Ở thời đại phong kiến, có nhiều trường hợp hoàng đế bị thích khách ám sát. Tuy, các thư tịch cổ hiếm khi nhắc tới những nhân vật này nhưng các câu chuyện về thích khách luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều người.
Sử ký Tư Mã Thiên là một trong những ghi chép lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc từng đề cập tới các thích khách. Tư Mã Thiên đã dành hẳn 1 chương là "Thích khách Liệt truyện" để viết về 5 thích khách nổi tiếng nhất từ thời Hiên Viên hoàng đế đến Hán Vũ Đế.
Trong số 5 sát thủ này, chỉ duy nhất một người thành công mà không cần phải giết người. Người đó là ai?
Thích khách đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc
Thích khách mà chúng ta đề cập tới là Tào Mạt. Ông cũng là người đầu tiên hành nghề thích khách trong lịch sử Trung Quốc. Tào Mạt đã hoàn thành nhiệm vụ của mình mà chẳng cần động tới vũ khí. Đây là câu chuyện xảy ra 200 năm trước thời đại của Chuyên Chư và Yêu Ly, vào khoảng đầu thế kỷ thứ 7 TCN.
Theo "Thích khách Liệt truyện", Tào Mạt là người nước Lỗ, ông là người có sức khoẻ. Vua Lỗ Trang Công (693 - 662 TCN) là người chuộng sức mạnh, nên cất ông làm tướng nước Lỗ. Nước Lỗ là dòng dõi Chu Công, nước Tề là dòng dõi Khương Tử Nha, thời Xuân Thu đều là nước lớn. Dù có quan hệ thông gia nhưng cũng có hiềm khích và nhiều lần có chiến tranh qua lại ở biên giới hai bên.
Tào Mạt được Lỗ Trang Công cử làm tướng đánh nước Tề ba lần đều bị thua, bị mất nhiều đất đai về tay nước Tề. Lỗ Trang Công sợ thế nước Tề mạnh, bèn hiến đất Toại ấp để cầu hoà. Vì yêu mến Tào Mạt, Trang Công vẫn không trị tội thua trận mà vẫn để Tào Mạt làm tướng như cũ.
Khi đó, Tề Hoàn Công đang xây dựng nghiệp bá chủ, muốn các chư hầu phải thần phục mình. Tuy nhiên, theo ý kiến của Quản Trọng, vua Tề biết không thể dùng sức mạnh quân sự dàn trải để khuất phục tất cả các nước. Do đó, Tề Hoàn Công mở Hội chư hầu, Lỗ Trang Công căm nước Tề nên không đến dự. Vua Tề muốn đánh, nhưng theo lời Quản Trọng, bèn quyết định dùng lễ trước, nên đánh diệt nước Toại nhỏ bé bên cạnh nước Lỗ để doạ Lỗ, rồi viết thư sang Lỗ, hẹn Lỗ Trang Công ở ấp Kha để ăn thề.
Vua Lỗ lo lắng, biết không thể từ chối, bèn đi dự hội, hỏi ai có thể theo đi, Tào Mạt xin theo hầu. Trang Công hỏi ông về việc để 3 lần thua trận, ông nói: "Chỉ vì bị thua nước Tề ba lần nên tôi mới xin theo chúa công để rửa những điều nhục nhã đó!" Ban đầu Lỗ Trang Công sợ Tào Mạt làm mất thể diện, nhưng sau đó thấy Tào Mạt khẩn khoản, Trang Công bằng lòng.
Thích khách kỳ lạ nhất của Trung Quốc
Đến ấp Kha, Hoàn Công và Trang Công đã thề ở trên đàn. Tào Mạt cầm chủy thủ đi theo hộ vệ vua Lỗ. Hai vua vừa làm lễ xong, Tào Mạt cầm chủy thủ bước sấn đến chỗ Tề Hoàn Công, nắm lấy tay áo đe dọa. Các quan hầu cận của Hoàn Công không ai dám động. Hoàn Công hỏi: "Nhà ngươi muốn gì?"
Tào Mạt nói: "Tề mạnh, Lỗ yếu, nước lớn xâm phạm nước Lỗ đã quá lắm. Nay thành nước Lỗ nếu sụp đổ thì đè cả đất Tề, nhà vua liệu đấy!"
Quản Trọng vội đứng lại che chắn cho vua Tề và khuyên vua Tề nhận lời. Tề Hoàn Công bèn hứa trả tất cả đất đai đã chiếm đoạt trước cho Lỗ. Nói xong, Tào Mạt ném chủy thủ xuống đàn, ngoảnh mặt về hướng Bắc đến chỗ đứng của bầy tôi, sắc mặt không thay đổi, nói năng vẫn ôn hoà như thường.
Tề Hoàn Công tức giận, muốn bỏ điều hứa. Quản Trọng nói: "Không nên, nếu tham cái lợi nhỏ để cho thỏa thích mình, bỏ tín nghĩa đối với chư hầu, thì mất sự giúp đỡ của thiên hạ. Chi bằng cứ cho là hơn." Hoàn Công bèn trả lại những đất Lỗ đã bị Tề xâm chiếm, các đất đai đã mất sau ba lần Tào Mạt đánh thua đều được trao lại cho nước Lỗ. Tề Hoàn công giữ lời hứa với nước Lỗ nên được các chư hầu thần phục, trở thành bá chủ chư hầu đầu tiên thời Xuân Thu.
Theo Tôn Tử, tác giả của "Binh pháp Tôn Tử", việc không đánh mà khiến người ta tự khuất phục là đỉnh cao nhất của thuật dụng binh. Còn quan điểm của Tư Mã Thiên và các học giả, Tào Mạt tuy không đâm chém hay làm vua Tề bị sát thương nhưng vẫn được tính là thích khách. Sự quả cảm và võ công cao cường của Tào Mạt đã giúp ông đại công cáo thành, danh tiếng để lại đến muôn đời sau.