Theo cuốn Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Đại Hành có tên húy là Lê Hoàn và là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005. Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống quân Tống phương Bắc, quân Chiêm phương Nam, giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc, mà ông còn là vị vua có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt.
Lê Hoàn cũng là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt, đã phong cho Lê Hoàn các tước vị cao như Giao Chỉ quận vương, Nam Bình vương.
Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, có lần sứ thần nhà Tống đã làm thơ tôn Lê Hoàn tài ba không khác gì vua Tống. Chuyện kể rằng, có lần nhà vua bố trí sư Pháp Thuận giả làm người chở đò ra đón sứ giả Lý Giác. Khi gặp nhau, hai người đã mượn bài thơ vịnh ngỗng của Lạc Tân Vương đời Đường để nối vần đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông. Lần gặp ấy đã khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục. Trước khi về nước, Lý Giác đã làm một bài thơ tôn Lê Hoàn không khác gì vua Tống.
Không những thế, vua Lê Đại Hành còn sử dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết. Về việc này cho đến nay vẫn còn giai thoại như sau: Năm Canh Dần (990), vua nhà Tống đã sai Tống Cảo dẫn đầu đoàn sứ mang chiếu thư sang phong cho Lê Hoàn hai chữ “Đặc Tiến”. Vốn biết nhà Tống hống hách, ngạo mạn nên Lê Hoàn thay đổi cách đón tiếp. Ông sai Đinh Thừa Chính mang chín chiến thuyền và 300 quân sang tận Liên Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) để đón sứ rồi bảo vệ đoàn sứ đến Đại Cồ Việt.
Tháng 10 năm đó, đoàn sứ nhà Tống tới kinh đô Hoa Lư trong cảnh tưng bừng khác lạ: dưới sông, chiến thuyền tinh kỳ san sát; bên các sườn núi, quân lính võ phục chỉnh tề, gươm giáo sáng lòa; trên các cánh đồng, hàng trăm hàng ngàn trâu bò rong ruổi đen đặc, bụi bay mù mịt. Sứ Tống không thể không thấy sự hùng mạnh, giàu mạnh của nước Việt.
Theo nghi lễ của Tống triều, khi nhận chiếu thư của “Thiên triều”, vua các nước chư hầu phải “lạy”. Nhưng Lê Hoàn lấy cớ ngã ngựa, bị đau chân, không chịu “lạy”. Tống Cảo đành chấp nhận.
Sau bữa tiệc vui, Lê Hoàn cho người khiêng một con trăn lớn, dài vài trượng đến quán dịch nói với sứ Tống: Nếu sứ thần ăn được thịt trăn thì vua tôi sẽ cho người làm cỗ để mời. Sứ Tống khiếp đảm từ chối.
Lần khác, Lê Hoàn cho dắt tới hai con hổ dữ để sứ thần thưởng ngoạn. Sứ thần lại một phen sợ toát mồ hôi. Trước khi bọn Tống Cảo về nước, Lê Hoàn bảo họ:
- Sau này, nếu có quốc thư thì nên giao nhận ngay đầu địa giới, không phiền sứ thần phải cực khổ đến đây nữa.
Lời bàn:
Lê Hoàn khi làm vua đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ Tịch điền và sau này trở thành một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Về ngoại giao, Lê Hoàn là người mở đầu và xác lập những nguyên tắc cơ bản của nền ngoại giao Đại Việt. Nhà Tống là triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á đương thời mang nặng tư tưởng bành trướng đã phải từng bước thừa nhận sức mạnh, thế lực của quốc gia độc lập Đại Cồ Việt. Lê Hoàn còn là người tạo tiền đề, điều kiện để thời gian sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của Thăng Long - Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của nước ta hiện nay.
Sự nghiệp vĩ đại đó của Lê Hoàn đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau này. Ngày nay, Đảng, Nhà nước ta đã và đang phát huy truyền thống ngoại giao mềm dẻo, khôn khéo nhưng cương quyết của các bậc tiền nhân vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân giàu nước mạnh và bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc. Và không phải chỉ có thế hệ hôm nay, mà các thế hệ mai sau cũng vẫn tiếp bước cha ông để thực hiện điều đó.