Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chính, là vị vua thứ 36 của nước Tần đồng thời là hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc thống nhất sau khi tiêu diệt 6 nước chư hầu vào năm 221 TCN.
Sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng và thừa tướng Lý Tư đã thông qua một loạt các cải cách lớn trong đó có điều chỉnh thuế suất và nô dịch. Ông đã cho tiến hành xây dựng và hợp nhất các bộ phận của Vạn Lý Trường Thành cùng hệ thống cung điện, lăng tẩm cũng như hệ thống phòng thủ biên giới.
Tần Thuỷ Hoàng qua đời khi 49 tuổi, cái chết của đại nhân vật lịch sử này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Đứng đầu một nước, có thể đánh đông đẹp bắc thống nhất thiên hạ song Tần Thuỷ Hoàng lại là một vị hoàng đế luôn bị ám ảnh bởi cái chết. Ông sẵn sàng chi vàng cũng như giết người không ghê tay để có thể tìm được lời giải cho giấc mơ bất tử.
|
Ảnh minh hoạ. |
Ngay từ khi lên ngôi lúc mới 13 tuổi, Tần Thủy Hoàng đã cho lệnh tìm kiếm địa điểm để bắt đầu xây dựng lăng mộ cho mình. Ông thậm chí cho xây dựng cả một thế giới thu nhỏ trong lăng mộ của mình để khi chết đi vẫn có thể duy trì quyền lực ở một thế giới khác.
Một điều khiến hậu thế phải đau đầu về Tần Thuỷ Hoàng đó chính là cái chết đầy bí ẩn của ông. Nguyên nhân cái chết của vị Hoàng đế này là gì? Liệu có phải ông đã tiên liệu được cái chết của mình khi lăng mộ vừa xây xong cũng là lúc hoàng đế băng hà hay là do một nguyên nhân gì khác?
Chết vì giấc mơ bất tử?
Cho đến nay, vẫn chưa có lời giải đáp chính thức nào cho cái chết bí ẩn của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng. Giới sử gia Trung Quốc hiện vẫn chia thành nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, nhiều người cho rằng, vị hoàng đế này chết chính vì giấc mơ bất tử hoang đường.
Luôn đau đáu một giấc mơ về loại thuốc trường sinh có khiến ông sống và an vị mãi mãi, vị vua này đã có không ít những quyết định có phần điên loạn.
Nghe kể về núi Bồng Lai thần bí với loại quả tiên có thể giúp con người trường sinh, Tần Thuỷ Hoàng đã cho tàu chở hàng trăm đồng nam và đồng nữ đi tìm địa danh bí ẩn với những lời đồn đại về phương thuốc kỳ diệu này.
"Đó là nơi nước từ tám phương trời, chín vùng đất và nước sông Ngân Hà chảy đổ vào. Nơi đây mọi cầm thú đều có màu trắng tinh khiết, cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái thì thơm ngon, ai ăn được sẽ trẻ mãi không già và không chết", Liệt Tử Xung Hư Chân Kinh có viết.
Sau khi việc tìm kiếm chốn thần tiên đó không thành, trong một lần lang thang ở Quốc sử quán (nơi lưu trữ sách sử), Tần Thủy Hoàng bất ngờ tìm thấy một cuốn sách cổ về y học trong đó có đề cập đến một chất có thể khiến con người trường sinh bất tử, đó chính là thủy ngân.
Tần Thủy Hoàng thấy vậy liền cho người đi khắp nơi thu thập lượng lớn thủy ngân về cung. Thậm chí, ông còn cho thiết kế một hệ thống sông thủy ngân lỏng vây quanh lăng mộ của chính mình.
Một số ghi chép cho rằng, chính việc quá tin tưởng vào phương thuốc thần kỳ thuỷ ngân, Tần Thuỷ Hoàng đã băng hà vì những viên thuốc độc đó.
Vị Hoàng đế chết vì bệnh
Song, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, vị hoàng đế này đã chết vì bệnh tật. Theo Sử ký, Tần Thủy Hoàng vốn từ nhỏ thể chất đã yếu đuối. Khi lớn lên, ông lại rất mực bảo thủ, mỗi ngày đều đích thân xử lý mọi công việc. Nếu không xong lượng việc đã đặt ra, ông nhất định sẽ không chịu nghỉ ngơi.
Ghi chép khác thì viết rằng: “Tần vương mũi gãy, mắt dài, lưng chim ó, tiếng như sói, ít tạo ân đức, tâm địa thâm độc”. Theo đó, nhiều nhà sử học đã phỏng đoán Tần Thủy Hoàng mắc chứng xương mềm, hay gặp khó khăn trong việc thở nên khi lớn lên ngực giống như chim ó, tiếng giống như sói.
Trong một chuyến tuần du tứ 5 đi tìm loại thuốc trường sinh, Tần Thủy Hoàng tới bến Bình Nguyên (nay ở gần Bình Nguyên, Sơn Đông) thì ngã bệnh. Ông hạ lệnh cho quân lính đưa mình về Hàm Dương song khi tới Hành cung Sa Khâu (nay nằm ở gần Quảng Tông, Hà Bắc), Tần đế đã băng hà.
Nhiều người cho rằng, cơ thể vốn yếu bệnh của vị Hoàng đế này cộng thêm việc tuần du vào những ngày hè nóng nực đã khiến Tần Thủy Hoàng mắc bệnh mà chết. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng, Tần Thủy Hoàng đã mắc bệnh viêm não trong những ngày nắng nóng đó.
Bị hại mà chết
Thế nhưng, dựa trên những gì sử sách ghi chép lại, không ít người vẫn hoài nghi về cái chết của vị Hoàng đế này và cho rằng, ông vốn là bị người hại mà chết. Đối tượng bị nghi vấn không ai khác chính là thái giám Triệu Cao, người mà Tần Thuỷ Hoàng luôn tin tưởng giữ bên mình.
Trong chuyến tuần du định mệnh, Tần Thủy Hoàng còn mang theo quan Thượng khanh Mông Dự. Mông Dự vốn chốn thân thiết với vua, nhưng khi Tần Thuỷ Hoàng lâm trọng bệnh, Mông Dự lại bị điều về cửa ải nơi biên giới.
|
Trang mô tả cảnh Tần Thủy Hoàng bị mưu sát. Ảnh: Ttufo |
Điều bất thường này khiến các học giả cho rằng, chính Triệu Cao đã tìm cách đẩy Mông Dự đi nhằm loại bớt cận thần, dễ bề mưu sát. Trước đó, Triệu Cao cũng từng bị Mông Nghị trị tội tử hình nhưng được Tần Thủy Hoàng tha cho nên mới thoát tội chết.
Sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, Triệu Cao liền dùng thủ đoạn dụ dỗ, thuyết phục Hồ Hợi, vừa uy hiếp Lý Tư giả tạo di chiếu của Tần Thủy Hoàng trao ngôi vua lại cho Hồ Hợi, chỉ trích Phù Tô bất hiếu, Mông Điềm bất trung bắt họ phải tự sát.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc Tần Thủy Hoàng chết vì bệnh hay vì bị hãm hại vẫn chưa có câu trả lời chính xác cuối cùng bởi bí mật vẫn nằm trong chính lăng mộ trung tâm chưa được khai quật.