Theo bài viết đăng tải trên Science Alert, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian ở Panama cho biết, ngôi mộ cổ với các bộ xương bị cắt rời này không phải là bằng chứng về những vụ hiến tế hàng loạt, một nghi thức đẫm máu rùng rợn của người da đỏ, như ý kiến trước đây của nhà khảo cổ học người Mỹ Samuel Lothrop.
|
Chiếc sọ đầu lâu được phát hiện trong cuộc khai quật ngôi mộ cổ. Ảnh: Science Alert |
Trước đó vào năm 1951, nhóm chuyên gia do nhà khoa học Samuel Lothrop dẫn đầu đã tìm thấy ngôi mộ cổ Vienna Playa ở Panama. Quá trình khai quật, nhóm này phát hiện được 202 bộ xương, dự đoán có niên đại khoảng giữa 550 và 850 năm TCN; và sau đó là 167 bộ hài cốt khác.
Năm 1954, nhóm nhà khảo cổ học công bố bản báo cáo mô tả về ngôi mộ. Trong đó, ông kết luận hài cốt phát hiện được chỉ ra rằng những người chết đã bị hiến tế. Theo ông, có thể họ chính là nạn nhân của những vụ hiến tế hàng loạt.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới của các chuyên gia Viện Nghiên cứu nhiệt đới Smithsonian, họ đã tiến hành kiểm tra 77 bộ hài cốt được tìm thấy trong cuộc khai quật; bên cạnh đó, phân tích một số tài liệu lưu trữ, ghi chép cùng các hình ảnh đã được chụp trong cuộc khai quật của Lothrop.
Các chuyên gia Viện Smithsonian cho rằng, phần lớn thương tích đã bị gây ra trước khi họ chết, trong đó nhiều vết thương đã được chữa lành trước khi chôn cất. Ngoài ra, các xương hàm mở trên các bộ hài cốt mà Lothrop coi là dấu hiệu “chôn sống”, các nhà khoa học Viện Smithsonian giải thích đây là kết quả của quá trình giãn cơ sau khi chết.
Các chuyên gia cũng cho biết việc các thi thể sắp xếp hỗn loạn trong ngôi mộ cổ chỉ ra một thực tế rằng những người dân bản địa Panama đã thực hiện việc cải táng hài cốt (trước đó từng được chôn trong các ngôi mộ tạm thời).
Các kết quả phân tích trùng với các nghiên cứu khác về các phương pháp mai tang thời tiền Columbo và thực dân Panama, khẳng định rằng các kết luận của lothrop là sai lầm, các nhà nghiên cứu cho biết.