Tự nhiên có rất nhiều điều kỳ diệu. Trên thế giới này có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ mà các nhà khoa học không thể giải thích được. Những hiện tượng này vượt xa các quy luật tự nhiên và đồng thời phá vỡ các quy ước của con người chúng ta.
Một trong số đó là những loài “cây thiêng” cổ thụ kỳ dị nhất thế giới. Thân của những loài cây tự động phun nước ồ ạt ra mà không có bất cứ tác động nào của con người. Hiện tượng này đã kéo dài hàng chục năm khiến ngay cả các nhà khoa học chỉ có thể đưa ra những lời giải thích tạm thời.
'Cây thiêng' cổ thụ ở Estonia
Đầu tiên, hãy đến với một ngôi làng nhỏ Tuhalla của Estonia - một quốc gia ven Biển Baltic ở Bắc Âu.
Dân trong làng vẫn thường nói về "cây thiêng" hàng trăm năm tuổi có thể chảy nước ra từ thân cây. Nhìn bề ngoài thì cái cây này trông không khác gì những loại cây chúng ta thường thấy, nhưng điều kỳ lạ là loài cây này vẫn hàng ngày tự động tuôn ra dòng nước trong vắt tạo thành một thác nước nhỏ xinh đẹp.
|
Ảnh: Sohu
|
Cây này được mệnh danh là “cây thiêng kỳ dị nhất thế giới” nên rất nhiều du khách đến quốc gia này để ngắm nhìn và thỏa mãn trí tò mò.
Theo nhiều nhà khoa học, dưới gốc cây cổ thụ này có một dòng suối tự nhiên. Khi nước mưa thấm vào lòng đất, lượng nước dư thừa sẽ chảy ra khỏi mặt đất do bị bão hòa.
Cây kỳ lạ 150 tuổi ở Montenegro
Châu Âu khiến du khách năm châu ngạc nhiên với những loài cây kỳ lạ. Lần này là ở quốc gia Montenegro - một quốc gia ở Đông Nam Âu, trên Bán đảo Balkan.
Cây lạ có tuổi đời lên đến 150 năm này nằm ở ngôi làng Dinosa của Montenegro. Không như cây thiêng ở Estonia (phun nước hàng ngày), loài cây ở Montenegro chỉ phun nước mỗi khi mùa đông về.
Theo đó, khi cái lạnh của mùa đông ùa về cũng là lúc cái cây này tạo nên một hiện tượng độc đáo khi thân cây của nó biến thành đài phun nước tự nhiên hết sức kỳ lạ. Một cư dân trong làng đã xác nhận rằng hiện tượng tuyệt vời này đã diễn ra trong khoảng 25 năm.
|
Ảnh: Arabia Weather
|
Sau khi quan sát một thời gian, các nhà khoa học cuối cùng cũng đưa ra một lời giải thích khoa học thuyết phục cho hiện tượng bất thường này. Theo đó, bên dưới cây này có nhiều suối ngầm. Do áp lực, nước bị đẩy mạnh lên trên thân cây. Do đã sống được hơn trăm năm nên cây này có thể đã già và khả năng thân cây rỗng bên trong, từ đó khiến nước có thể phun ra ngoài.
'Hồ chứa nước tự nhiên' ở Ấn Độ
Ở châu Á, tại Ấn Độ cũng có một loài cây kỳ lạ, có thể phun nước ra từ thân cây. Đó là loài cây Terminalia elliptica.
Không giống như hai loại cây ở châu Âu, cây Terminalia elliptica (là loài cây thân gỗ lớn, thuộc chi Chiêu liêu) có thể phun những tia nước mạnh nếu con người đẽo vài nhát vào thân cây. Con người có thể thu thập ít nhất 4 đến 6 lít nước từ một cây trưởng thành.
Các nhà chức trách của Sở Lâm nghiệp ở bang Andhra Pradesh (bang vùng ven biển phía nam của Ấn Độ) phát hiện ra rằng Terminalia elliptica ở Công viên quốc gia Papikonda tích trữ nước, đặc biệt là vào mùa hè.
|
Dòng nước mát lành phun ra từ cây Terminalia elliptica. Ảnh: Wikipedia
|
Người Ấn Độ gọi cây độc lạ này là cây nguyệt quế Ấn Độ. Loài cây này mọc nhiều trong các khu rừng rụng lá khô và ẩm ở Ấn Độ, đáng chú ý là một số loài của nó có thể dự trữ nước vào mùa khô. Những người Ấn Độ đi rừng thường đẽo vào thân cây để lấy nước uống giải khát.
Không phải tất cả các thành viên của loài cây này đều có thể lưu trữ nước trong thân cây. Chỉ có 5 đến 10% quần thể Terminalia elliptica được quan sát thấy có thể lưu trữ nước trong thân cây như một 'hồ chứa nước tự nhiên'. Những cây có thể chứa nước chủ yếu là những cây cổ thụ.
Indianarrative thông tin, cây này cao 30 mét, vỏ cây có khả năng chống cháy. Gỗ được dùng để làm đồ nội thất và nhạc cụ như đàn ghi-ta, đóng thuyền, thanh ngang đường sắt và ván mỏng trang trí. Vỏ cây có đặc tính y học và được dùng để chữa bệnh tiêu chảy.