Phi công Rudolf Erasmus đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp vào thứ Hai (ngày 3/4) sau khi phát hiện ra một con rắn hổ mang trên máy bay của mình.
"Đây chắc chắn là lần đầu tiên và không phải là thứ tôi được đào tạo để xử lý", Rudolf Erasmus với TimesLive.
Erasmus và 4 hành khách của mình đang bay từ Worcester, ở Western Cape, đến Sân bay Nelspruit cũ gần Mbombela ở Đông Bắc Nam Phi. Phi hành đoàn đã phải dừng một vài điểm trên đường đi để tiếp nhiên liệu.
Trong lúc đi được khoảng một phần ba quãng đường trong cuộc hành trình của họ, Erasmus cảm thấy có gì đó kỳ lạ trên cơ thể mình. "Chúng tôi đang bay ở độ cao hơn 3.000 m trong không trung thì tôi cảm thấy có gì đó lạnh ở mông mình", Erasmus nói với hãng tin địa phương Lowvelder.
Theo TimesLive, lúc đầu Erasmus nghĩ đó là chai nước của mình. Nhưng khi anh quay sang trái và nhìn xuống thì thấy con rắn hổ mang chui đầu vào bên dưới ghế của mình.
"Tôi đã có một khoảnh khắc sững sờ, không chắc mình có nên nói với các hành khách hay không vì tôi không muốn gây ra sự hoảng loạn. Nhưng rõ ràng là họ cần biết chuyện gì đang xảy ra.
Cuối cùng tôi lấy hết bình tĩnh, nói với các hành khách rằng có một "hành khách không được chào đón" bên trong máy bay và chúng ta sẽ phải hạ cánh khẩn cấp”, Erasmus nói.
Sau 10 đến 15 phút căng thẳng, máy bay của Erasmus đã hạ cánh thành công xuống sân bay gần nhất, ở Welkom. Erasmus là người ra ngoài sau cùng.
"Tôi di chuyển ghế về phía trước để cố gắng phát hiện con rắn. Nó nằm cuộn tròn dưới ghế của tôi. Đó là một con rắn khá lớn”, Erasmus bày tỏ.
Người bắt rắn địa phương Johan de Klerk đã được gọi đến hiện trường, nhưng khi anh đến nơi thì con rắn đã biến mất.
"Chúng tôi đã tìm kiếm vào ngày 3/4 cho đến khi trời tối. Vào sáng ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cho đến khi các kỹ sư máy bay đến và lột bỏ hoàn toàn bên trong, nhưng chúng tôi vẫn không thể tìm thấy con rắn. Chắc hẳn nó đã chui ra ngoài vào ban đêm trước khi các kỹ sư bắt đầu lột trần”, Johan de Klerk nói với Newsweek.
Theo News24, con rắn chưa được xác nhận là rắn hổ mang Cape, nhưng hai phi công khác đã phát hiện một con rắn hổ mang Cape trườn quanh máy bay vào chiều Chủ nhật (2/4), trước khi nó cất cánh từ Worcester.
Bức ảnh máy bay trước khi cất cánh cho thấy một con rắn đang trườn dưới bánh xe. "Con rắn trong bức ảnh được xác định là rắn hổ mang Cape nên rất có thể nó là cùng một con rắn," Johan de Klerk nói.
Johan de Klerk nói thêm: “Rudolf Erasmus, là người hùng của câu chuyện, con rắn ở gần anh ấy và Erasmus vẫn có thể giữ bình tĩnh, hạ cánh khẩn cấp ở Welkom mà không bị rắn cắn. Anh ấy đã cứu sống 4 hành khách nhờ sự tỉnh táo của chính mình”.
Rắn hổ mang Cape là một trong những loài rắn nguy hiểm nhất ở Nam Phi và là một trong những loài rắn hổ mang có nọc độc nhất trên Lục địa đen. Steve Meighan, chuyên gia bắt rắn Nam Phi trước đây từng nói với Newsweek: “Chúng có nọc độc thần kinh cực mạnh làm tê liệt hệ thần kinh và nếu không được điều trị sẽ gây tử vong”.