Nam Phương hoàng hậu và các con chụp ảnh bên bức chân dung Bảo Đại. Trong số các bà vợ, tình nhân của ông, bà được coi là hiền hậu nhất, xứng là bậc mẫu nghi thiên hạ.
Bảo Đại là ông vua thứ 13 triều Nguyễn nên cuộc đời của ông luôn luôn có con số 13 đi kèm với ngày thứ Sáu. Vĩnh Thụy tức Bảo Đại sinh năm 1913. Ông được vua cha Khải Định phong sách lập Đông cung Hoàng Thái tử vào ngày thứ Sáu 28/4/1922. Khi lên ngôi vua cũng là ngày thứ Sáu 8/1/1926, đúng năm ông tròn 13 tuổi.
Bảo Đại về nước năm 1932, sau đó làm vua chính thức được 13 năm thì “giã từ ngôi vua” vào ngày 30/8/1945 để trở về làm “công dân Vĩnh Thụy”. Năm năm sau, vào ngày thứ Sáu 1/7/1949, Bảo Đại trở lại “ngai vàng” với chức danh mới là Quốc trưởng. Nhưng rồi Bảo Đại cũng chỉ ở ngôi Quốc trưởng được sáu năm thì bị Thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý để phế truất vào ngày 23/10/1955. Nhưng nếu tính ra từ ngày thứ Sáu 25/6/1954, khi Bảo Đại trao quyền cho Ngô Đình Diệm lãnh đạo miền Nam từ dân sự đến quân sự thì coi như Bảo Đại hết quyền Quốc trưởng rồi.
Bảo Đại lấy Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan là người vợ thứ nhất, có cưới hỏi và hôn thú, được Hoàng tộc chấp nhận là vợ chính thức và được phong là Nam Phương Hoàng hậu. Nam Phương có năm người con với Bảo Đại theo thứ tự: Hoàng tử Bảo Long, Công chúa Phương Mai, Công chúa Phương Liên, Công chúa Phương Dung và Hoàng tử Bảo Thắng.
Năm 1945, Bảo Đại ra Hà Nội làm Cố vấn tối cao cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước. Thời gian này, Vĩnh Thụy (Bảo Đại) sống chung với Bùi Mộng Điệp và sinh được ba người con: Hoàng nữ Phương Thảo, Hoàng nam Bảo Hoàng, Hoàng nam Bảo Sơn. Sau năm 1949, Bảo Đại trở lại chức Quốc trưởng thì bà Mộng Điệp được coi là Thứ phi.
Thứ phi Mộng Điệp có ba người con với Bảo Đại.
Năm 1946, Vĩnh Thụy lại “già nhân ngãi non vợ chồng” với một vũ nữ nổi danh về sắc ở Hà Nội là cô Lý Lệ Hà và chỉ ở với nhau trong thời gian ngắn rồi hai người chia tay. Lý Lệ Hà không có người con nào với Vĩnh Thụy.
Năm 1946, Vĩnh Thụy quyết định ở lại Hồng Kông (Trung Quốc) và cặp kè với một cô gái Trung Hoa lai phương Tây tên là Jenny Woong, tức Hoàng Tiểu Lan, có một con gái được đặt tên là Phương An.
Năm 1949, khi Bảo Đại trở về Việt Nam với chức Quốc trưởng, ông sống với một cô gái Huế tên là Lê Thị Phi Ánh và đã có hai con với bà Phi Ánh: trai đặt tên là Bảo Ân và gái đặt tên là Phương Minh.
Năm 1954, Bảo Đại lưu vong ở đất Pháp vì bị Ngô Đình Diệm tiếm ngôi Quốc trưởng. Thời gian này Bảo Đại buồn chán vì cảnh mất ngôi vua hai lần. Để tìm thú vui quên hoàn cảnh đất nước, ông sống với một cô gái Âu tên là Vicky và có một người con với Vicky đặt tên là Phương Từ. Đây là một cô gái lai có hai dòng máu Việt - Pháp nên có nét đẹp nửa Âu - Á.
Được ít lâu, Bảo Đại cũng chia tay Vicky và ông ở với một cô gái tên là Clément ở Cigalle. Thời gian này, cựu hoàng Bảo Đại bị “viêm màng túi” nên phải sống nhờ vào Clément, vốn làm nghề vũ nữ và buôn lậu. Cô vũ nữ Clément vì say mê danh vị cựu hoàng nên đã đem Bảo Đại về ở chung phòng như vợ chồng. Rồi một đêm, cảnh sát Tây tới khám phòng Clément vì họ được tin cô buôn đồ lậu trốn thuế. Họ đã bắt Clément và tiện thể bắt luôn Bảo Đại vì nghi là đồng lõa. Sau đó gia đình Bảo Đại phải tới làm giấy tờ bảo lãnh ông về. Có lẽ đây là cuộc tình mất tư cách và buồn thảm nhất của đời cựu hoàng.
Cựu hoàng Bảo Đại và bà Monique Baudot.
Tính đến cuối đời, Bảo Đại có tất cả tám bà vợ. Bà Nam Phương là người vợ có nhân đức, hiền thục và đạo đức nhất, xứng đáng là bậc mẫu nghi. Còn bảy bà sau, gồm Mộng Điệp, Phi Ánh, Lý Lệ Hà, Jenny Woong, Vicky, Clément và Monique Baudot chỉ được coi là vợ lẽ, nhưng chỉ duy nhất Monique Baudot là có hôn thú. Riêng bà Monique Baudot, bà không nhận mình là “thứ phi” mà xưng là Princesse (Công chúa), cũng có khi tự tôn xưng là Impératrice (Hoàng hậu) trong những lúc đi dự đại tiệc chốn danh gia.
Nghe nói, ngoài mấy bà vợ mà nhiều người biết rõ tên tuổi và có con cái với Bảo Đại, ông còn mấy nhân tình là các mệnh phụ người Việt lưu lạc ở xứ người. Nếu đếm ra có khoảng 13 người tất cả và cựu hoàng còn có một người con do bà Từ Cung nuôi, nhưng không rõ là con bà nào do Bảo Đại không tiết lộ.