Năm 2014, Yin Hang thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gangri Neichog (vùng đất tuyết thiêng), chăm sóc những con chó ngao và các động vật khác bị bỏ rơi ở vùng cao nguyên.
Trước đây, Yin Hang từng làm việc trong lĩnh vực bảo tồn báo tuyết ở tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Cô quyết định hành động khi xem được một đoạn video ghi lại cảnh con báo tuyết bị bầy chó ngao tranh thức ăn.
"Những con ngao Tây Tạng vây quanh con báo, cố gắng tranh con cừu mà báo tuyết vừa săn được. Con báo đành từ bỏ miếng mồi. Những việc thế này xảy ra rất nhiều. Chó ngao bị bỏ rơi tác động xấu đến chuỗi thức ăn sinh thái và các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng", cô chia sẻ.
Ngao Tây Tạng là hậu duệ của những con chó được các bộ lạc du mục ở Trung Á và Tây Tạng nuôi để chăn cừu, săn bắn; chúng to lớn, trung thành và hung dữ.
Liu Mingyu, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, nói cao nguyên Tây Tạng đang có khoảng 160.000 con chó hoang. Trong đó, khoảng 97% thuộc giống chó ngao Tây Tạng. Trong khi đó, báo tuyết trong vùng chỉ còn khoảng 2.000 con, nằm trong danh sách những động vật bị đe dọa.
"Chó ngao Tây Tạng đã trở thành loài động vật đông nhất và sinh sôi nhanh nhất trong tất cả thú ăn thịt trên cao nguyên Tây Tạng. Chúng sống thành bầy và đe dọa đời sống hoang dã khi tranh giành thức ăn, không gian sinh tồn", Liu nói.
Dân làng ở Tây Tạng đã nhiều lần nhìn thấy chó ngao đuổi theo gấu, cáo hay cắn trộm gia cầm, cừu và tấn công người. Năm 2016, một bé gái ở Thanh Hải bị chó ngao cắn xé đến chết. Chính quyền khu tự trị Tây Tạng ghi nhận khoảng 180 vụ con người bị chó ngao tấn công mỗi tháng.
Bên cạnh bệnh dại, chó ngao Tây Tạng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây sang người bệnh hydatid - bệnh nhiễm trùng ở chó do ấu trùng của một loại sán dây lây lan khi tiếp xúc với thức ăn, nước uống hoặc đất.
Chó ngao Tây Tạng bây giờ nổi tiếng bởi nó trở thành mối nguy với con người và các động vật khác, cũng như lây lan dịch bệnh, khác xa với thời nó còn được xem là thú cưng đắt tiền ở Trung Quốc.
Năm 2014, tờ Qianjiang Evening News đưa tin một nhà đầu tư bất động sản đã trả 12 triệu tệ (gần 1,9 triệu đôla Mỹ) để sở hữu chú có ngao màu lửa tại hội chợ thú cưng ở miền đông tỉnh Chiết Giang, mức giá bán chó đắt nhất từ trước đến nay.
“Chúng có dòng máu sư tử và là những con chó ngao hàng đầu. Những con chó ngao Tây Tạng thuần chủng rất hiếm, giống như gấu trúc quốc bảo, vì vậy giá rất cao ”, Zhang Gengyun, người nuôi chó cho biết.
Cơn sốt nhân giống chó ngao Tây Tạng bùng phát vào những năm 1990 và lên đỉnh điểm giữa những năm 2010 với nhất nhiều trung tâm nhân giống được mọc lên. Theo Yin Hang, đây được coi là một cách làm giàu nhanh chóng.
“Nhưng rất ít người thực sự làm giàu được từ chúng. Nguồn cung chó dư thừa. Nhiều người không đủ khả năng để nuôi. Nhiều con bị bỏ lại khi chủ chuyển từ quê ra thành phố... Người dân địa phương Tây Tạng không giết thịt vì niềm tin tôn giáo. Với những người không theo tôn giáo, một số sẽ bán chúng để làm thịt”, Yin Hang nói.
Theo đài truyền hình CGTN, vào năm 2015, 2.000 trong số 3.000 trung tâm nhân giống chó ngao ở Tây Tạng đã phải đóng cửa do giá lao dốc - từ mức 2 triệu đôla xuống còn dưới 1.500 đôla.
Trung tâm Gangri Neichog của Yin đã tuyển dụng 30 bác sĩ thú y từ khắp Trung Quốc để đào tạo bác sĩ thú y ở Tây Tạng về quy trình xử lý những con chó đi lạc.
"Nhiệm vụ chính của bác sĩ địa phương là tiêm chủng cho chó ngao phòng ngừa bệnh tật", cô nói.
Năm 2017, Gangri Neichog đã thực hiện bộ phim tài liệu “Những chú chó ngao Tây Tạng bị bỏ rơi”, trong đó các nhà sư và tình nguyện viên được phỏng vấn. Các chuyến đi đến những trại chó được tổ chức để làm sáng tỏ vấn đề này.
Trong phim, một người dân làng tên Sangzhou giải thích lý do vì sao anh trở thành tình nguyện viên sau khi chứng kiến một hành động man rợ liên quan đến một trong những con chó.
“Tôi từng buôn bán chó ngao Tây Tạng, và kiếm được kha khá tiền. Một lần tôi đến chơi nhà một anh bạn nuôi 60 con chó. Những người ở đó đã mang một con chó ra và dùng búa đập vào đầu nó cho đến khi nó bất tỉnh. Sau đó, họ treo nó lên một cái móc kim loại và lột da sống từ cổ trở xuống”, Sangzhou kể lại.
“Con chó, vẫn còn quằn quại, sau đó được đưa lên một tấm bảng đen nhưng nó vẫn cố gắng đứng dậy. Tôi hỏi tại sao họ không giết nó mà khiến nó khốn khổ như vậy. Họ bảo thịt chó ngon nhất và bổ dưỡng nhất khi nó bị giết như vậy. Hôm đó tôi thấy đau lòng và khóc rất lâu.
Kể từ đó, tôi thề rằng trong đời tôi sẽ không bao giờ bán chó nữa và sẽ cố gắng giúp đỡ những sinh vật không nơi nương tựa này”.
Làm tình nguyện viên, Sangzhou đi thu lượm thức ăn từ người bán thịt để cho chúng ăn, chống lại những tên trộm chó, chữa trị cho con bị thương và tụng kinh khi có con nào qua đời, đưa chúng lên đồi chôn cất...
Trung tâm của Yin cũng triển khai chương trình nhận nuôi vào năm 2017, khi đưa được 500 chú chó bị bỏ rơi đến 400 gia đình, trong hai ngôi làng ở Tây Tạng.
Bowie Leung, phát ngôn viên một câu lạc bộ chó ngao ở Hong Kong cho biết đã cứu nhiều chú chó bị bỏ rơi trong thành phố.
Hong Kong thiếu không gian. Những người chủ thiếu kiên nhẫn, tiền bạc và thời gian để chăm sóc chúng. Tiền chữa bệnh cho chúng đắt hơn các loài chó nhỏ. Đơn cử, chữa bệnh viêm dạ dày của các con chó nhỏ khoảng 800 đôla Hong Kong (2,3 triệu đồng), thì chó ngao phải mất 2.400 đôla Hong Kong (7,1 triệu đồng).
"Nếu họ không đưa chúng đi dạo, những con chó càng trở nên hoang dã hơn. Chủ nhân của chúng không thể xử lý nên đã tìm đến chúng tôi. Rất đau lòng có nhiều chú chó đã chết", cô chia sẻ.
Leung mong mọi người nên suy nghĩ kỹ trước khi mua chó ngao làm thú cưng.
“Chúng rất dễ thương khi còn nhỏ, nhưng lúc trưởng thành có thể đạt 91 kg. Không chỉ thức ăn, không gian sống, người chủ phải xem có đủ sức dắt nó không. Chó ngao chỉ trung thành một chủ, nên rất dữ với người ngoài. Dù được qua huấn luyện cũng không thay đổi bản tính của chúng. Nuôi chó ngao làm thú cưng cần phải hy sinh."