Trước đây, người dùng Việt thường cài đặt IDM để tải phim, nhạc, phần mềm yêu thích trên các trình duyệt web như Firefox, Internet Explorer (sau này là Microsoft Edge), Opera, Safari…
Thế nhưng, kể từ khi Cốc Cốc ra đời vào ngày 14/5/2013, nó đã dần khiến người dùng Việt thay đổi thói quen. Khi mới phát hành, Cốc Cốc có tên là Cờ Rôm+), được phát triển dựa trên nền tảng mã nguồn mở Chromium. Đây là nền tảng phổ biến, có tính bảo mật, được nhiều trình duyệt web khác như Google Chrome và Opera sử dụng.
|
Trình download mặc định trên Cốc Cốc.
|
Cốc Cốc sử dụng bộ máy tìm kiếm Cốc Cốc, tương thích với các hệ điều hành như Windows, MacOS, iOS, Android. Theo Wikipedia, tính đến năm 2019, trình duyệt này đã có 23,8 triệu người đang sử dụng.
Một trong những ưu điểm giúp Cốc Cốc chiếm được cảm tình của người Việt dù nó “sinh sau đẻ muộn”, đó là trình download mặc định. Cụ thể, trình duyệt này có khả năng bắt liên kết tự động, cho phép người dùng tải các tệp tin âm thanh, video khi nghe nhạc, xem phim... trên các trang mạng giải trí đa phương tiện.
Đối với các trang cung cấp nhiều hơn một định dạng, ví dụ như YouTube, có thể chọn tùy chọn tải xuống với chất lượng 4K, Full HD hay HD, FLV, 3G, MP3... Đồng thời, người dùng có thể tải toàn bộ album nhạc tại chỗ. Cùng với đó là tính năng tải thường xuyên có thể chọn tải nhanh chỉ với một lần nhấp chuột.
Cốc Cốc cho phép người dùng tải tệp nhanh hơn nhờ tích hợp giải pháp tải tệp đa luồng, tương tự như phần mềm tăng tốc độ tải dữ liệu phổ biến hiện nay là IDM. Với 8 luồng song song, tốc độ tải tệp của Cốc Cốc có thể nhanh gấp 8 lần bình thường. Đây là một trong những cải tiến vượt trội của Cốc Cốc kể từ thời điểm ra mắt phiên bản đầu tiên. Tuy nhiên, cần lưu ý là tốc độ thực tế sẽ phụ thuộc vào tốc độ đường truyền và giới hạn băng thông của máy chủ lưu trữ file.
Với những ưu điểm kể trên, Cốc Cốc đang dần khiến IDM mất chỗ đứng trong lòng người dùng internet Việt Nam.