Theo công bố được đăng tải trên Tạp chí khoa học arXiv cho thấy, các nhà thiên văn học đã phát hiện một lỗ đen vũ trụ phát triển siêu nhanh lần đầu tiên được biết đến trong vũ trụ.
Lỗ đen này được ước tính là hơn 12 tỷ năm tuổi, có khối lượng lớn hơn 20 tỷ mặt trời.
|
Lỗ đen khổng lồ có thể hút sạch một Mặt Trời trong 2 ngày. Ảnh minh họa: NASA |
Các nhà khoa học còn ví lỗ đen này là một "quái vật vũ trụ háu đói" bởi nó có khả năng hút năng lượng tương đương một Mặt Trời một cách chóng mặt. Điều này là dựa vào sự phát triển với tốc độ khoảng 1% mỗi 1 triệu năm của lỗ đen.
Lỗ đen này có khả năng “nuốt chửng” hoàn toàn một Mặt Trời trong vòng 2 ngày mà không để lại "dấu vết" gì ngoài các vùng không gian tối xung quanh.
Tiến sĩ Christian Wolf thuộc Viện Nghiên cứu Thiên văn học và Vật lý Thiên văn (Đại học Quốc gia Australia - ANU) cho hay:
"Lỗ đen này đang phát triển nhanh chóng tới mức nó sáng hơn cả ngàn lần so với một thiên hà. Tất cả là nhờ vào toàn bộ khí ga mà lỗ đen này hấp thụ mỗi ngày gây ra ma sát và nhiệt".
Ông nói thêm, lỗ đen nếu nằm ở trung tâm Dải Ngân hà thì nó sẽ phá hủy mọi sự sống trên Trái Đất của chúng ta bởi lượng tia cực tím phát ra là cực kỳ lớn.
“Nếu nằm ở trung tâm Dải Ngân Hà của chúng ta, lỗ đen này sẽ sáng gấp 10 lần so với trăng tròn, che hết ánh sáng của các vì sao mà chúng ta thường thấy buổi đêm trên trời” - Tiến sĩ Wolf nói.
Theo vị chuyên gia vũ trụ, một hố đen thông thường chỉ có kích thước khoảng 50 Mặt Trời. Nhưng với sức chứa hàng tỷ Mặt Trời, hố đen vừa được phát hiện xứng đang là một "quái vật vũ trụ".
Được biết, một hố đen với kích thước khổng lồ và tốc độ phát triển nhanh như vậy là cực kỳ hiếm và chưa từng được ghi nhận trong các nghiên cứu về khoa học.
|
Tiến sĩ Christian Wolf |
Tiến sĩ Wolf cho rằng, sự phát triển của "quái vật vũ trụ" đã đặt ra một giả thuyết về sự kiện vụ nổ Big Bang - thứ đã tạo nên vũ trụ.
Do vậy, nhóm các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm các dữ liệu và sự phát triển của hố đen có thể giúp họ phát hiện những hố đen khổng lồ tiếp theo hoặc những điều kỳ lạ hơn khi nó trở nên "quá no" vì thâu tóm Mặt Trời.
Phát hiện này được tìm ra dựa vào kính viễn vọng SkyMapper đặt ở Đài quan sát ANU Siding Spring.