nhiều. Nó đã kiệt sức và chỉ còn da bọc xương. Chúng tôi không thấy nó ăn gì kể từ khi bắt đầu theo dõi", người đứng đầu cơ quan đa dạng sinh học ở miền nam nước Pháp, ông Eric Hansen, nói.
Theo ông Hansen, Wally có thể đã bơi vào Địa Trung Hải qua eo biển Gibraltar, xuống bờ biển Morocco trước khi băng qua bờ biển Italy và đến Pháp.
Hiện chú cá voi Wally đang bơi khoảng 80-90 km mỗi ngày và tiến đến bờ biển phía Tây Ban Nha.
"Nó đang cố gắng tiến vào các bến cảng, như thể để tìm một lối thoát. Chiến lược của nó sẽ hoạt động và chúng tôi hy vọng nó có thể quay trở lại Gibraltar trong khoảng một tuần", ông Hansen nói.
Các nhà sinh vật học cho biết vài ngày trước, Wally bị mắc vào lưới đánh cá nhưng đã thoát ra được. Tuy nhiên họ lo ngại việc di chuyển sẽ gặp nhiều trở ngại hơn tại eo biển Gibraltar, nơi giao thông vận tải biển diễn ra đông đúc.
Đây là lần thứ hai các nhà sinh vật học quan sát thấy một chú cá voi xám ở Địa Trung Hải. Lần gần đây nhất là vào năm 2010.
“Chúng ta có thể sẽ thấy điều này thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu không chỉ mở ra tuyến đường phía bắc mà còn thay đổi dòng hải lưu”, ông Hansen nói.