Giáo sư gốc Việt nhận giải thưởng danh giá của Vương quốc Anh

Google News

Giải thưởng Thomas Graham về chuyên ngành hóa keo là sự ghi nhận sâu rộng đối với chuyên môn nghiên cứu về công nghệ vật liệu nano.

Giao su goc Viet nhan giai thuong danh gia cua Vuong quoc Anh
 Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại trường Đại học University College London - UCL (Vương quốc Anh). (Nguồn: RSC)
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại trường Đại học University College London - UCL (Vương quốc Anh) đã được trao giải thưởng danh giá Thomas Graham 2023 của liên hiệp SCI/RSC gồm Hiệp hội công nghiệp hóa chất và Hiệp hội hóa học Hoàng gia Anh.
Thomas Graham là một trong ba giải thưởng cao quý của liên hiệp SCI/RSC nhằm ghi nhận và tôn vinh các nhà nghiên cứu xuất sắc đương thời trong lĩnh vực hóa keo trong từng giai đoạn sự nghiệp: Giải thưởng Thomas Graham dành cho những người đang ở đoạn giữa sự nghiệp, Huy chương McBain dành cho các nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp trong khi Giải thưởng Sir Eric Rideal vinh danh thành tựu trọn đời.
Các giải thưởng mang tên những tên tuổi lớn trong lịch sử hóa keo ở Anh gồm James William McBain, Thomas Graham, và Sir Eric Rideal. Họ là những người tiên phong trong nghiên cứu học thuật về lĩnh vực này tại Đại học Bristol, Đại học UCL và Đại học Cambridge. Trong đó, Thomas Graham (20/12/1805 - 11/9/1869) là nhà hóa học nổi tiếng người Scotland, nhà sáng lập Hiệp hội hóa học London vào năm 1841, đồng thời được coi là một trong những người sáng lập ngành hóa keo (ông là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ chất keo (colloids) vào năm 1851).
Tại hội nghị khoa học UK Colloids 2023, diễn ra từ ngày 17-19/7 vừa qua ở Liverpool, Anh, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh đã thuyết trình trước 400 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị này thường được tổ chức 3 năm một lần, quy tụ các nhà khoa học, nhà phát minh và các doanh nhân nổi tiếng trên toàn cầu trong lĩnh vực hóa keo.
Bài thuyết giảng nhận được sự quan tâm, đánh giá rất cao của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hóa keo tham dự hội nghị. Theo đánh giá của các đại biểu, nội dung bài giảng này của Giáo sư Thanh chứa đựng nhiều kiến thức sâu rộng, tổng hợp về nhiều lĩnh vực khoa học trên cơ sở kết nối các thành tựu của nền khoa học Anh từ Thomas Graham, Michael Faraday cho đến cha con nhà Braggs (cặp cha con duy nhất cùng đoạt giải Nobel Vật lý). Sau đó, nhiều người đã trực tiếp gặp gỡ Giáo sư Thanh để bày tỏ sự khâm phục và ấn tượng đối với nội dung của bài thuyết giảng cũng như cá nhân tác giả.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh không giấu nổi niềm vui và tự hào khi nhận được giải thưởng danh giá Thomas Graham vào thời điểm rất có ý nghĩa. Bà cho biết sau nhiều lần được vinh danh với các giải thưởng khoa học uy tín (Rosalind Franklin Award dành cho tất cả các ngành khoa học tự nhiên và toán, RSC Interdisciplinary Prize về hóa học), giải thưởng Thomas Graham về chuyên ngành hóa keo là sự ghi nhận sâu rộng đối với chuyên môn nghiên cứu về công nghệ vật liệu nano mà bà theo đuổi suốt hơn 22 năm qua.
Bà cũng bày tỏ hy vọng giải thưởng này sẽ khích lệ, truyền cảm hứng cho các nhà khoa học trẻ theo đuổi ước mơ cống hiến cho khoa học, cho cộng đồng. Đối với Việt Nam, bà mong muốn giải thưởng sẽ góp phần nâng cao uy tín cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học người Việt Nam trong cộng đồng khoa học quốc tế, khuyến khích các nhà khoa học trẻ Việt Nam tự tin bước ra và hội nhập với nền khoa học tiên tiến của thế giới.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh là một trong những trí thức người Việt nổi tiếng thế giới. Bà là người Việt duy nhất cho đến nay nhận được tài trợ nghiên cứu Royal Society University Research Fellowship của Viện Hàn lâm quốc gia Anh và Quỹ Thịnh vượng chung (2005-2014).
Năm 2022, bà đã được xướng tên trong bảng xếp hạng “Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới” (gồm 2% nhà khoa học trên thế giới có những công trình nghiên cứu chuyên ngành có ảnh hưởng lớn và được các tác giả khác trích dẫn nhiều nhất) cho cả hạng mục sự nghiệp và theo năm. Danh sách này do nhóm nhà khoa học của Giáo sư John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ) đưa ra dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus.
Với bề dày thành tích nghiên cứu và giảng dạy trong môi trường quốc tế, Giáo sư Thanh đã giành được rất nhiều giải thưởng cao quý trong các lĩnh vực nghiên cứu từ các tổ chức khoa học, viện hàn lâm uy tín trên thế giới. Bà đã nỗ lực không mệt mỏi để hiện thực hóa khát vọng đưa các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới và với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu.
Năm 2023 cũng là năm ghi dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh. Hồi tháng 2, bà đã được Liên minh quốc tế về hóa học cơ bản và hóa học ứng dụng (IUPAC) trao giải thưởng “Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực hóa học hoặc kỹ thuật hóa học năm 2023” cùng 11 nhà khoa học nữ đến từ Mỹ, Anh, Đức, Italy, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ, Brazil, Nhật Bản và Bỉ.
Trước đó, vào tháng 11/2022, Giáo sư Thanh cũng vinh dự được giảng bài trong chương trình thuyết giảng khoa học lâu đời và nổi tiếng thế giới Friday Evening Discourses (FED) của Viện Hoàng gia Vương quốc Anh (Ri). Video bài giảng trên kênh YouTube của Ri đã thu hút hơn 23.000 lượt xem.

Theo TTXVN

>> xem thêm

Bình luận(0)