"Tín hiệu Wow!" nổi tiếng bắt được năm 1977 trong khuôn khổ chương trình SETI không phải do người ngoài hành tinh gửi tới, mà là kết quả của các quá trình vật lý bên trong đuôi sao chổi bay gần Trái Đất, nhà thiên văn học cho biết trong bài báo đăng trên Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Washington (Journal of the Washington Academy of Sciences).
Trong hơn nửa thế kỷ, các nhà thiên văn của Viện tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất (SETI) tại Mỹ và các đối tác của họ trên toàn thế giới đã cố gắng tìm sự sống ngoài Trái đất thông qua các tín hiệu vô tuyến bắt được từ các khu vực khác nhau của thiên hà. Hiện tại chưa tìm được cuộc sống có trí tuệ hay cuộc sống không có trí tuệ nào, nhưng theo đại diện của NASA và SETI, nhiệm vụ này có thể được giải quyết rất nhanh chóng trong vòng 10-20 năm tới.
|
Ảnh minh họa. |
Sau 56 năm hoạt động, các nhà thiên văn SETI không thể tìm được dấu vết rõ ràng của nền văn minh ngoài trái đất trừ một ngoại lệ nhỏ và gây nhiều tranh cãi. Đó là cái gọi là "Wow tín hiệu!" do đài thiên văn "Big Ear" ghi nhận được vào năm 1977. Trong những năm tiếp theo, các nhà thiên văn thất bại trong việc tìm lại nguồn gốc của tín hiệu trong chòm sao Nhân Mã, khiến các nhà khoa học coi đó là sóng radio truyền từ những mảnh rác vũ trụ xuống Trái Đất.
Ông Antonio Peris từ Trường Cao đẳng St. Petersburg (của Mỹ), người tại thời điểm đó làm việc trong Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết năm ngoái rằng ông có chìa khóa để biết những điều bí ẩn về tín hiệu này, và hứa sẽ tiết lộ điều đó cuối năm 2017.
Trong bài viết của mình, nhà thiên văn học cho biết, vào thời điểm năm 1977 đó, khi các nhà thiên văn SETI ghi được "tín hiệu Wow!", có hai sao chổi là 266P/Christensen và 335P/Gibbs bay qua chòm sao Nhân Mã, nơi tín hiệu đó đến với chúng ta. Khi đó các nhà khoa học không biết về sự tồn tại của các sao chổi này, vì chúng chỉ mới được phát hiện trong năm 2006 và 2008.
Các sao chổi chứa một lượng lớn nước, bao gồm hydro và oxy. Hydro ion hóa phát ra sóng radio trên cùng một tần số đã được đài thiên văn "Big Ear" tiếp nhận năm 1977. Ban đầu, các nhà khoa học cho rằng sự trùng hợp như vậy có thể lý giải về sự tồn tại của người ngoài hành tinh — vì hydro rất phổ biến trong vũ trụ, cho nên hoàn toàn có thể nói rằng người ngoài hành tinh có thể sử dụng tín hiệu "bất khả thi" trên cơ sở cùng một tần số để chỉ ra sự tồn tại của mình.
Cuối tháng 1.2017, sao chổi 266P/Christensen một lần nữa bay qua chòm sao Nhân Mã, điều mà ông Peris đã chuẩn bị từ lâu và kỹ lưỡng để đón đợi. Quan sát sao chổi này và mặt trời, cũng như một vài ngôi sao xa xôi, dải Ngân hà và các thiên hà khác gần chòm sao Nhân Mã tại thời điểm đó, ông Peris cố gắng tìm hiểu xem các đối tượng này đã sinh ra những vụ bùng nổ vô tuyến nào và có giống như "tín hiệu Wow!" hay không.
Để thực hiện các quan sát tương tự, Peris sử dụng kính thiên văn radio mười mét, được trang bị hệ thống phân tích quang phổ đặc biệt mà nhà khoa học đã tạo ra để phá hiện bản chất của "tín hiệu ngoài hành tinh." Sử dụng hệ thống này, nhà thiên văn theo dõi những thay đổi trong tín hiệu cùng tần suất đến từ tất cả các nguồn vũ trụ, và so sánh với các dữ liệu trong hồ sơ của các nhà thiên văn dự án SETI.
Nhà khoa học cho biết, hầu hết các đối tượng này có thể phát ra sóng radio ở tần số 1420 MHz, giống như nguồn của "tín hiệu Wow!", nhưng chỉ có một đối tượng phát ra các tín hiệu có hình thức chính xác — đó là sao chổi 266P/Christensen. Khi Peris dời vị trí của kính viễn vọng ra khỏi sao chổi khoảng một độ thì tín hiệu biến mất, và điều tương tự đã xảy ra sau đó khi quan sát các sao chổi khác — P/2013 EW90, P/2016 J1-A và 237P/LINEAR.
Theo ông Peris, các kết quả như vậy sẽ cho các nhà thiên văn SETI thấy sao chổi, chứ không phải dấu vết của người ngoài trái đất. Theo tạp chí Popular Mechanics, các nhà thiên văn SETI không tán thành ý kiến của ông. Họ nói rằng sao chổi ở quá xa để Paris có thể bắt được tín hiệu bằng cách sử dụng kính viễn vọng nhỏ như vậy. Ngoài ra, họ lưu ý rằng "tín hiệu Wow!" chỉ kéo dài một phút, trong khi sao chổi phát ra sóng radio liên tục.