Hồ nước giết người
Vào
ngày 21/8/1986, một thảm họa diễn ra quanh khu vực hồ Nyos ở Cameroon
khiến gần 2.000 người dân và gần 8.000 con vật chết chỉ trong một đêm.
Một người đàn ông đi từ làng Wum đến làng Nyos đã phát hiện ra thảm họa
này.
Lúc đầu, anh ta trông thấy một con linh dương
nằm chết bên đường. Sau đó, khi vào trong làng, anh ta phát hiện thêm
xác của một con chó, hai con chuột và một vài con khác.
Người
đàn ông quyết định tới khu lều trại phía trước để hỏi thăm tình hình
thì hốt hoảng phát hiện ra xác người chết nằm la liệt khắp nơi. Sau khi
tìm kiếm khắp nơi và không phát hiện ra ai sống sót, anh ta liền chạy về
Wum báo tin.
Chỉ
sau một đêm, hồ nước kỳ lạ đã giết chết gần 2.000 người và khoảng 8.000
con vật xung quanh bán kính 20 km. (Ảnh: smithsonianmag)
Chính
quyền địa phương sau khi nhận được thông tin vụ việc lập tức cử cảnh
sát tới điều tra. Theo thông tin từ các làng kế bên, cảnh sát biết trước
khi diễn ra sự việc họ nghe thấy một âm thanh rất lớn tựa như bom nổ.
Sau
đó, không khí xung quanh ngập tràn một mùi khó ngửi khiến người dân
thiếp đi. Họ không biết rằng, ở làng Nyos sắp diễn ra một thảm họa không
thể nào quên.
Theo thống kê của cảnh sát, số người
chết lên tới hơn 1.746. Trên thi thể họ không một dấu hiệu nào chứng tỏ
bị chấn thương hay có cuộc đụng độ nào đó dẫn tới tử vong. Bên cạnh đó,
khoảng 8.000 loài vật nuôi và hoang dã cũng chết một cách bí ẩn.
Nhiều người nói, người dân làng Nyos và các con vật chết là do linh hồn ác quỷ trốn bên dưới hồ Nyos đã thoát ra.
Một
nhóm chuyên gia được chính phủ Cameroon cử tới hiện trường để tham gia
phá án. Trong quá trình điều tra, các chuyên gia nhận thấy thi thể nạn
nhân tập trung chủ yếu trong bán kính 20km quanh hồ Nyos. Càng gần hồ,
số lượng xác chết càng nhiều.
Đặc biệt, hầu hết người chết đều ở làng Nyos, nơi gần hồ nhất. Những ngôi làng nằm cách xa hồ có nhiều người sống sót hơn.
Sau thảm họa diệt vong, nước hồ Nyos đang từ xanh chuyển sang màu đỏ. (Ảnh: smithsonianmag)
Sau
nhiều ngày điều tra, các nhà khoa học đặt ra giả thuyết rằng do hồ Nyos
nằm trên miệng núi lửa nên sau khi hoạt động trở lại, núi lửa này đã
phun trào khí độc gây ra thảm họa.
Tuy nhiên, giả
thuyết này nhanh chóng bị bác bỏ vì nhiều nhân chứng cho biết họ không
hề thấy động đất hay hoạt động rung lắc nào. Đồ đạc và nhà cửa cũng
không có dấu hiệu bị phá hoại.
Dưới
đáy hồ Nyos lại chứa một lượng khí CO2 khổng lồ. Sở dĩ, hồ Nyos được
hình thành trên “đường núi lửa” Cameroon. Đường núi lửa này có thể hình
thành từ 150 triệu năm trước.
Hồ Nyos lại hình thành
trên miệng núi lửa. Các hồ ở miệng núi lửa thường có nồng độ CO2 cao
hơn thông thường. Lượng CO2 thông thường không bị rò rỉ ra bên ngoài mà
bay hơi khi nước hồ được bổ sung khi trời mưa.
Thế
nhưng, hồ Nyos lại hết sức tĩnh lặng và ít phải chịu ảnh hưởng của biến
động môi trường. Hồ nước này thay vì giải phóng CO2 lại tích chúng lại
như một kho trữ khí áp suất cao. Thậm chí một lít nước hồ hòa tan tới
hơn 5 lít CO2.
Để ngăn chặn thảm họa tái diễn, các chuyên gia đã lắp nhiều đường ống dẫn khí CO2 bên dưới đáy hồ nước. (Ảnh: smithsonianmag)
Khi
vụ sạt lở xảy ra, CO2 dưới đáy hồ bị dâng lên cao và bắn ra khỏi mặt
nước. Khoảng 1,2 km3 khí CO2 được giải phóng trong vòng 20 giây hình
thành một đám mây cao khoảng 100 m và tỏa ra xung quanh. Khi đám mây khí
CO2 bao trùm, mọi ngọn lửa đang cháy đều bị tắt. Ngôi làng Nyos ở gần
hồ gần như không thể thoát khỏi thảm họa diệt vong.
Sau
khi tìm ra nguyên nhân thực sự khiến gần 2.000 người chết, hồ Nyos đã
được các nhà khoa học và chức trách giám sát nghiêm ngặt. Một đường ống
dẫn khí CO2 thoát ra ngoài đã được lắp đặt dưới đáy hồ. Sau khi thử
nghiệm thành công vào năm 1995, ống thoát khí độc được chính thức đưa
vào sử dụng năm 2001.
Tính đến mùa thu năm 2006, ống
thoát khí vẫn hoạt động tốt và giải phóng được gần 20 triệu m3 khí mỗi
năm, lớn hơn lượng khí nạp vào hồ. Các nhà khoa học cho rằng mức giảm
này là quá ít.
Một điều đáng lo nữa là con đập tự
nhiên ở phía bắc hồ Nyos đang bị xói mòn và có thể sập trong 5 năm. Nếu
đập vỡ, 50 triệu m3 nước có thể tràn ra từ hồ, nhấn chìm tới 10.000
người khi nó tràn qua các thung lũng bên dưới.
Khi
hồ mất đi một lượng nước lớn như vậy, mực nước có thể giảm tới 40m. Áp
lực nước giữ CO2 ở lại đáy hồ sẽ không còn và sẽ lại gây ra một đợt phụt
khí CO2 kinh hoàng hơn vụ năm 1986.
Cuối cùng, giải
pháp mà giới khoa học gấp rút thực hiện là vừa gia cố đập tự nhiên bằng
bê tông vừa lắp thêm 4 ống hút nữa để giảm lượng CO2 về mức an toàn.