Tình cờ tìm thấy bảo vật nhưng lại khiến các chuyên gia, nhà khảo cổ vô cùng ngạc nhiên. Câu chuyện dưới đây là minh chứng.
Vào tháng 9/1980, trong quá trình xây dựng tại công trường số 1 Khổng Tập ở huyện Thư Thành, thành phố Lục An, tỉnh An Huy (Trung Quốc), các công nhân đã vô tình đào được một hố đen kỳ lạ.
Ngay sau khi nhận được tin báo, các nhà khảo cổ đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Khi nhìn thấy đất ở xung quanh cái hố này, họ tin rằng chắc chắn phải có thứ gì đó kỳ lạ ở bên dưới hố. Sau khi thăm dò khảo cổ, các chuyên gia phát hiện ở dưới lòng đất có một ngôi mộ cổ lớn.
Các nhà khảo cổ suy đoán đó có thể là một ngôi mộ cổ của thời Xuân Thu, Chiến Quốc hoặc nhà Hán. Sau khi tiến hành khai quật, họ đã thu được nhiều di vật văn hóa quý hiếm thuộc thời Xuân Thu, cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Trong ngôi mộ cổ, các nhà khảo cổ nhìn thấy có lỗ hổng và nhận ra nơi này đã bị trộm mộ tấn công từ thời xa xưa. Tuy nhiên, nhiều di vật văn hóa vẫn được bảo quản tương đối tốt.
Bảo vật độc nhất vô nhị cách đây 2.500 năm
Chiếc đế trống bằng đồng có niên đại khoảng 2.500 năm được chế tác vô cùng tinh xảo và độc đáo.
Trong số các cổ vật, di vật văn hóa được tìm thấy, các chuyên gia chú ý tới một vật đặc biệt. Đó là một chiếc đế trống bằng đồng với các chi tiết "rồng chầu hổ phục".
Ngay khi nhìn thấy bảo vật này, các nhà khảo cổ vô cùng phấn khích. Chiếc đế trống này có hình thù kỳ dị, phía trên còn được trang trí bằng đầu hổ và rộng cuộn. Đặc biệt, đầu hổ có tai dựng lên, hai mắt mở to, miệng há ra, còn rồng cuộn quanh và có một sừng kỳ dị.
Trong các tài liệu cổ xưa có ghi chép, rồng là thủy tộc đứng đầu, hổ là chúa tể rừng xanh. Do đó, một cổ vật có sự kết hợp giữa rồng và hổ cho thấy uy quyền tối cao.
Rồng và hổ là hai loài vật tượng trưng cho quyền lực lớn. Hình minh họa
Ở mặt trước của đế trống này có khắc khoảng 98 ký tự và 52 ký tự ở mặt sau. Theo những ký tự này, đế trống là một phần của trống cổ và thường được sử dụng trong các cuộc chiến tranh, dịp tế lễ, và các hoạt động giải trí... Trống cổ thường bao gồm 3 phần là đế trống, cột và thân trống. Phần trên của trống có trang trí cờ hoặc lông vũ.
Theo các chuyên gia, đường kính của đế trống này là 80 cm, chiều cao 29 cm, phần đáy rỗng và trọng lượng khoảng 100 kg.
Về danh tính chủ nhân bảo vật trên, các nhà nghiên cứu cho biết vẫn chưa rõ ràng. Thế nhưng, căn cứ vào những đồ tùy táng bằng đồng được khai quật cùng thời điểm như chuông đồng, xe ngựa..., có thể phán đoán chủ nhân của ngôi mộ, đồng thời là chủ của loạt đồ cổ quý hiếm này là một vị vua chư hầu của nhà Chu thời Xuân Thu.
Đây thực sự là bảo vật có hình dạng quý hiếm khoảng 2.500 năm và đặc biệt nó còn được chế tác bằng đúc sáp chảy, phương pháp đã bị thất truyền. Phương pháp này đòi hỏi chế tác rất kỳ công và tỉ mỉ.
Cận cảnh hoa văn tinh xảo của bảo vật 2.500 năm.
Các nhà khảo cổ tìm thấy rất ít các di vật văn hóa được chế tác và đúc bằng phương pháp chảy sáp. Trước đế trống bằng đồng trên, các chuyên gia khai quật được một số cổ vật được đúc bằng phương pháp thất truyền này trong lăng mộ Tăng Hầu Ất vào năm 1978.
Bảo vật đế trống được tìm thấy trong lăng mộ Tăng Hầu Ất.
Lăng mộ Tăng Hầu Ất và ngôi mộ được khai quật năm 1980 đều có đế trống với nhiều điểm tương đồng khi sử dụng cùng phương pháp chế tác, hoa văn chạm khắc có liên quan đến rồng. Điểm khác biệt duy nhất là chiếc đế trống có "rồng chầu hổ phục" sẽ phát ra âm thanh như tiếng gầm của loài rồng, hổ khi chúng va vào nhau. Đây là điều rất hiếm thấy và cực kỳ huyền bí.
Bảo vật 2.500 năm hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Huy.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi sử dụng công nghệ hiện đại ngày nay thì cũng rất khó để có thể tạo ra phiên bản hay hàng nhái cho chiếc đế trống khoảng 2.500 năm. Điều này cho thấy tay nghề bậc thầy của những người thợ cách đây hàng nghìn năm.
Hiện nay, đế trống độc đáo này được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng tỉnh An Huy (Trung Quốc).