Tuy nhiên, cái tên Android sẽ không biến mất hoàn toàn!
Theo ZDNet, Android rõ ràng là một hệ điều hành di động cực kỳ thành công khi đã "nghiền nát" mọi địch thủ để xuất hiện trên 85% số thiết bị di động đã được bán ra thị trường từ trước đến nay, đồng thời trở thành một đối thủ nặng ký và đôi lúc là lấn át so với nền tảng iOS của Apple.
Tuy nhiên, Android đã và đang bị lung lay bởi nhiều vấn đề mà Google dường như không thể giải quyết được, hoặc chỉ có thể giải quyết khi họ mạo hiểm đưa ra những giải pháp quyết liệt.
Tác giả Thom Holwerda của trang OS News đã từng nói: "Tôi nghĩ Android đang đi vào ngõ cụt. Điều này không có nghĩa là Google sẽ từ bỏ việc phát triển hệ điều hành di động, hay cái tên Android sẽ biến mất. Nó có nghĩa là những gì mà bạn nghĩ là "Android" ở thời điểm hiện tại - một nhân Linux với các thư viện, Android Runtime, và các thứ linh tinh khác nằm bên ngoài nhân hệ điều hành - đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó, và sẽ nhường chỗ cho một thứ khác".
Holwerda đã liệt kê ra một vài vấn đề mà Android đang gặp phải, từ vấn đề liên quan đến hiệu năng, cho đến vấn đề về việc đưa các bản cập nhật và nâng cấp đến tay người dùng. Nói về vấn đề cập nhật, cứ mỗi lần ra phiên bản mới thì Google lại phải chờ dài cổ mới thấy phiên bản Android mới này được cài đặt trên 10% số máy đang có trên thị trường, và trong một thế giới thay đổi với tốc độ chóng mặt như hiện tại thì đây quả là một điều không mấy thoải mái cho lắm.
Holwerda cho rằng Android đang đi vào ngõ cụt. Sự thực thì Android đang chết, chỉ là không ai muốn chấp nhận điều đó.
Nếu bạn thường xuyên theo dõi tin tức công nghệ, hẳn đã từng nghe đến dự án Fuchsia của Google. Trong vòng 12 tháng qua, dự án Fuchsia đã nhanh chóng có những bước phát triển mới, từ một dự án nghiên cứu đơn thuần chuyển sang một thứ mà trong tương lai không xa sẽ là người kế nhiệm cho hệ điều hành Android hiện tại.
|
Giao diện mockup của dự án Fuchsia. |
Android, hiện đã quá nặng nề bởi nhân Linux cũ kỹ, với hàng triệu dòng code chưa được tối ưu, đã trở thành một nơi lý tưởng cho các loại sâu máy tính, virus, các hiểm họa bảo mật tiềm tàng ẩn nấp. Bên cạnh đó, Google cũng muốn thoát khỏi mọi ràng buộc về bản quyền, và những thứ phức tạp khó nói khác vốn đang nằm trong tay những công ty nắm bản quyền như Microsoft.
Dự án Fuchsia được tạo ra để giải quyết những vấn đề đó, đồng thời sửa những thứ mà Google đã phạm phải đối với Android, tuy nhiên để làm được điều này thì họ phải bắt đầu lại từ con số không.
Google hiện đang rất nghiêm túc về việc tự tạo ra con chip xử lý của chính mình, dành cho các smartphone chủ lực của họ, thể hiện qua động thái thuê kỹ sư trưởng của bộ phận sản xuất chip của Apple về thiết kế chip cho điện thoại Pixel.
Do đó, có thể thấy ngày tàn của Android đã sắp đến.
Theo như Holwerda đã chỉ ra, thì quá trình chuyển hóa của Android sẽ hầu như vô hình dưới mắt người dùng, nghĩa là mọi thay đổi sẽ diễn ra rất âm thầm. Hầu hết người dùng sẽ chẳng hề biết là có thứ gì đó đã thay đổi, bởi những người dùng cuối thường chỉ quan tâm đến giao diện người dùng mà thôi.
Android sẽ vẫn hoạt động gần như nó đã và đang hoạt động, và các ứng dụng viết cho nó sẽ vẫn chạy tốt. Tuy nhiên, Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, do đó Google không phải cứ thích là "tống tiễn" nó đi được. Sẽ xảy ra trường hợp Google nắm giữ một lúc hai nền tảng, chạy song song với nhau, và họ sẽ dần dịch chuyển bộ phận phát triển sang nền tảng mới. Không còn được Google ưu ái, sự phát triển của Android sẽ chỉ như "chỉ treo mành chuông", trừ khi một ông lớn khác như Amazon nhảy vào.
Có thể Android - hệ điều hành chúng ta đang sử dụng, với nhân Linux ở bên dưới - sẽ chết, thì thương hiệu "Android" vẫn sẽ ở lại. Và nếu Google thực sự sẽ làm chip di động "cây nhà lá vườn", có lẽ trong thời gian đến chúng ta sẽ được thấy một nền tảng mới dựa trên dự án Fuchsia xuất hiện với nhiều điều mới mẻ và thú vị.