Sau một thời gian chờ đợi giặc Mông Cổ mệt mỏi, thiếu lương thực, rạng sáng 29/1/1258, quân dân nhà Trần từ Thiên Mạc (Hà Nam) chia làm hai cánh thủy bộ phản công.
Một trận đánh quét sạch đạo quân hùng mạnh
Vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy cánh quân thủy từ sông Thiên Mạc lên sông Hồng, đổ bộ tiến đánh đại bản doanh của địch ở Đông Bộ Đầu (Ba Đình, Hà Nội ngày nay).
Dù đạo quân chủ lực của vua Trần Thái Tông chưa tới, nhận thấy thời cơ có lợi, tướng Trần Khánh Dư lập tức hạ lệnh đánh úp. Lực lượng của địch có khoảng 30.000 tên. Các lực lượng kỵ binh và bộ binh Đại Việt đã hợp sức, chia cắt quân Mông Cổ ra để đánh.Tranh vẽ minh họa quân Mông Cổ từng đánh đâu thắng đó nhưng đã thất bại khi xâm lược Đại Việt.
|
Tranh vẽ minh họa quân Mông Cổ từng đánh đâu thắng đó nhưng đã thất bại khi xâm lược Đại Việt. |
Bị tấn công dữ dội, đội quân của chủ tướng Ngột Lương Hợp Thai phải tháo chạy lên Bạch Hạc (Việt Trì), rồi đến vùng Quy Hóa (Tây Bắc). Tại đây, quân Mông Cổ lại bị chủ trại Hà Bổng bất ngờ tập kích dữ dội.
Sau trận thua này, quân Mông Cổ chỉ còn vài nghìn tên chạy thoát về Vân Nam (Trung Quốc). Vậy là, hơn 20.000 quân Mông Cổ, dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai, bị đánh bại, đất nước được giải phóng.
Đánh giá về chiến thắng Đông Bộ Đầu, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Ngày 24, vua và thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu, đón đánh, cản phá được giặc”.
Chiến thắng Đông Bộ Đầu khiến quân Mông Cổ đại bại. Vó ngựa Mông -Nguyên chinh phục khắp châu Á đã lần đầu tiên gục ngã trước Hào khí Đông A.
Sau 10 ngày bị xâm chiếm, kinh thành Thăng Long đã sạch bóng quân thù. Tuy nhiên, dấu vết do quân Mông Cổ đốt phá vẫn còn. Nhà cửa, cung điện bị đánh sập, gỗ gạch vương vãi khắp nơi. Trong cảnh hoang tàn đó, vua Trần Thái Tông và tướng sĩ tiến vào kinh thành, trong niềm hân hoan chào đón của nhân dân.
Nghệ thuật quân sự độc đáo giúp người Việt đánh bại quân Mông Cổ
Đông Bộ Đầu là một trong những chiến thắng lừng danh trong lịch sử quân sự nước ta. Chiến thắng không chỉ giúp bảo vệ được độc lập, mà còn là minh chứng cho nghệ thuật quân sự đặc sắc của nhà Trần.
Để tránh sức mạnh ban đầu và sở trường của địch, nhà Trần chủ động rút lui chiến lược ở Bình Lệ Nguyên. Quân đội nhà Trần đã tổ chức các điểm chốt chặn trên những tuyến trọng điểm, đồng thời sử dụng một bộ phận lực lượng kết hợp cùng dân binh, thổ binh tổ chức đánh vào mặt trước, mặt sau của địch.
Kết hợp kế “thanh dã” - vườn không nhà trống của Trần Hưng Đạo, chiến thuật trên buộc địch từ thế tập trung phải phân tán lực lượng để đối phó. Chúng liên tục bị uy hiếp, mệt mỏi, thiếu lương thảo.
Với kế sách rút khỏi Thăng Long, quân ta chủ động tạo nên cục diện trên chiến trường. Đại quân và triều đình theo sông Hồng rút về xuôi, đóng dọc khúc sông Thiên Mạc. Quân địch không dám truy kích vì không nắm rõ tình hình.
Tại vùng Thiêm Mạc, quân ta tăng cường lực lượng. Khi thời cơ đến, binh thuyền có thể nhanh chóng theo hướng sông Hồng tiến về Thăng Long phản công.
Bàn về nghệ thuật quân sự đánh bại quân Mông - Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã viết trong Binh thư yếu lược: “Thời cơ là cái đến không đầy trong chớp mắt, trước thì thái quá, sau thì bất cập”.
Quân Mông Cổ không dám đánh trong kinh thành Thăng Long, buộc phải co cụm lại ở Đông Bộ Đầu trong vòng vây của thế đánh nhỏ lẻ. Sau những cuộc hành quân, chiến đấu trên đường dài, sinh lực tiêu hao, binh lính mệt mỏi và bắt đầu mất hết tinh thần chiến đấu.
Sau 9 ngày ở Thăng Long , quân Mông Cổ đã mất hết nhuệ khí ban đầu của một đạo quân bách chiến bách thắng. Đó là thời cơ để quân Trần phản công.
Trong các thế kỷ 13 và 14, Mông Cổ là đế quốc có lãnh thổ liền nhau lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Nó khởi đầu trên vùng thảo nguyên Trung Á, trải dài từ Đông Âu đến Nhật Bản, mở rộng phía nam đến Đông Nam Á, biên giới Ấn Độ, Iran, Trung Đông, diện tích lãnh thổ lên tới 24 triệu km2, thống trị hơn 100 triệu dân.
Tính đến khi bị quân dân nhà Trần đánh bại ở Đông Bộ Đầu, Mông Cổ được xem là đội quân bách chiến bách thắng. Họ chưa từng thất bại trong chiến dịch quân sự xâm chiếm các nước trên thế giới.
Hào khí ngàn năm Quân dân nhà Trần giao chiến với quân Mông Cổ ở Bình Lệ Nguyên. (Nguồn: Youtube)