Trên thế giới có nhiều con đường sở hữu chiều dài khủng, nhưng dẫn đầu danh sách đó phải là Pan-American Highway. Ghi nhận của sách kỷ lục cho biết, Pan-American Highway (đường cao tốc xuyên Mỹ) dài khoảng 30.000 km (19.000 dặm), chạy từ Alaska đến mũi phía Nam của Argentina. Đây là chiều dài không thể tưởng tượng được.
Con đường dài nhất thế giới đi qua 14 quốc gia.
Hãy làm một phép tính đơn giản để thấy được độ “khủng” của con đường này. Hiện tại, chiều dài Việt Nam trên đất liền, tính từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam (theo đường chim bay) là 1650 km. Như vậy, đường cao tốc xuyên Mỹ phải dài gấp 18 lần chiều dài trên đất liền của Việt Nam.
Năm 1923, đường cao tốc xuyên Mỹ lần đầu được Mỹ đề xuất tại Hội nghị quốc tế lần thứ 5 của các quốc gia châu Mỹ. Đến năm 1937 mới có một công ước được ký kết và mãi những năm 50 của thế kỷ 20 phần đầu tiên tại Mexico mới được hoàn thành.
Tiến độ thực hiện cao tốc xuyên Mỹ là vấn đề trải qua nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đầu những năm 1970, Tổng thống Nixon tin rằng con đường này sẽ sớm được hoàn thành. Nhưng thực tế thì đến tận bây giờ nó vẫn bị “đứt gãy” đoạn ở Darién Gap. Nơi đây bị bao bọc trong rừng rậm, mưa theo mùa nên không có con đường nào đi qua nó được, thậm chí cả đường đất cũng không.
Đặc biệt, vì chiều dài quá khủng, cao tốc xuyên Mỹ sẽ đưa người đi qua nhiều cảnh quan khác nhau, từ hoang dã, hùng vĩ của sa mạc đến mát mẻ của rừng mưa nhiệt đới. Muốn đi được con đường này cũng cần có tay lái cứng vì bạn có thể phải đối mặt với “đỉnh tử thần”. Nó là một đỉnh núi cao 3.335m nằm tại Trung Mỹ. Sau đó là bị ngắt quãng ở Yaviza, nơi nằm ở rìa khu rừng và đầm lầy Darién Gap rộng lớn.
Bất chấp những khó khăn, Mỹ đã cam kết tài trợ phần lớn chi phí để xây con đường này. Nhưng họ lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nhà bảo vệ môi trường vì cho rằng nó có thể gây ra thảm họa cho đa dạng sinh học cũng như cộng đồng bản địa.