Xe đạp đô thị: Từ Hà Nội... ra Thế giới

Google News

Thí điểm xe đạp đô thị tại 6 quận của thành phố Hà Nội đang là chủ đề “nóng” được dư luận quan tâm. Liệu người dân có ủng hộ mô hình này và Hà Nội học hỏi được gì từ các nước trên thế giới?

Dư luận đang kỳ vọng đây sẽ là mô hình giúp Hà Nội hạn chế được phương tiện cá nhân, giải quyết ùn tắc, nâng cao chất lượng không khí và cải thiện sức khoẻ người dân.
Xe dap do thi: Tu Ha Noi... ra The gioi
 Ảnh minh họa.
Ủng hộ nhưng cần nhiều giải pháp đồng bộ
UBND Thành phố Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố tại 6 quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân trong 12 tháng, dự kiến bắt đầu trước ngày 15/12.
Theo đề xuất, 6 quận của Hà Nội sẽ được cung cấp 1.000 xe đạp với 50% là xe đạp điện. Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng đối với xe đạp và 10.000 đồng đối với xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng với xe đạp và 120.000 đồng với xe đạp điện.
Hơn 3 năm nay, anh Nguyễn Ngọc Bình (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã từ bỏ xe máy để đi xe đạp mỗi ngày, dù chỗ làm cách nhà anh hơn 12km.
“Mỗi ngày, tổng quãng đường tôi đi làm bằng xe đạp gần 25 km tính cả lượt đi và về. Nhưng từ khi đạp xe đi làm, tôi thấy sức khỏe của mình nâng lên rõ rệt”, anh Ngọc Bình chia sẻ.
Xe dap do thi: Tu Ha Noi... ra The gioi-Hinh-2
 Anh Nguyễn Ngọc Bình (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã từ bỏ xe máy để đi xe đạp mỗi ngày. Ảnh: NVCC.
Anh Ngọc Bình cho biết, nếu Hà Nội phát triển được dịch vụ xe đạp công cộng sẽ hạn chế phương tiện cá nhân, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều những hạn chế, như chưa có đường riêng cho người đi xe đạp, vào mùa nắng nóng, khi đạp xe sẽ ướt đẫm mồ hôi, chưa có nhà tắm công cộng để tắm... Hà Nội cần tính tới những giải pháp đồng bộ khi triển khai phương án này.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Thanh Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bản thân anh là người rất chăm rèn luyện thể thao, có ý thức giữ sức khỏe, nên cũng muốn đi xe đạp để thay cho thể dục mỗi ngày.
“Nhưng hiện đường Hà Nội hiện chưa có làn dành riêng cho đi xe đạp. Đặc biệt, quan trọng nhất của việc đạp xe là sự duy trì tốc độ và đều đặn, liên tục, nếu dừng lại liên tục sẽ rất mệt mỏi. Trong khi đó, đường Hà Nội có nhiều điểm giao cắt, phải dừng lại. Ngoài ra, là khí hậu thời tiết nóng ẩm, áo mặc đạp xe ướt mồ hôi sẽ không thể mặc tiếp để làm việc”, anh Bình nói.
Anh Bình cho hay, anh rất vui khi Hà Nội triển khai dịch vụ xe đạp công cộng. Tuy nhiên, Hà Nội cần nhắm tới đối tượng phù hợp, chẳng hạn, những người đi chặng ngắn, là khách du lịch, hoặc gần trạm trung chuyển xe công cộng…Ngoài ra, cần có những giải pháp đồng bộ, nếu không sẽ khó khả thi. Bản thân anh Bình đã phải “đầu hàng”, trở lại với xe hơi sau 1 tháng thử đi xe đạp.
Hà Nội có nên học hỏi thế giới?
Mô hình xe đạp đô thị, xe đạp công cộng thực chất không quá mới mẻ với thế giới. Trong những năm gần đây, một số quốc gia và thành phố lớn trên thế giới đã tập trung triển khai và nhân rộng thành công mô hình này.
Điển hình, Hà Lan giờ đây được ví như một “Vương quốc xe đạp” khi có tới hơn 20 triệu chiếc xe và có hẳn khẩu hiệu đầy quyền lực “xe đạp trước tiên”.Nếu chỉ phải di chuyển trong vòng 7,5km thì người dân Hà Lan không chọn phương tiện giao thông nào khác ngoài xe đạp. Tuy nhiên, Hà Lan tạo điều kiện tối đa cho phương tiện này khi có tới 35.000km đường dành riêng cho những người đi xe đạp.
Đặc biệt, ở Hà Lan có những con đường mà xe đạp được ưu tiên trước hết. Ở những con đường như thế này, xe ô tô bị giới hạn tốc độ không được quá 30km/giờ, không được phép vượt xe đạp và yếu tố an toàn cho người đi xe đạp được đặt lên cao nhất.
Còn tại Paris (Pháp), khi sử dụng trong vòng 30 phút, người đi xe đạp không phải trả tiền, còn từ phút thứ 31 đến phút 60 chỉ phải thanh toán 1 euro.
Tại Hàn Quốc, sáng kiến xe đạp đô thị lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2015 với 2.000 chiếc xe đạp tại bốn cổng lớn của thành phố Seoul: Yeouido, Sangam-dong, Sinchon và Seoungsu; 150 trạm xe đạp đã được lắp đặt tại các khoảng cách 300m xung quanh các trung tâm giao thông công cộng. Xứ sở kim chi muốn thông qua dự án cho thuê xe đạp để cải thiện sức khoẻ của người dân, giải quyết ùn tắc, cải thiện chất lượng không khí.
Chỉ cần truy cập vào trang web hay ứng dụng điện thoại di động, bạn có thể mua được phiếu thuê xe với giá 1.000 won (0,9 đô la Mỹ) mỗi giờ trong tối đa hai giờ và cứ sau 30 phút sẽ tính phí 1.000 won. Rất tiện lợi khi trên website có sẵn cả tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung bên cạnh tiếng Hàn để du khách khi tới Seoul có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ này mà không gặp rào cản ngôn ngữ.
Tại Đài Loan, để khuyến khích người dân đi xe đạp, từ ngày 21/2 đến hết tháng 12/2022, sinh viên ở Cao Hùng tiếp tục được hưởng chương trình ưu đãi với chính sách sử dụng miễn phí dịch vụ cho thuê YouBike 2.0 trong 30 phút đầu tiên với thẻ học sinh, sinh viên kỹ thuật số iPASS hoặc thẻ trẻ em iPASS Cao Hùng.
Đồng thời, chính quyền thành phố cũng giảm giá cho những người sử dụng xe đạp công cộng chuyển sang các loại hình di chuyển tàu điện, xe buýt, và ngược lại.
Theo các chuyên gia, nhiều nước đã triển khai thành công mô hình xe đạp công cộng, Hà Nội có thể học hỏi kinh nghiệm này để có được sự khả thi, thành công, trong đó, có việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu đãi về giá vé...
Theo ông Đào Việt Long, PGĐ Sở GTVT Hà Nội, việc có dịch vụ xe đạp công cộng sẽ góp phần thay thế phương tiện cá nhân để kết nối các di chuyển ngắn giữa các khu vực dân cư, các bến xe, nhà ga tàu điện...
Thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng sẽ tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Điều này phù hợp với chủ trương của Chính phủ.
Mời quý độc giả  xem video: "Xe đạp điện: Tiện nhưng không lợi". Nguồn: VTC14.

 
Mai Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)