Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter… người dùng đua nhau đăng tải những bức ảnh so sánh nhan sắc hiện tại và quá khứ (phổ biến là năm 2009) nhằm hưởng ứng phong trào “thử thách 10 năm” với các dòng hashtag #10yearschallenge, #tenyearschallenge.
Đây một thử thách vui vẻ và dễ thực hiện. Bởi vậy ngay sau khi xuất hiện, nó đã tạo nên cơn sốt so sánh ảnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
|
Không chỉ người dùng thông thường mà các ngôi sao, cá nhân nổi tiếng cũng tham gia trào lưu này. Ảnh: @charlieputh. |
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích công nghệ Kate O'Neill với bài viết trên tờ Wired cho rằng, trào lưu khoe ảnh này rất có thể đang cung cấp cho các công ty dữ liệu những thông tin được tinh chỉnh để đào tạo hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), lập hồ sơ cho mọi người dùng dựa trên sự phát triển tuổi tác của họ.
Một số người dùng cho rằng, các mạng xã hội như Facebook đã có tất cả dữ liệu cần thiết. Việc đối chiếu các bức ảnh hiện tại của người dùng sẽ không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, với trào lưu ảnh "10 năm trước" lần này, người dùng được hướng dẫn đăng ảnh trước đây và hiện tại của họ với khoảng thời gian cụ thể là 10 năm.
Nói cách khác, dữ liệu hình ảnh thu thập từ trào lưu "10 năm trước" rất sạch sẽ. Người dùng sẵn sàng chia sẻ chính xác hình ảnh vào đúng thời điểm chụp kèm theo mô tả chi tiết cũng như thêm các thông tin khác như chụp ở đâu, chụp với ai, và hoàn cảnh chụp như thế nào.
|
Nhiều nghi ngại liên quan đến trào lưu khoe ảnh 10 năm trên mạng xã hội. |
Dẫu vậy, Kate cũng chỉ ra rằng việc thu thập nhận diện khuôn mặt không phải là một điều quá đáng lo ngại, có thể các nhà mạng sẽ áp dụng tính năng này nhằm phát triển sản phẩm của mình, tăng tính tiện lợi và phục vụ sử dụng.
Tuy nhiên Kate vẫn nêu ra các nguy cơ có thể xảy ra để mọi người cân nhắc trước khi tham gia vào trào lưu này hay bất kỳ trào lưu nào khác trong tương lai.
Đây không phải là trào lưu, trò chơi duy nhất có thể lợi dụng để thu thập dữ liệu. Vài năm gần đây, những ví dụ về trò chơi trên mạng xã hội và các trào lưu được thiết kế ra với mục đích này rất nhiều.
Năm 2018, hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc từng phải lên tiếng cảnh báo về tình trạng các ứng dụng ở nước này đang lưu trữ nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng.
Theo SCMP, cách các công ty này chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba cũng không rõ ràng. Những dữ liệu cá nhân này có cả vị trí người dùng, danh sách liên lạc và số điện thoại di động.
Ví dụ những ứng dụng "làm mưa làm gió" tại Trung Quốc như Pitu, Meitu... Những ứng dụng này đòi hỏi truy xuất thư viện ảnh hay truy cập camera là điều đương nhiên, nhưng nó lại "đòi" thêm quyền truy cập vị trí địa lý, số điện thoại, lịch sử duyệt web, ID máy… dấy lên mối nghi ngờ thu thập thông tin người dùng.