Tính tới hiện tại, Trần Xuân Bách hay Alex Trần (sinh năm 1989, sống ở Auckland, New Zealand), đã sống bên nước ngoài khoảng 10 năm. Từ năm 2017, đầu bếp này thường xuyên chuẩn bị mâm cỗ Tết xa xứ một mình. Dù gặp nhiều khó khăn do khác biệt văn hóa, anh vẫn cố gắng gìn giữ hương sắc ngày Tết Việt nơi đất khách xa xôi.
Gian nan chuyện tìm đồ nấu cỗ
Chia sẻ với Zing, Xuân Bách cho biết anh không có thói quen ăn đồ Việt hàng ngày. Do làm đầu bếp, Xuân Bách có thể nấu được nhiều món ăn cho thực đơn mỗi ngày của mình. Tuy nhiên, anh thừa nhận những món Việt Nam khiến mình "ăn mãi cũng không ngán".
|
Việt kiều sinh năm 1989 có tình yêu lớn với mâm cỗ Tết cổ truyền. Ảnh: NVCC.
|
"Về cơ bản, tại New Zealand ít người Việt nhưng người châu Á không hiếm. Do đó, việc tìm nguyên liệu cũng tương đối dễ. Thứ hiếm nhất là rau vì phải theo mùa và không phổ biến như ở Việt Nam.
Nếu muốn mua rau, bạn phải đến phía nam thành phố, nơi có nhiều người Việt hoặc đặt hàng online. Các loại như diếp cá, lá lốt khá hiếm. Hiện tại, tôi cũng tự làm vườn rau nhỏ ở nhà (có tía tô, ngò, thì là, cải xanh...) cho đỡ vất vả khi lên cơn thèm", anh cho biết.
|
Khó khăn của việc chuẩn bị mâm cỗ Tết là tìm mua nguyên liệu. Ảnh: NVCC.
|
Những ngày thường, bữa ăn của Xuân Bách khá đa dạng. Khi những ngày Tết đến gần ở quê nhà, anh lại tự nhủ phải chuẩn bị một mâm cỗ đủ đầy nơi đất khách xa xôi.
Dù vậy, việc đón một cái Tết xa quê trọn vẹn không hề dễ dàng với chàng trai sinh năm 1989. Đầu bếp đang làm việc ở New Zealand nhận xét nhiều nguyên liệu riêng cho ngày Tết không phổ biến tại đây.
Theo Xuân Bách, ngày trước, anh sống một mình nên thường làm mâm cỗ Tết kiểu miền Nam (quê Xuân Bách). Cỗ kiểu Nam đơn giản chỉ có thịt kho, dưa giá, canh khổ qua, bánh tét... Những thứ này dễ mua nên việc sắm đồ khá đơn giản.
|
Xuân Bách có thể phải đi tới 8 khu chợ chỉ để kiếm đủ nguyên liệu làm cỗ. Ảnh: NVCC.
|
Từ khi chuyển tới sống cùng một số anh em người Việt khác (có cả gốc Nam và Bắc), mâm cỗ của Xuân Bách cũng trở nên cầu kỳ hơn. Từ bát canh khổ qua, anh lại nấu thêm bát canh măng chân giò kèm bóng. Ngặt nỗi, bóng cá, bóng bì cứ "lúc ẩn lúc hiện" nên rất khó tìm mua. Có những lần, anh phải đi tới 4, 5 cái chợ mới mua được bóng đủ lớn để thả.
"Nếu tính tổng nguyên liệu cho cỗ Tết đủ ngon, mình cần đi 8 cái chợ lớn, 2 cái chợ nhỏ mới đủ đồ. Giống như bóng, nhiều nguyên liệu cũng khiến tôi phải chọn kỹ khi mua, kiểu như khổ qua. Tôi thích loại nhỏ, không nhiều gân. Kiểu này tìm mấy chợ mới có.
Còn giò sống, tôi cũng phải đi 8 cái chợ mới tìm được đúng nơi bán loại ưng ý. Dưa hấu cũng thế. Loại này mọi chợ đều có nhưng không phải chỗ nào cũng bán dưa ngon, dáng đẹp", anh kể.
Ngày Tết trong mắt Việt kiều xa xứ
Theo Xuân Bách, dù là ai, miễn mang trong mình dòng máu Việt Nam, họ đều sẽ thấy chạnh lòng, nhớ quê trong những ngày Tết cổ truyền. Anh thừa nhận trong mình có tư tưởng hoài cổ nên luôn đau đáu tìm cách gìn giữ phong tục đẹp của người Việt dù cách xa về địa lý.
"Trong trí nhớ của tôi, Tết bắt đầu từ những ngày ba mẹ tất bật chuẩn bị cỗ, là mùi nhang trên bàn thờ quê, là hạt dưa đỏ hay mùi thịt kho... Với tôi, cỗ Tết không cần to, đầy để đãi cả họ. Nó mang ý nghĩa cá nhân khi đã đưa cuộc đời tôi xoay quanh cái nghề ẩm thực", Xuân Bách nêu quan điểm.
|
Dù ở xa, Việt kiều này vẫn chú trọng lễ nghi dịp Tết. Ảnh: NVCC.
|
Trả lời phóng viên, anh cho biết rất khó để chọn cái Tết xa quê đáng nhớ nhất. Mỗi năm, anh lại có một kỷ niệm riêng. Hồi năm 2017, Xuân Bách lần đầu đón Tết một mình. Đây cũng là lần đầu anh tự thử gói bánh tét. Với mùa Tết năm ngoái, anh đã làm đủ cả 7 ngày. Chỉ tới giao thừa, anh mới đặc biệt xin nghỉ để ở nhà nấu cỗ...
"Với tôi, mỗi cái Tết đều có hương vị đáng nhớ riêng", chàng trai tâm sự.
Năm nay, anh cũng đang tất bật chuẩn bị cho Tết Tân Sửu chẳng khác gì những người Việt trong nước. Anh cho biết mình sẽ còn "chơi lớn" cho mâm cỗ Tết năm nay vì Auckland hiện rất bình yên, không có dịch.
Trên trang cá nhân, anh chia sẻ danh sách khoảng 50 món cần mua cho mâm cỗ Tết. Từ 9/2 (28 Tết) tới 11/2 (30 Tết), mỗi ngày, Xuân Bách đều có thực đơn riêng.
"Bình thường, tôi hay làm cỗ từ 6-8 món, gồm cả kiểu Bắc lẫn Nam, thêm một mâm xào chay cúng Phật. Năm nay, tôi quyết làm đủ cỗ bát trân, tức là 8 bát 8 đĩa đủ cả các món thịt kho, canh khổ qua, canh bóng, canh măng, bóng xào, giò thủ... Ngoài cỗ tất niên, tôi cũng dựng cây nêu và làm cỗ cúng tiễn ông Táo", anh chia sẻ.
Xuân Bách cho biết mình thường không cho ai động tay vào việc chuẩn bị và bày đồ cúng vì khá kỹ tính. Bạn bè có thể giúp thêm ở một số khâu nhưng việc hoàn thiện cuối cùng phải do chính tay mình làm mới yên tâm.
"Tôi không cho đó là cực mà ngược lại. Tôi đang hưởng thụ, cảm nhận Tết theo cách riêng của mình", anh tâm sự.