Thời cổ đại, Trung Quốc có rất nhiều thích khách, nhưng phần lớn đều hành động một mình. Các nhà cầm quyền không bao giờ để thế lực xã hội đen phát triển lớn mạnh vì điều đó sẽ uy hiếp sự thống trị của họ. Vì vậy, các nhóm chuyên hành nghề ám sát để kiếm tiền khó có thể tồn tại được.
Thích khách hiếm khi nằm trong một tổ chức, cũng không có những quy định thống nhất về hoạt động. Tài năng, tính cách của các thích khách đều khác nhau, câu chuyện về họ cũng vậy, nhưng vẫn có một số điểm chung.
Sĩ vi tri kỷ giả tử
"Nam tử chết vì người hiểu mình", người nói câu này chính là Dự Nhượng, sống trong giai đoạn đầu thời Chiến Quốc. Ông là người nước Tấn, từng phụng sự cho Phạm Thị và Trung Hàng Thị, không được trọng dụng, không ai biết đến tên tuổi. Sau đó, ông đi theo Trí Bá và rất được trọng dụng.
Trí Bá bị ba nhà Triệu, Hàn và Ngụy đánh bại. Triệu Tương Tử hận nhất Trí Bá, đã quét sơn lên đầu của ông làm ẩm khí (vật dùng để uống rượu). Dự Nhượng tháo chạy tới Sơn Đông, than rằng: “Sĩ vi tri kỷ giả tử, nữ vi duyệt kỉ giả dung (nam tử chết vì người hiểu mình, nữ nhi đẹp vì người mến họ). Trí Bá có ân trọng dụng tôi, tôi nhất định phải báo thù cho ông, chỉ như vậy tôi mới không thấy hổ thẹn". Vì vậy, ông nhiều lần tìm cách thích sát Triệu Tương Tử, nhưng đều bất thành, cuối cùng đành phải tự sát.
Ngoài Dự Nhượng, các thích khách nổi danh như Chuyên Chư, Nhiếp Chính, Kinh Kha cũng đều vì báo đáp ân chủ mà hành động. Song họ lại không giống với Dự Nhượng. Trí Bá trọng dụng Dự Nhượng là vì nhìn ra tài năng của ông, yêu quý nhân phẩm của ông, chứ không phải muốn để ông đi làm thích khách, sống không trong sạch. Đó là một sự tôn trọng đến từ đáy lòng, cho nên Dự Nhượng mới mong muốn báo đáp đại ân đại đức, thề chết để báo thù cho Trí Bá.
|
Kinh Kha hành thích Tần Thủy Hoàng nhưng thất bại. Ảnh: 163.
|
Tuy nhiên, Công tử Quang của nước Ngô, Nghiêm Trọng Tử của nước Hàn, Thái tử Đan của nước Yên ngay từ đầu đã đối đãi với Chuyên Chư, Nhiếp Chính, Kinh Kha như một công cụ giết người, không có sự tôn trọng. Đó đều là những sự giao dịch rất rõ ràng giữa hai bên.
Chuyên Chư và Nhiếp Chính đều là nhất giới võ phu, không tính toán chính trị, chỉ cần người khác cấp tiền vàng là cam tâm để họ sai khiến, bán mạng vì người khác. Kinh Kha có phần xảo quyệt hơn, Thái tử Đan muốn ông hành thích vua Tần, nhưng ông không mấy bằng lòng. Trước mặt không thể khước từ, vàng bạc châu báu kiếm đủ, ngựa xe mỹ nữ thỏa sức hưởng thụ, nhưng lại luôn mượn cớ chờ đồng bọn cùng hành động, chần chừ mãi đến khi Thái tử Đan đốc thúc mới không thể không ra tay.
Trọng lời hứa, không màng sinh tử
Thời Tiền Tần, quyền lực thống trị chủ yếu là cha truyền con nối. Đối với những người có xuất thân hèn mọn, nếu muốn giành được vinh hoa phú quý thì chỉ có thể dựa vào năng lực cũng như quyết tâm của mình. Đặc biệt là đối với những người không giỏi mưu lược, mưu sinh bằng vũ lực, ngoài sinh mạng của mình, thực chất họ cũng chẳng có tiền đồ gì hơn.
Hơn nữa, sự hạn chế cho con đường thăng tiến cũng tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Để dễ dàng được trọng dụng hơn, thuộc hạ cần phải có ưu điểm khác, để giúp chủ nhân bớt hao tâm. Lâu dần, đạo đức luân lí hành nghề hình thành. Những việc đã hứa, nhất định phải làm được, "một lời hứa tựa nghìn vàng".
Nghiêm Trọng Tử muốn giết kẻ thù chính là Hiệp Lũy, tướng của nước Hàn (một trong 7 nước lớn thời Chiến Quốc), nên đã mang vàng bạc châu báu tới cho Nhiếp Chính. Nhiếp Chính nói: “Tôi vẫn còn mẹ già, tính mạng của tôi không thể nào tùy tiện giao vào tay người khác được”. Sau khi người mẹ qua đời, Nhiếp Chính mới đồng ý giúp Nghiêm Trọng Tử. Ông rất thận trọng khi nhận lời đối phương, một khi đã đồng ý, sẽ kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ, không hề màng tới tính mạng của mình.
|
Nhiếp Chính xông vào phòng thích sát Hàn tướng Hiệp Lũy. Ảnh: Sohu.
|
Một số thích khách có quan điểm riêng về giá trị, giữa chừng phản bội sứ mệnh. Thời Xuân Thu, Tấn Linh Cung vô đạo, đại thần chấp chính Triệu Thuẫn hết sức khuyên nhủ. Song Tấn Linh Công không nghe, phái Tư Nghê đi thích sát Triệu Thuẫn. Tư Nghê lọt vào nhà Triệu Thuẫn từ sáng sớm, phát hiện Triệu Thuẫn đã sớm thức dậy, mặc xong triều phục, chuẩn bị thượng triều, nhưng vì thời gian vẫn còn sớm, nên ngồi nhắm mắt nghỉ ngơi.
Thấy Triệu Thuẫn một lòng vì quốc sự cũng như sự tận tâm của ông, Tư Nghê thực sự chấn động, than rằng: “Triệu Thuẫn dù ở trong nhà cũng vẫn không quên cung kính, quả đúng là chủ nhân tốt của bá tánh nước Tấn! Sát hại chủ nhân của bá tánh là bất trung. Tuy nhiên, nếu không làm theo mệnh lệnh của quốc quân, lại không giữ được tín nghĩa. Giữa hai điều này, dù phạm vào điều nào thì thà chết vẫn hơn". Cuối cùng ông đập đầu tự vẫn.
Cải trang tốt, hành tung ẩn mật
Điều quan trọng nhất trong khi tiến hành thích sát là cần phải bảo mật tốt, phải giấu được ý đồ và thân phận thực sự của mình. Chỉ khi kẻ thù không chút nghi ngờ thì việc thích sát mới có thể dễ dàng thành công.
Chuyên Chư cải trang thành người đưa thực phẩm, Kinh Kha giả làm sứ giả hiến bản đồ, đều tiếp cận đối tượng thành công. Sau khi Kinh Kha chết, bạn tốt của ông là Cao Tiệm Ly vì muốn báo thù cho ông, nên đã dùng tuyệt kỹ gảy đàn trúc để thu hút sự chú ý của Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng thích nghe nhạc bèn làm hỏng đôi mắt của Cao, để Cao có thể đến gần và đánh đàn. Cao Tiệm Ly đã gắn chì trong chiếc đàn trúc, văng cả cây đàn về phía Tần Thủy Hoàng, nhưng tiếc là không trúng.
Dự Nhượng vì muốn giấu giếm thân phận, nên đã cải tên họ, tự nhận hình phạt đi làm thợ sửa nhà xí. Khi Triệu Tương Tử đi vệ sinh, tim đập nhanh hơn, cảm giác kỳ lạ, cho người đi tìm kiếm, bắt giữ Dự Nhượng, tìm ra thân phận thực sự của ông. Song Triệu Tương Tử cảm thấy Dự Nhượng rất trọng nghĩa khí nên đã thả ông ra.
Sau đó Dự Nhượng đã tự quét sơn lên cơ thể mình, biến thành một người ghê rợn, lại cạo râu mày, cải dung mạo, giả trang thành một tên ăn mày. Khi vợ ông gặp ông, bà ngạc nhiên nói: “Diện mạo ăn mày như vậy không giống chồng của ta chút nào, nhưng tại sao giọng nói lại giống như vậy chứ?”.
Sau đó, Dự Nhượng còn nuốt than lửa, cải cả giọng nói, gần như biến thành một người câm. Ông nấp dưới chân cầu để chuẩn bị phục kích Triệu Tương Tử. Song vận may không đến, ngựa của Triệu Tương Tử hoảng sợ, và Dự lại bị phát giác, hành thích không thành.
|
Dự Nhượng nấp dưới chân cầu phục kích Triệu Tương Tử nhưng bất thành. Ảnh: Sohu.
|
Dự Nhượng mới chỉ là tàn hại cơ thể của mình nhưng Yếu Ly còn hơn thế. Để thích sát thành công, ông đã hy sinh cả vợ con của mình. Sau khi Chuyên Chư hành thích Ngô vương Liêu, Hạp Lư (Công tử Quang) đã trở thành vua Ngô. Con trai của Liêu là Khánh Kỵ lưu vong bên ngoài, trở thành tâm đầu đại hoạn của Hạp Lư. Ngũ Tử Tư giới thiệu Yếu Ly cho Hạp Lư. Yếu Ly nói với Hạp Lư rằng: “Tôi nhỏ người vô lực, yếu cản không nổi gió, nhưng tôi có thể giết Khánh Kỵ cho ngài".
Hạp Lư không tin, Yếu Ly bèn nói: “Đại vương, ngài hãy giết chết vợ con tôi, công khai thiêu đốt thi thể của họ ở chợ, tro tàn bay đi, rồi hãy dùng tiền vàng mua tôi về. Như vậy, khi tôi tới bên Khánh Kỵ, chắc chắn sẽ lấy được lòng tin của hắn”. Hạp Lư làm theo kế đó, muốn Yếu Ly hầu cạnh Khánh Kỵ. Khánh Kỵ thấy ông gầy yếu như vậy, dáng người như vô hại, quả nhiên đã cho ông hầu cạnh.
Kết quả, khi ở trên thuyền, Yếu Ly đã dùng chiếc giáo ngắn, đâm thuận chiều gió, thích sát Khánh Kỵ. Ông gầy yếu như vậy, khi đâm giáo còn phải mượn trợ lực của gió. Song ông lại giết chết được Khánh Kỵ, một người võ nghệ vô song, hoàn toàn đều là dựa vào lúc đối phương không đề phòng.
Tuy nhiên, Nhiếp Chính lại là một ngoại lệ. Người này võ nghệ cao cường, trực tiếp tấn công Hàn tướng Hiệp Lũy khi đang ngồi trong phủ, xông tới thích sát ông. Hậu vệ Lâm Lập bên cạnh Hiệp Lũy rốt cuộc lại không thể ngăn được ông, bị ông chém nhiều nhát. Cuộc đời gan dạ không cần phải giải thích, sát thủ hung tàn không cần phải hóa trang.