GS.TS Vũ Thị Thu Hà: Làm khoa học gian nan

Google News

“Tôi hay nói đùa với mọi người, số lượng của bằng độc quyền tương đương với số giấy ghi nợ”, GS.TS Vũ Thu Hà chia sẻ về chặng đường làm nghiên cứu khoa học đầy gian nan, thử thách..

GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công Thương) chia sẻ, để làm ra được một sản phẩm thành công phải trải qua nhiều lần thất bại, mỗi lần có khi mất vài tỷ “là chuyện thường”.
Làm giám đốc cũng có thể phải “ra đường” kiếm tiền
GS.TS Vũ Thị Thu Hà cho biết, cho đến thời điểm này, Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu đã đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, có trang thiết bị đồng bộ và hiện đại.
GS.TS Vu Thi Thu Ha: Lam khoa hoc gian nan
 GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về công nghệ lọc hóa dầu (Bộ Công Thương). Ảnh: NVCC.
Đã tạo ra những sản phẩm có hàm lượng khoa học cao, tiếp cận được trình độ các nước trong khu vực và quốc tế. Nhiều công trình nghiên cứu đạt trình độ tiên tiến đã được đưa vào áp dụng hiệu quả trên thực tiễn, góp phần nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường.
“Nhóm nghiên cứu tiền thân từ năm 2003 chỉ có 5 người với kinh phí hoạt động là 70 triệu đồng cho 1 năm. Sau gần 2 thập kỷ phát triển, đến nay đã có được một đội ngũ 37 cán bộ làm việc thường xuyên và không thường xuyên, và với một nguồn kinh phí hoạt động hằng năm từ 20-30 tỷ đồng. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và bắt đầu chính thức từ 2011 là hoàn toàn theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, GS.TS Vũ Thị Thu Hà cho hay.
Mặc dù là một phòng thí nghiệm quy mô nhỏ nhưng theo GS Hà, từ khi thành lập đến nay, đã tham gia đào tạo 20 tiến sĩ; có 4 bằng độc quyền sở hữu trí tuệ được cấp bởi các tổ chức quốc tế ở Mỹ, châu u, Braxin, Pháp và 27 bằng được cấp ở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam; ngoài ra, công bố khá nhiều công trình trong nước và quốc tế có giá trị.
Hiện nay, Phòng sở hữu 1 ngân hàng công nghệ có bản quyền. Hầu hết các công nghệ đưa ra đã được đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ.
Số lượng bằng độc quyền tương đương giấy ghi nợ
Tuy nhiên, để có được những kết quả như vậy, là một chặng đường đầy gian nan và nỗ lực không ngừng nghỉ, cả sự kiên quyết, dũng cảm, can trường của người đứng đầu.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ, Phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ lọc hóa dầu từ khi vừa thành lập đã có đặc thù so với những cơ quan khác, đó là hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào về lương, nhiệm vụ thường xuyên, giao nhiệm vụ nghiên cứu.
Theo đó, được trang bị máy móc, thiết bị. Tuy nhiên, toàn bộ chi phí vận hành phòng thí nghiệm, duy trì máy móc thiết bị, toàn bộ lương của mọi người phải tự lo.
“Bản thân tôi là giám đốc phòng thí nghiệm trọng điểm cũng không có lương, ngày mai không có nhiệm vụ thì tôi cũng ra đường phải đi kiếm tiền. Đó là một thách thức khác so với tất cả các cơ sở nghiên cứu khác”, GS Hà tâm sự.
Chị cho hay, Phòng không được giao nhiệm vụ thường xuyên, mọi nhiệm vụ có được đều phải đấu thầu, hợp đồng với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, lại phải thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia trong một lĩnh vực chuyên ngành liên quan tới lọc, hóa dầu.
Đó là vẫn phải đáp ứng hoàn thành nhiệm vụ và chức năng của một cơ sở nghiên cứu phải có định hướng, ứng dụng và triển khai ứng dụng trong thực tế để tạo ra được sản phẩm khoa học công nghệ, mang lại nguồn thu, những giá trị cho xã hội.
“Tôi hay nói đùa với mọi người, số lượng của bằng độc quyền tương đương với số lượng giấy ghi nợ”, GS Hà nói. Chị cho biết, để làm ra được một sản phẩm có khi phải mất nhiều năm ròng, vô số lần thất bại, mỗi lần như thế mất vài tỷ đồng “là chuyện thường”.
Lòng quyết tâm và hậu phương vững chắc
Nhìn lại chặng đường đã qua, GS.TS Vũ Thị Thu Hà chia sẻ: “Con đường làm khoa học rất gian khổ”. Cũng chính vì thế, để có thể theo đuổi được con đường này, chị khuyên các bạn trẻ phải lường trước và có lòng quyết tâm.
Bản thân chị, để có thể yên tâm theo đuổi con đường nghiên cứu, dốc hết tâm sức cho đam mê của mình, là bởi nhờ có một có hậu phương vững chắc và rất nhiều người xung quanh ủng hộ, động viên tuyệt đối trong những giai đoạn vô cùng khó khăn của quá trình nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng công nghệ.
Thời gian dành cho khoa học nhiều lên đồng nghĩa với thời gian cho gia đình ít đi. Chị ước mỗi ngày có thể làm việc đến 9 giờ tối. Có giai đoạn, nhiều năm liền, chị luôn kết thúc một ngày làm việc ở cơ quan lúc 10h đêm. Sau khi sinh con thứ 2, chị chỉ nghỉ đúng 5 ngày trong bệnh viện, sau đó lại lao vào công việc. Bé chưa đầy tháng, mẹ đã đi thuyết trình công trình khoa học.
Để được sống với niềm đam mê như vậy, đằng sau chị là một gia đình luôn yêu thương, động viên, hết lòng ủng hộ chị. Chồng của chị tuy không theo con đường nghiên cứu khoa học, nhưng hiểu và hỗ trợ chị rất nhiều. Mỗi khi chị về muộn, anh nấu cơm, chờ vợ về, còn căn giờ để thức ăn luôn nóng sốt.
Chính vì có một hậu phương như thế, chị đã yên tâm dốc tâm huyết cho khoa học. Và mỗi về với gia đình, chị được cân bằng ngay lập tức, quên hết mệt mỏi. “Đặc biệt những lúc gặp khó khăn trong công việc, hay thất bại… thì gia đình luôn là điểm tựa, giúp mình cân bằng lại”, chị chia sẻ.
Với những cống hiến của mình, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đã được nhận Huân Chương Lao động hạng 3; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ; Giải thưởng Kovalevskaia cho nhà Khoa học nữ xuất sắc.
Chị cũng là một trong 106 trí thức được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao danh hiệu Trí thức và khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2022.
Mời quý độc giả xem video: "GS.TS Phan Văn Tân chia sẻ về ý nghĩa của công trình đầu tiên về hạn hán trên khu vực Đông Nam Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống.

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)