Tự Đức - bi kịch một ông vua hay chữ (2)

Google News

(Kiến Thức) - Là người luôn suy tư, về cuối đời, nhà vua cũng đã biết nhìn nhận lại mình.

Trong Khiêm Cung ký ông viết: "... Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...".
Không chịu cải cách

Chế độ phong kiến ở nước ta đã tỏ ra quá thủ cựu và lạc hậu. Một số triều thần được cử đi sứ nước Pháp như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Đinh Văn Điển, Bùi Viện... trở về đã dâng sớ xin cải cách mở cửa. Đặc biệt là Nguyễn Trường Tộ đã năm lần bảy lượt kiên trì gửi tới nhà vua những bản "điều trần" trình bày hơn thiệt làm sao cho nước ta được canh tân theo kịp các nước châu Âu. 
Nhưng trong triều thế lực bảo thủ quá lớn, lấn át tất cả mọi tiếng nói thức thời. Lại thêm chính sách bế quan tỏa cảng càng làm cho nước ta như một ốc đảo lạc hậu với thế giới bên ngoài. Cũng đúng vào thời điểm này, Thiên hoàng Minh Trị nước Nhật đã mở cửa, áp dụng công nghệ, kỹ thuật phương Tây làm cho nước Nhật trở nên hùng mạnh.
Mãi sau này, vào năm 1878, nhân xem báo Hương Cảng tân văn, nhà vua thấy nói, muốn đưa đất nước tiến lên phải mở mang giao thương, học hỏi công nghệ phương Tây, chế tạo tàu biển, đúc súng ống... Và để làm việc ấy thì phải cho học ngoại ngữ và cử người đi học ở nước ngoài. 
Nhà vua đem việc ấy ra hỏi ý kiến Viện Cơ mật, nhưng các viên quan ở đây đều bàn giùn, cho rằng không thể làm được. Chính nhà vua lúc này đã thấy được sự trì trệ, bèn phê chuẩn phải làm ngay việc học tiếng nước ngoài. Một số thanh niên được cử theo sứ bộ sang Xiêm học tiếng Thái. Nhưng động thái này của Tự Đức đã quá muộn mất rồi!
Chính vì vậy, người đời sau có thơ phê phán: "Trong nước chỉ mê thơ Lí, Đỗ/Ngoài vùng nào biết chuyện Anh, Nga" (Đỗ Văn Bàn).
Việc cấm đạo cũng tạo cái cớ cho thực dân nước ngoài tiến hành xâm lược nước ta. Sử gia Trần Trọng Kim có lời bàn: "Sức đã không đủ giữ nước mà cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo. Bởi thế nước Pháp và nước I Pha Nho (tức Tây Ban Nha) mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy".
Năm 1858, quân Pháp và Tây Ban Nha đem tàu chiến tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lăng. Tiếp sau đó, triều đình phải lần lượt nhường các tỉnh Nam Kỳ cho thực dân Pháp. Tự Đức cảm thấy bất lực, chỉ còn cách cử đại thần đi sứ để xin... chuộc lại, nhưng quân Pháp chẳng đời nào chịu nhả ra miếng mồi đã rơi vào miệng. Tự Đức quay ra... trách phạt những người đi hòa đàm không hoàn thành nhiệm vụ được giao! Nhà vua đành chỉ xin... chuộc lại một mảnh đất quê mẹ ở Gò Công: "Thành mất không lo, lo chuộc ruộng/Binh hàn không biết, biết ngâm thôi!".
Năm 1873, thực dân Pháp tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương bị chết. Năm 1882, thực dân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Hà Thành thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết...
Hồ Lưu Khiêm, nơi đọc sách và làm thơ của vua Tự Đức. 
Nhìn nhận lại mình
Tự Đức là ông vua sống giản dị, không xa hoa. Ông thường mặc áo màu vàng, chít chiếc khăn vàng mỏng, đi đôi guốc gỗ sơn vàng do nội cung đóng. Nhưng lại rất câu nệ trong việc xây lăng mộ cực kỳ tốn kém cho vua cha Thiệu Trị. Ông cũng tiến hành xây lăng cho mình với hàm ý sẽ tồn tại muôn đời nên gọi là Vạn Niên Cơ, từ năm 1864 đến năm 1867 mới xong. Đây cũng là nguyên cớ nổ ra cuộc khởi nghĩa của quân Chày Vôi.
Là người luôn suy tư, về cuối đời, nhà vua cũng đã biết nhìn nhận lại mình. Ông đổi Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung (sau này gọi là Khiêm Lăng) và viết Khiêm Cung ký tự nhìn nhận khá chân thực về cuộc đời của chính mình. Trong đó, có những đoạn viết: "... Không sáng suốt trong việc biết người, ấy là tội của ta; dùng người không đúng chỗ, cũng là tội của ta; hàng trăm việc không làm được; đều là tội của ta cả...". Bài ký này được khắc trên một tấm bia đá đặt tại Khiêm Lăng.
Tự Đức làm vua 36 năm, dài nhất trong các vị vua triều Nguyễn. Song có thể nói, cuộc đời làm vua của ông là một bi kịch của cá nhân và cũng là bi kịch của lịch sử đất nước. Mặc dù có tới 105 bà vợ, nhưng ông không có con. Và ông cũng là một con người cô độc trong suốt 56 năm cuộc đời của mình.
Dĩ Nguyên

Bình luận(0)