Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ học Trung Quốc phát hiện ra ngôi mộ cổ có chứa nhiều di chỉ khảo cổ tại khu vực Ngưu Hà Lương ở địa cấp thị Triều Dương, Liêu Ninh. Tại đây, họ tình cờ tìm thấy một món bảo vật quốc gia có thể nói là đã viết lại lịch sử Trung Quốc, giá trị tới mức không được xuất cảnh để triển lãm. Điều đáng nói là món bảo vật này được tìm thấy trong một hoàn cảnh hết sức trớ trêu.
Cụ thể đó là vào tháng 4 năm 1981, đội khảo sát di tích văn hóa của tỉnh Liêu Ninh nghe được thông tin rằng ở Ngưu Hà Lương thường khai quật được cổ vật trong các ngôi mộ cổ. Thậm chí, nhiều người còn tìm được đồ tạo tác bằng ngọc bích. Đến năm 1983, các nhà khảo cổ gồm Tôn Thủ Đạo và Quách Đại Thuận đã dẫn theo một nhóm các chuyên gia đến Ngưu Hà Lương để bắt đầu một cuộc khai quật với quy mô lớn.
Trong lúc đi "giải quyết nỗi buồn", một chuyên gia khảo cổ bất ngờ tìm thấy một bức tượng đầu người bên dưới lớp đất cát. (Ảnh: Sohu)
Sau nhiều ngày khai quật, các nhà khảo cổ không tìm thấy được di vật văn hóa nào có giá trị và họ đã kiệt sức. Vào một buổi tối, khi các chuyên gia hoàn thành công việc và bắt đầu thu dọn đồ nghề, một nhân viên lại muốn đi vệ sinh. Anh ta tìm đến một chỗ khuất để "giải tỏa nỗi buồn" thì thấy lạnh sống lưng vì một khuôn mặt ở dưới đất đột nhiên lộ ra. Người nhân viên cảm thấy có gì đó không đúng nên đã bới đất tìm kiếm. Anh ta đã thuận lợi tìm thấy một cái đầu người bằng gốm.
Quá phấn khích, anh lập tức báo cáo với đội trưởng. Hóa ra đầu người bằng gốm đó chính là một phần của tượng nữ thần Ngưu Hà Lương. Sau một thời gian tìm kiếm, họ may mắn tìm ra Đền thờ nữ thần Ngưu Hà Lương có niên đại gần 5.000 năm ở khu vực gần đó. Phát hiện này vừa công bố đã gây chấn động thế giới.
Bức tượng này là một phần của tượng Nữ thần Ngưu Hà Lương. (Ảnh: Sohu)
Theo ký ức của các chuyên gia khảo cổ, khi đầu của nữ thần lộ ra ngoài, tất cả họ đều nín thở, không một âm thanh nào phát ra ngoài tiếng sột soạt của bàn chải cạo đất. Khi bức tượng lộ ra cũng chính là lúc lịch sử khảo cổ tiến thêm một bước mới.
Bức tượng sau khi được khôi phục hoàn chỉnh cao 22,4 cm, rộng 21 cm. Gò má nổi rõ, sống mũi hơi hếch, đôi môi rộng, đôi mắt sắc lẹm đầy vẻ huyền bí, uy nghiêm. Trên trán của bức tượng có đeo một cái vòng, hai mắt được khảm ngọc hình tròn có đường kính 2,3 cm.
Hiện tượng nữ thần Ngưu Hà Lương đang được trưng bày tại Viện khảo cổ học tỉnh Liêu Ninh. Đây là bức tượng nữ thần bằng gốm sớm nhất được khai quật ở Trung Quốc. Sau đó bức tượng này đã được công nhận là bảo vật quốc gia và được yêu cầu cấm xuất cảnh khỏi đất nước để triển lãm.
Khuôn mặt của nữ thần Ngưu Hà Lương sau khi được phục hồi. (Ảnh: Sohu)
Theo các chuyên gia khảo cổ, bức tượng nữ thần và ngôi đền đều thuộc nền văn hóa Hồng Sơn, là một nền văn hóa thời đại đồ đá mới ở đông bắc Trung Quốc. Đây là một trong những nền văn minh cổ xuất hiện sớm nhất tại Trung Quốc. Các di chỉ thuộc văn hóa Hồng Sơn được phát hiện tại một khu vực trải rộng từ khu Nội Mông đến Liêu Ninh.
Các đồ tùy táng của nền văn hóa Hồng Sơn bao gồm một vài trong số những mẫu chế tác ngọc thạch sớm nhất được biết đến. Văn hóa Hồng Sơn được biết đến với tượng rồng hình chữ C, tượng các loài động vật, tượng người (đàn ông và phụ nữ). Chất liệu làm tượng rất phong phú nhưng chủ yếu làm từ các loại ngọc, đá... Đặc biệt, đồ đồng và hợp kim đồng đã xuất hiện. Công cụ, kỹ thuật để tạo tác những đồ vật này vẫn còn là một bí ẩn cho đến ngày nay.
Tượng rồng hình chữ C là một trong những biểu tượng nhận biết của nền văn hóa Hồng Sơn tại Trung Quốc. (Ảnh: Sohu)
Cũng như văn hóa Ngưỡng Thiều, các di chỉ thuộc văn hóa Hồng Sơn đã cung cấp các bằng chứng cổ xưa nhất về thuật phong thủy của người Trung Hoa. Sự hiện diện của cả hình tròn và vuông tại các trung tâm nghi lễ của văn hóa Hồng Sơn cho thấy sự hiện diện ban đầu của thuyết vũ trụ "trời tròn đất vuông". Phong thủy ban đầu dựa trên thiên văn học để tìm ra mối quan hệ giữa con người và vũ trụ.