|
Mua hàng trên Facebook tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh Internet. |
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), ngày 7/8/2017, cơ quan này tiếp nhận đơn khiếu nại của người tiêu dùng Lê V.L về việc mua phải hàng chất lượng kém trên Facebook.
Cụ thể, người tiêu Lê V.L thấy tài khoản Facebook có tên “Thiết bị công nghệ số thông minh” quảng cáo rao bán sản phẩm camera quan sát “giá mềm, chất lượng tốt” nên đã đặt hàng.
Tuy nhiên sau khi được tư vấn, đặt mua và nhận hàng, người tiêu dùng đã nhận thấy sản phẩm có chất lượng kém, tính năng trái ngược hẳn với tính năng nhân viên đã tư vấn. Ngoài ra, sản phẩm giao đến tay còn không có kèm đủ phụ kiện như cam kết và người tiêu dùng không được kiểm tra hàng trước khi nhận.
Sau khi phản ánh lại với cửa hàng “Thiết bị công nghệ số thông minh” đề nghị đổi trả, người tiêu dùng chỉ nhận được đề nghị phải đổi sang máy khác và các thêm tiền cho sản phẩm mới này.
Không chấp nhận hướng giải quyết của “Thiết bị công nghệ số thông minh”, người tiêu dùng đã phản ánh lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhờ can thiệp.
Tiếp nhận đơn khiếu nại từ người tiêu dùng Lê V.L, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã gửi công văn đề nghị cửa hàng tiếp nhận và giải quyết khiếu nại. Sau quá trình làm việc và trao đổi, cửa hàng đã đồng ý nhận lại hàng và hoàn lại tiền cho người tiêu dùng.
Trong suốt thời gian qua, một trong những vấn nạn nhức nhối của việc mua hàng online, qua mạng xã hội Facebook tại Việt Nam đó là tình trạng bên bán hàng quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng giả hàng nhái để lừa đảo người tiêu dùng trục lợi.
Các sản phẩm bị quảng cáo sai sự thật rất đa dạng, từ sản phẩm đắt tiền như nữ trang, đồng hồ, điện thoại… cho đến sản phẩm sử dụng hàng ngày như quần áo, đai giảm mỡ bụng, mỹ phẩm, đồ gia dụng…
Do người tiêu dùng không có cơ hội quan sát trực tiếp cũng như cầm, thử và đánh giá sản phẩm nên nhiều trường hợp sau khi đặt mua và nhận được sản phẩm mới phát hiện không giống với quảng cáo, tính năng không đầy đủ, hoạt động không hiệu quả hoặc làm bằng chất liệu khác hoàn toàn so với quảng cáo.
Do đó, trước khi mua cần cân nhắc kỹ trước về nguồn gốc, giá cả của sản phẩm. Quan trọng nhất, do tính chất đặc thù của việc bán hàng qua Facebook, người tiêu dùng nên tham khảo kỹ từ nhiều nguồn và lựa chọn nơi uy tín để giao dịch.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp mà không thể liên hệ với người bán, người tiêu dùng nên để lại đánh giá (feedback) trên các trang Facebook bán hàng, trong đó nêu rõ vụ việc của mình.
Ngoài ra, cần liên lạc với cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ, can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo quyền lợi.