Triệu Cơ – hay còn gọi là Đế Thái Hậu, là Vương Hậu của Tần Trang Tương Vương Tử Sở, mẹ ruột của Tần Thủy Hoàng. Thân phận của Triệu Cơ rất không rõ ràng. Các tư liệu lịch sử chỉ thể hiện xuất thân của bà ở Hàm Đan - kinh đô nước Triệu, lại là người thiếp của Lã Bất Vi. Vì là con gái đến từ nước Triệu nên mới gọi bà là Triệu Cơ.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Triệu Cơ xuất thân trong một gia đình có thế lực ở nước Triệu. Nhờ gia thế che chở mà bà và Tần Thủy Hoàng lúc còn nhỏ đã thoát khỏi sự truy bắt của vua Triệu và mang Tần Thủy Hoàng về được nước Tần.
|
Triệu Cơ – mẹ ruột của Tần Thủy Hoàng, nổi tiếng là người phụ nữ dâm loạn trong lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc) |
Tuy có thân phận không rõ ràng như vậy, nhưng Triệu Cơ lại là người có ảnh hưởng rất lớn ở hậu cung. Bà là nguyên nhân gây ra một cuộc biến loạn lớn chốn cung đình, suýt nữa đã khiến Tần Thủy Hoàng mất mạng. Sử ký và các tác phẩm lịch sử khác đều ghi nhận sự việc này như sau:
Năm 247 TCN, Tần Trang Tương Vương mất, Tần Thủy Hoàng lên ngôi lúc ấy mới 13 tuổi. Triệu Cơ lên làm thái hậu, là người phóng túng, thường lén tư thông với tướng quốc Lã Bất Vi. Đến khi Tần Thủy Hoàng đã lớn, thái hậu cứ dâm loạn mãi, Lã Bất Vi sợ bị phát giác mà mang họa. Ông tìm một kẻ khỏe mạnh, có sinh lực hơn người, là Giao Ái ( còn gọi là Lao Ái).
|
Lã Bất Vi bày kế cho Giao Ái vào cung gian dâm với thái hậu (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc) |
Lã Bất Vi sai người tố cáo Giao Ái tội đáng bị hoạn, rồi bắt vào làm nô bộc trong cung để dâng lên cho thái hậu. Triệu Cơ đút lót nhiều tiền bạc cho viên quan coi án, chỉ luận tội vờ, nhổ hết mày râu của hắn, rồi cho vào hầu hạ bên mình. Triệu Cơ cùng Giao Ái gian dâm, đến khi có thai lại bày chuyện bói toán nói trong cung có ma, muốn dời giá sang đất Ung, cách xa kinh thành 200 dặm.
Triệu Cơ tâu lên vua Tần, nói rằng Giao Ái có công, xin phong đất cho. Tần Thủy Hoàng vâng lệnh mẹ, phong cho Giao Ái làm Trường Tín hầu, cho đất Sơn Dương. Giao Ái cậy thế thái hậu, ngày càng lộng quyền. Trong nhà nuôi tới vài nghìn gia nhân, những người đến cầu quan, xin làm môn hạ cho hắn có đến hơn nghìn người. Giao Ái lại bỏ nhiều tiền kết giao với những người có thế lực trong triều để gây bè phái. Thanh thế của hắn còn lớn hơn cả tướng quốc Lã Bất Vi.
|
Giao Ái giả truyền thánh chỉ, phát động binh biến (ảnh minh họa)
|
Năm 238 TCN, Tần Thủy Hoàng đã trưởng thành, quyền thế nắm hết trong tay. Có người phát giác chuyện Giao Ái thực không phải là họan quan, thường tư thông với thái hậu. Hắn mưu đồ chờ vua Tần chết thì dùng con của mình lên ngôi thay.
Tần Thủy Hoàng tức giận, bắt Giao Ái giao cho pháp đình xét xử. Sau đó giết cả ba họ nhà Giao Ái, bọc hai đứa em cùng mẹ vào vải rồi đập chết. Đày thái hậu Triệu Cơ ra đất Ung ở, mãi mãi không cho quay về kinh thành.
Sự việc này được Sử ký ghi chép ngắn gọn, nhưng thực tế với thế lực của mình, Giao Ái không dễ bị giết như vậy. Theo Đông Chu liệt quốc, Giao Ái đã phát động một cuộc binh biến lớn chốn cung đình, cụ thể như sau:
Năm 238 TCN, Tần Thủy Hoàng làm lễ tế trời đất, sau đó lại đến thăm thái hậu Triệu Cơ ở đất Ung. Nhan Tiết – một viên quan vốn căm ghét Giao Ái, đến tố cáo với Tần Thủy Hoàng chuyện hắn thông dâm với thái hậu, lại chuyên quyền, mưu đồ lật đổ ngôi vua.
Tần Thủy Hoàng nổi trận lôi đình, lấy binh phù sai Nhan Tiết triệu ngay quân đội đến trị tội. Có kẻ hay tin, mật báo cho Giao Ái. Hắn hoảng sợ vội vào bàn bạc với thái hậu Triệu Cơ. Giao Ái nói:
- Tôi xin mượn ấn ngọc của thái hậu, nói dối là trong cung Kỳ Niên (nơi Tần Thủy Hoàng đang ở) có giặc. Vua đòi quân kỵ đến cứu giá, chắc chúng nó phải nghe theo.
Thái hậu lấy ấn tín giao cho Giao Ái. Hắn làm giả chiếu chỉ của vua Tần, lại có thêm ấn tín của thái hậu. Nhờ vậy, Giao Ái triệu được tất cả cung kỵ, vệ tốt. Hắn gọi toàn bộ gia nhân cùng bọn môn hạ, kéo đến vây cung Kỳ Niên.
Tần Thủy Hoàng thấy quân mã kéo đến lấy làm kinh hãi, vội trốn chạy lên đài cao. Vua Tần hỏi vọng xuống quân sĩ vì cớ gì làm phản, lại kể rõ tội trạng của Giao Ái:
- Trong cung Kỳ Niên không có giặc, Trường Tín Hầu (Giao Ái) mới chính là giặc.
Quân sĩ vốn trung thành với Tần Thủy Hoàng, bèn quay lại mà đánh nhau với quân của Giao Ái. Tần Thủy Hoàng ra lệnh ai bắt sống được Giao Ái thưởng tiền trăm vạn, giết chết đem đầu đến nộp thưởng tiền 50 vạn, chém được đầu một đứa phản nghịch thì thăng thêm một tước.
Được lệnh vua, cả bọn hoạn quan theo hầu và bọn chăn ngựa cũng cố liều chết mà đánh. Nhân dân quanh vùng nghe tin Giao Ái làm phản cũng kéo đến đánh giúp. Giao Ái thất thế bỏ chạy, lại gặp ngay quân triều đình kéo tới truy bắt, trói được cả bọn.
Tần Thủy Hoàng luận tội thái hậu đưa ấn tín cho bọn phản nghịch, không đáng làm quốc mẫu, bắt đày ra cung Hoắc Dương ở đất Ung, cho quân canh giữ ngày đêm, không ai được ra vào. Triệu Cơ bấy giờ như một người tù. Vua Tần hạ lệnh ai khuyên can đều bị chém. Tướng quốc Lã Bất Vi cũng vì có liên quan đến cuộc biến loạn này mà bị Tần Thủy Hoàng nghi kỵ, về sau bị ép uống thuốc độc mà chết.
Có 27 người can ngăn việc giam thái hậu, Tần Thủy Hoàng đều đem chém hết. Triều thần thấy vậy không ai dám nói nữa. Về sau có Mao Tiêu, một người thuyết khách từ nước Tề, liều chết đứng ra khuyên can. Tần Thủy Hoàng nghe lời của Mao Tiêu, bèn tự thân đến Hoắc Dương cung, đón thái hậu Triệu Cơ về triều phụng dưỡng. Mao Tiêu được phong làm quan thái phó (chức quan dạy học cho vua và hoàng tử), tước thượng khanh. Thiên hạ đều khen Tần Thủy Hoàng là người có hiếu.
Tần Thủy Hoàng còn trẻ đã dẹp yên được mầm mống phản loạn ở hậu cung, sau đó mới tập trung lo sự nghiệp chinh phạt các nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa. Đúng với câu tề gia – trị quốc – bình thiên hạ.
*Title do Kiến Thức biên tập lại