Chiếu lên ngôi của hoàng đế 9 tuổi
Lê Huyền Tông là vị hoàng đế thứ 8 của triều Lê Trung Hưng, vua tên thật là Lê Duy Vũ, còn có tên khác là Lê Duy Củ, sinh năm Giáp Ngọ (1654), vua là con trai thứ 2 của Lê Thần Tông, là em của Lê Chân Tông. Thân mẫu vua là cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu (tên khác là Phạm Thị Ngọc Oanh), bà quê ở làng Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng cũng có sách chép bà là người làng Kim Bảng, xã Nam Giang (nay là thôn Kim Bảng, xã Nam Giang, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần (1662), vua Lê Thần Tông băng hà sau khi ở ngôi lần thứ 2, triều thần cùng nhau tôn hoàng thái tử Lê Duy Vũ khi đó mới 9 tuổi ngôi hoàng đế vào tháng 11 cùng năm, đại xá thiên hạ và lấy năm sau làm Cảnh Trị năm thứ 1. Sau khi đăng quang, vua ban chiếu rằng:
“Ta nghe: đạo trời vận chuyển ở trên, phải phát ra khí âm, móc nhuần để muôn loài tươi tốt; làm vua lên ngôi buổi mới, tất ban xuống phúc lành, ơn rộng, cho tỏ khắp gần xa. Chốn chốn hiểu thông, nơi nơi nghe biết. Nước nhà ta, dựng nước lấy nhân, được dân có đạo. Thái Tổ Cao Hoàng đế lấy võ dẹp loạn, lấy văn giữ nước, nhờ hiền thần mà mở rộng quy mô sáng nghiệp; liệt thánh hoàng đế, dùng nhân cố kết, lấy lễ duy trì, dựa đức lớn mà giữ vững cơ đồ đã sẵn. Dẫu nhất thời gặp ách gian truân, song vận cả trùng hưng lại tới. Trang Tông Dụ Hoàng đế, Trung Tông Vũ Hoàng đế dấy quân khởi nghĩa, thu phục Kinh thành, mà tôn lập nhà vua đều do Thế Tổ Thái Vương (tức Trịnh Kiểm) mưu thần kế giỏi, Thế Tông Nghị Hoàng đế, Kính Tông Huệ Hoàng đế hoàn thành nghiệp lớn, đóng tại Trung Châu, mà phù trì chính thống dựa nhiều Thành Tổ Triết Vương (tức Trịnh Tùng) đức thánh công cao, quy mô sáng hơn cả người xưa, cơ nghiệp truyền mãi cho con cháu. Đến hoàng phụ ta, vâng chịu mệnh cả, nối giữ nghiệp to. Trên theo quy mô của thánh tổ thần tông sáng nghiệp thủ thành, kính tuân cương kỷ; trước nhờ công lao của Văn Tổ Nghị Vương (Trịnh Tráng) giữ gìn giúp đỡ, dấy vận trị bình. Đức trung chính muốn cương kiện tiến lên; học cao mình mong bồi dưỡng thêm tốt. Thực nhờ Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương (tức Trịnh Tạc) hun đúc đào tạo nên đức tốt tinh thuần và Khâm sai tiết chế các xứ thuỷ bộ chư dinh kiêm tổng chính bính Thái uý Nghi quận công (tức Trịnh Căn) giúp rập khuyên can mà nên chính trị tốt đẹp. Bốn mươi tư năm, vô tri mà trị, ức triệu dân đều sống thoả lòng. Nay vừa khi tuổi già sức mỏi, lo việc lớn ký thác con côi. May nhờ Đại nguyên soái chưởng quốc chính Thượng sư Tây Vương đức trung thành đã rõ, công giúp sức có nhiều, y lời khải của phủ Tiết chế, theo lời xin của đại thần văn võ trăm quan, tôn lập trẫm lên ngôi hoàng đế. Trẫm đương có tang, tự nghĩ tuổi nhỏ khó gánh vác nổi. Song lại nghĩ tới ngôi lớn của tông miếu, gánh nặng của xã tắc, không thể từ chối, phải kính cẩn tôn thừa. Nên ngày tháng này, năm này đã lên ngôi hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu, lấy năm Quý Mão sang năm làm Cảnh Trị năm thứ 1. Mong nhờ đại thần văn võ trăm quan sửa sang giúp đỡ, cho nên đức tốt, để giữ trọng trách của trời đất tổ tông phó thác, để thoả lòng thần dân trong ngoài trông mong. Ôi, lên ngôi báu, nay ban chính lệnh sáng tươi; trải ức năm, cơ nghiệp lâu dài còn mãi. Bố cáo gần xa, thảy đều nghe biết”.
|
Một người đàn ông hút thuốc lá. Tranh minh họa. Nguồn: lichsuvn. |
Vì sao xuất hiện lệnh cấm hút thuốc?
Lê Huyền Tông lên ngôi tháng 11 năm Nhâm Dần (1662), ở ngôi được 9 năm thì mất ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi (1671), thọ 17 tuổi, triều đình đặt thụy hiệu là “Mục hoàng đế”. Ngày 13 tháng 11 cùng năm, thi hài vua được rước về làm lễ táng tại lăng Quả Thịnh thuộc quê mẹ ở xã Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Đánh giá về vị vua này, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua tính trời nhân hậu, vẻ người nghiêm tĩnh, những năm ở ngôi, trong nước trị yên, thóc lúa được mùa, cũng đáng là bậc vua hiền, ở ngôi không được lâu, thật đáng tiếc”.
Ở ngôi vua không dài nhưng trong thời gian cai trị của Lê Huyền Tông có một số điểm đáng nhớ, đó là ban lệnh cấm đạo Thiên Chúa; cho vớt xác của Trạng nguyên Vũ Duệ, vị quan đã nhảy xuống biển Thần Phù tự vẫn sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê và bắt đầu việc thông sứ với nhà Thanh mới được thành lập ở phương Bắc và nhất là sự kiện ban bố lệnh cấm hút thuốc lá đầu tiên trong lịch sử.
Người Việt hút thuốc từ bao giờ, thật khó xác định được thời điểm chính xác, nhưng theo sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì thuốc lá xuất hiện ở nước ta từ đời vua Lê Thần Tông và lệnh cấm hút thuốc lá đầu tiên được ban ra dưới triều vua Lê Huyền Tông. Có lẽ lúc đó tình trạng dân hút thuốc như ống khói, nghiện ngập nhiều nên nhà nước phải cấm. Sự tình ra sao?
Sách Vân Đài loại ngữ cho biết như sau: “Thuốc lá (Yên Diệp) nguồn gốc từ Luzon, thực tên nó là tobacco. Xét ở nước Nam ta xưa không có thứ thuốc ấy. Từ năm Canh Tí niên hiệu Vĩnh Thọ (1660), đời Lê Thần Tông, người Ai Lao đem thứ cây ấy đến, dân ta mới đem trồng. Quan, dân, đàn bà con gái đua nhau hút, đến nỗi có người nói nhịn ăn cơm ba ngày còn được, chứ nhịn hút thuốc một chốc là ko chịu nổi.
Năm Ất Tỵ, đời Cảnh Trị (1665), hai lần hạ lệnh nghiêm cấm hút thuốc, lùng bắt người trồng thuốc, bán thuốc, hoặc hút trộm mà cũng không tuyệt được. Nhiều người khoét tre làm điếu ống, hoặc chôn giấu điếu sành xuống đất mà hút. Tàn đóm còn lại, thường gây hỏa tai. Lâu lâu bỏ lệnh cấm ấy, dân gian lại hút như thường”.
Theo ghi chép trên thì người Việt bắt đầu hút thuốc từ năm Canh Tí (1660) và lệnh cấm hút thuốc có từ năm Ất Tị (1665). Cũng từ lệnh cấm này mà để thỏa cơn nghiền thuốc, dân gian đã đối phó với lệnh cấm bằng cách nghĩ ra cách hút và vật dụng khác thay cho điếu sành đó là làm ra điếu tre để ''ngụy trang'' và gọi là điếu ống (sau gọi là điếu cày).