Dụ khách mua "rác" về, nhà sáng lập có tài sản 15 tỷ USD

Google News

(Kiến Thức) - Nổi lên từ những món hàng siêu rẻ, công ty 4 năm tuổi này đang muốn cạnh tranh trực tiếp với 2 cái tên đứng đầu ngành thương mại điện tử Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu có một hệ thống hoàn chỉnh từ trang web, nền tảng thanh toán, kho bãi đến giao vận. Alibaba có mạng lưới giao vận riêng tên Cainiao, thanh toán với Alipay, trong khi Tencent sở hữu nền tảng thanh toán WeChat Pay.
Thế đối đầu khiến cho các ứng dụng này không “chơi” với nhau. Nếu bấm vào đường dẫn đến Marketplace trên Taobao, đường dẫn sẽ không được mở trên WeChat. Tuy nhiên, sẽ sớm có kẻ phá bĩnh thế đối đầu trên, và đó là một startup khởi đầu từ những mặt hàng giá siêu rẻ.
Giàu lên nhờ dụ người dùng mua 'rác' về nhà
Trung Quốc đã là lãnh địa của những hàng hoá đại trà và kém chất lượng trong rất nhiều năm, Nhưng điều này đang thay đổi. Mức thu nhập tăng buộc các nhà sản xuất phải cạnh tranh về chất lượng.
Du khach mua
Một người đàn ông Trung Quốc 45 tuổi bên những món hàng ông mua trên Pinduoduo. Ảnh: NYTimes. 
Nhưng Pinduoduo nhắc nhở về rất nhiều người Trung Quốc vẫn xem giá rẻ là ưu tiên hàng đầu. Và những người dùng “cấp thấp” ấy chiếm một một phần không hề nhỏ trong nền kinh tế quốc dân. Trang chủ của Pinduoduo giống như một cuộc trình diễn bất tận của những món hàng tạp hoá, thời trang nhanh, đồ gia dụng và những món đồ điện tử lặt vặt. Tất cả đều có giá rẻ khó tin.
Giá cả trên Pinduoduo, nếu được quy đổi ra tiền Việt sẽ như thế này: Một cặp quần lót nam co dãn tốt có mác “Playboy” chưa đến 69.000 đồng, 5 kg gạo 92.000 đồng. Lốc 4 áo liền quần in hình đầu chó sói 46.000 đồng. Một ấm đun nước màu tím có chữ LOL viết quanh đáy giá 66.000 đồng.
Tuy nhiên, giá rẻ không phải là thứ duy nhất làm nên sức hút của ứng dụng mua sắm này. Người dùng trên Pinduoduo còn có thể mua được đồ với giá rẻ hơn nếu “dụ” được bạn bè, người thân trên mạng xã hội cùng mua một món đồ với mình. SCMP so sánh công ty này với Groupon, trang mua chung nổi tiếng của Mỹ.
Những khách hàng thuyết phục được người khác đăng kí sẽ được thưởng, bằng việc được chọn mua một món hàng miễn phí. Những pop-up nho nhỏ bên trong ứng dụng cập nhật liên tục “ai vừa mua gì”, tạo ra một cảm giác gấp gáp. Mọi người đều đang giành được những món hời, còn bạn thì không!
“Chẳng đáng mấy đồng, thật mà”, ông Li Tianqiang, 45 tuổi, sống tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông nói về khoản tiền ông tiêu trên Pinduoduo. Phần lớn là những món đồ ông mua chỉ vì tò mò, hoặc mua phải những món đồ kém chất lượng, bị vứt đi ngay sau khi được giao đến. Nhưng chúng quá rẻ, rsẻ đến mức ông chẳng thấy phiền gì vài quyết định sai.
Du khach mua
Kể từ khi lên sàn chứng khoán Nasdaq vào năm 2018, Pinduoduo đối diện với nhiều chỉ trích về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Ảnh: Reuters.
Với những hàng hoá lạ lùng, vô số coupons khuyến mãi và giá cả rẻ như không, Pinduoduo tạo cảm giác giống như chơi trò chơi mua sắm hơn là mua sắm thực. Trong hồ sơ giới thiệu về mình, công ty này tự xưng là sự kết hợp giữa Costco, một hệ thống siêu thị lớn ở Mỹ, và Disneyland.
Sau khi IPO và được niêm yết tại Mỹ, Pinduoduo vấp phải nhiều chỉ trích về chất lượng và xuất xứ hàng hóa trên trang của mình. Sau đó, công ty cho biết sẽ cải thiện vấn đề này bằng cách thắt chặt hơn các loại hàng hóa được đưa lên, đồng thời cải thiện công nghệ để phát hiện và gỡ những loại hàng kém chất lượng.
Mơ đối đầu với Alibaba, Tencent
Sau 1 năm, mọi chuyện đang dần thay đổi với Pinduoduo. Công ty này cho biết họ đã tăng trưởng mạnh tại các thành phố lớn, thậm chí tốc độ tăng trưởng còn cao hơn cả các nền tảng của Alibaba và JD.com.
Nhà sáng lập Colin Huang cho biết số lượng đặt hàng từ những thành phố lớn nhất Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàng Châu chiếm 48% lượng đơn hàng của công ty trong tháng 6, so với con số 37% vào tháng 1.
Du khach mua
Nhà sáng lập Colin Huang của Pinduoduo gia nhập danh sách những người giàu nhất Trung Quốc sau khi công ty này lên sàn vào năm 2018. Ảnh: Reuters.
“Khi chúng tôi lên sàn 1 năm trước và còn xa lạ, tuy chúng tôi liên tục truyền thông, các đối thủ vẫn cố gán chúng tôi là một nền tảng chỉ thu hút người dùng ham hàng giá rẻ ở các thành phố nhỏ, và hàng hóa của chúng tôi rẻ vì chất lượng kém, giả, nhái. Kết quả hôm nay đã chứng minh ngược lại”, ông Huang cho biết.
Pinduoduo hiện là nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 3 của Trung Quốc. Colin Huang, một cựu kỹ sư Google cũng gia nhập hàng ngũ những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản khoảng 15 tỷ USD, theo Bloomberg. Trang tin này cũng xếp Huang là tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất của Trung Quốc.
Giờ đây Pinduoduo đang muốn cải thiện danh tiếng của mình để đối đầu trực tiếp với hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent. Tháng 8/2018, nền tảng này đóng 1.128 cửa hàng và xóa 4 triệu mặt hàng nhái. Những nỗ lực này có lẽ vẫn chưa đủ. Tháng 4/2019, Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ đưa công ty này vào danh sách những nhà bán lẻ có tỷ lệ hàng nhái cao.
Bước tiếp theo là tự xây dựng nền tảng mạnh hơn để chống lại sự độc quyền của 2 công ty đứng đầu. Ngay khi lên sàn, ông Huang đã cho rằng “độc quyền kiểu ép buộc”, khi mà người bán và khách hàng buộc phải chọn cả cách thức vận chuyển và thanh toán của một nền tảng sẽ không tốt cho ngành thương mại điện tử về lâu dài. Pinduoduo cung cấp nhiều phương thức vận chuyển và lưu kho, thanh toán cho các cửa hàng và khách hàng của mình.
“Chúng tôi chưa bao giờ đặt ra chiến lược phá vỡ sự độc quyền để tạo ra một nền tảng độc quyền khác của mình, mà là đưa ra nhiều lựa chọn hơn”, ông Huang cho biết.
Du khach mua
 Công ty này sẽ sớm xây dựng hệ thống logistic của riêng mình nhằm tối ưu vận hành, cạnh tranh với những ông lớn như Alibaba. Ảnh: Xinhua.
Tuy nhiên, Pinduoduo cũng hiểu rằng các nền tảng do chính mình vận hành sẽ đem lại lợi thế lớn như thế nào. Họ có kế hoạch mở mạng lưới logistic của riêng mình trong thời gian tới, vận dụng những công nghệ như AI hay dữ liệu lớn để tối ưu thời gian lưu kho, vận chuyển.
“Trước khi chúng tôi tự làm logistic, rất nhiều thương gia sử dụng hệ thống của đối thủ, nên chúng tôi không có thông tin gì từ khi họ chuyển món hàng tới khi người dùng nhận hàng.
Rõ ràng chúng tôi cần biết nhiều thông tin hơn và làm tốt hơn để đảm bảo tính minh bạch của hàng hóa. Chúng tôi muốn tận dụng dữ liệu mà mình có về nhu cầu và nguồn cung, đầu tư vào các công nghệ logistic để đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng và đối tác”, David Liu, Phó chủ tịch của Pinduoduo chia sẻ.
Đầu năm 2019, Pinduoduo cho biết doanh thu của họ trong năm 2018 đã tăng 6 lần, đạt 13,2 tỷ tệ. Tuy nhiên, chi phí nghiên cứu AI và dữ liệu lớn cũng tăng 8-9 lần so với năm 2017. Khoản lỗ của họ trong năm 2018 là 10,8 tỷ tệ, gấp 20 lần năm 2017.
Những khoản đầu tư này đều là đầu tư cho tương lai, theo chia sẻ của ông Huang. Điều đó phần nào thể hiện ở kết quả kinh doanh trong năm 2019. Trong 1 năm qua, tính đến hết tháng 6/2019, giá trị đơn hàng từ mỗi người dùng đã tăng gần gấp 2. Lỗ đã giảm từ 6,5 tỷ tệ trong 1 năm trước đó xuống còn 1 tỷ tệ.
Lượng người dùng của Pinduoduo cũng đang tăng nhanh chóng. Chỉ trong quý vừa qua, số lượng người dùng thường xuyên đã tăng 26% lên 366 triệu, tương đương 1/4 dân số Trung Quốc. Alibaba hiện có 755 triệu người dùng thường xuyên, tương đương 1/2 dân số nước này.
TH

>> xem thêm

Bình luận(0)