Vua Minh Mạng “đau đầu” vì thuốc phiện

Google News

(Kiến Thức) - Thời vua Minh Mạng sử dụng thuốc phiện là một trong những tệ nạn xã hội gây ra các hệ lụy khôn lường mà vương triều Nguyễn quyết tâm xóa bỏ. 

Quan bỏ việc, dân phá sản vì thuốc phiện
Minh Mạng đã có một cái nhìn xa và thấu đáo về tác hại của thuốc phiện đối với đời sống xã hội cũng như sự tồn tại của vương triều. Các sách chính sử cho ta thấy một cái nhìn toàn cảnh về những việc làm của vua Minh Mạng để khắc chế tệ nạn thuốc phiện.
“Đại Nạm thực lục” là bộ sách lịch sử nổi tiếng của triều Nguyễn. Bộ sách này được biên tập trong 88 năm (1821 – 1909) để ghi lại các hoạt động của vương triều cùng những biến cố xã hội... Trong nhiều vấn đề được phản ánh trong bộ sách này, chúng tôi xin đề cập đến việc vua Minh Mạng với việc bài trừ tệ nạn thuốc phiện.
 Chân dung vua Minh Mạng.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 4, năm Minh Mạng thứ nhất (1820) chép: Định rõ điều cấm thuốc phiện. Vua dụ bầy tôi rằng: “Thuốc phiện là thứ thuốc độc từ nước ngoài đem lại, những phường du côn lêu lổng lúc mới hút cho là phong lưu, rồi chuyển thành thói quen, thường thường nghiện mà không thể bỏ được. Quan thì bỏ cả chức vụ, dân thì phá hết sản nghiệp, thậm chí gầy mòn thành tật. Tổn thương cơ thể sinh mệnh. Nên bàn để nghiêm cấm đi”.
Cũng tại sách này quyển 87, năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chép: Định rõ lại lệnh cấm hút vụng thuốc phiện. Vua dụ rằng: “Thuốc phiện là do người nước ngoài chế ra, đã mắc phải bả độc nghiện ngập rồi thì không thể dứt bỏ được, thậm chí ruột héo, gan khô, khuynh gia, bại sản! Thuốc phiện nó làm mê mẩn lòng người, có quan hệ đến phong tục không phải là nhỏ. Trước đây đã chuẩn định ngăn cấm có những điều khoản nghiêm ngặt đối với các quan chức và mọi người quân dân hút vụng và mua lậu thuốc phiện. Lại nhiều lần định rõ lại lệ cấm. Đó thực cốt muốn cho mọi người tránh, khó phạm, chẳng đến tiêm nhiễm thuốc nhơ.
Ở triều Nguyễn, thuốc phiện đã bắt đầu được “dân chơi” dùng phổ biến trong xã hội. Những người lâm vào nghiện ngập không riêng gì đàn ông mà còn có cả đàn bà. Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 158, năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép: Vua nói: “Cái tệ hại về thuốc phiện, ta rất ghét. Gần đây, nghe nói ở thành Gia Định, dù là phụ nữ, cũng có nhiều kẻ nghiện! Thuốc phiện, ban đầu có thể làm cho người ta thãnh mãnh, lại có thể chống được sơn lam chướng khí, nhưng hút lâu thành nghiện, lại khiến người ta không thể dứt bỏ được, nhiều người đến mất cơ nghiệp, thậm chí nghiện mãi không thôi, cũng có kẻ đến mòn mỏi mà chết! Những kẻ u mê chỉ biết cái thích một lúc, cho nên phần nhiều bị mê hoặc! Bởi thế ta chẳng những ghét mà lại rất lo sợ cho những người trong họ hàng nội ngoại nhà vua!”.
Quân lính hút thuốc phiện bị đày 3.000 dặm
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ” ở quyển 26, năm Minh Mạng thứ 5 (1824) chép: “Định lại lệnh cấm thuốc phiện. Vua thấy thuốc phiện làm hại người rất sâu, đã có điều cấm, mà tệ vẫn chưa hết. Bèn sai đình thần bàn định, đặt điều rất nghiêm. Phàm khách buôn ngoại quốc trên đường bộ hay đường thuỷ, đã biết rõ lệnh cấm mà còn cố ý giấu giếm thuốc và nhựa để buôn bán riêng, và các tiệm phố tiêm thuốc bán cho khách, cùng lại dịch quân dân cố ý hút trộm thì đều phải tội mãn lưu (3000 dặm); người làng xóm biết mà không giác ra cùng cha anh không cấm đoán được con em đều phải tội mãn trượng (100 trượng); quan chức hút trộm thì phải tội trượng và cách chức, mãi mãi không được bổ dụng; gia sản của người phạm tội, đều sung thưởng cho người cáo giác. Vu cáo thì bị phản tọa. Ăn tiền mà cố ý tha thì tính ra mà kết án nặng. Còn hai điều: thưởng bạc cho người cáo giác và mới đến vì lầm mà phạm thì đều y theo lệ trước”.
 Sách "Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ" nói về việc vua Minh Mạng đưa ra dụ cấm hút thuốc phiện.
Cũng tại sách này ở quyển 207, năm Minh Mạng thứ 20 (1839) chép: Định rõ lại điều lệ cấm thuốc phiện. Vua dụ bộ Hình rằng: “Thuốc phiện là một vật tai hại rất lớn. Năm trước đình thần nghị: phàm những kẻ nấu, bán thuốc phiện cùng những kẻ hút trộm thuốc phiện, đều xử phạt trượng, phát lưu. Đã chuẩn cho tuân nghị thi hành rồi. Nay ta nghĩ: người hút trộm thuốc phiện, tuy hại đến việc quan, bỏ công việc, mất hết gia sản, tổn hại sức khoẻ, nhưng chỉ làm hại cho một thân, một gia đình họ mà thôi.
Còn như đứa nấu, bán thuốc phiện là mưu đồ lợi lớn, dụ dỗ nhiều người, đến nỗi tập nhiễm thành thói quen, cái hại lan ra rộng, thì thiết xử tội như nhau, thực chưa được phân biệt. Vả lại thứ đó không phải sản xuất ở nước nhà, phần nhiều là do thuyền buôn ngoại quốc và những thuyền nước nhà đi ra nước ngoài, đã trái luật cầu lợi buôn về. Họ mang theo vào càng nhiều thời càng tác hại lớn, mà những đồn hải quan sở tại cùng những quan lại được phép khám, thì hoặc kiểm tra sơ suất, hoặc biết mà không bắt, hoặc tham lợi quên nghĩa vụ, lấy tiền rồi cố ý tha ra. Vậy bộ Hình phải bàn, định ra những điều cấm nghiêm ngặt, làm thế nào có thể tỉnh ngộ được kẻ hôn mê, trừ bỏ được thói lệ, thì làm bản tâu lên”. Khi bản nghị dâng lên, vua chuẩn cho theo nghị thi hành.
Có thể thấy, vua Minh Mạng là một vị vua có một cái nhìn thấu đáo về tệ nạn hút thuốc phiện. Trong thời gian trị vì, nhà vua đã nhiều lần đưa vấn đề tác hại hút thuốc phiện cho các bộ bàn bạc trong những buổi thiết triều. Không những vậy, nhà vua còn giao nhiệm vụ cho các bộ để có hình thức xử lý vi phạm. Việc đối phó với tệ nạn thuốc phiện không phải là việc riêng của các bộ mà đó là việc chung của vương triều. Cũng cần nói rằng, các triều đại phong kiến Việt Nam trước vương triều Nguyễn, nạn thuốc phiện chưa phổ biến. Vì vậy mà vua Minh Mạng quyết liệt với tệ nạn thuốc phiện cũng là việc mà vương triều Nguyễn xem đó là một thử thách có nhiều tác động đến sự tồn tại của vương triều.
Khắc Lịch

Bình luận(0)