Trong thời kỳ đại loạn như giai đoạn cuối của nhà Đông Hán, nhiều cuộc chiến liên tiếp xảy ra giữa các chư hầu. Thế nhưng ba thế lực mạnh nhất vươn lên lúc bấy giờ là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Thời loạn xuất anh hùng. Trong thời kỳ này, có vô số anh hùng, hào kiệt nổi lên khắp nơi. Tuy nhiên, có một danh tướng tài giỏi, thậm chí còn từng được cả ba tập đoàn chính trị mạnh nhất Tam Quốc kiêng dè, nể sợ. Đó là Quan Vũ, danh tướng lập được rất nhiều chiến công lẫy lừng trong Tam Quốc (theo Tam Quốc diễn nghĩa). Ông cũng chính là một trong những cánh tay đắc lực nhất hết lòng phò tá Lưu Bị và nhà Thục Hán.
Sử sách mô tả Quan Vũ là một võ tướng kiêu hùng và vô cùng thiện chiến. Ông được xem như là biểu tượng của tinh thần trung nghĩa. Đáng tiếc là võ tướng có tài như Quan Vũ cuối cùng lại ra đi một cách đầy tiếc nuối trong khi đại nghiệp phục hưng Hán thất của Thục Hán vẫn còn dang dở.
Năm 215, sau khi Kinh Châu được phân chia lại, Quan Vũ được Lưu Bị cắt cử đến làm người trấn giữ ở vùng đất trọng yếu này.
Đến năm 219, Quan Vũ đem quân đi đánh Phàn Thành. Ban đầu, đại quân của Quan Vũ giành được không ít lợi thế và chiến thắng trước đối thủ là Tào Ngụy. Tuy nhiên, trong khi Quan Vũ đang dồn toàn lực cho cuộc chiến với Tào Ngụy thì bất ngờ Tôn Quyền lại sai Lã Mông đem quân đánh úp Kinh Châu. Điều này khiến Quan Vũ không kịp trở tay.
Quan Vũ yêu cầu thêm viện binh nhưng hai tướng của Thục Hán đóng quân gần đó là Lưu Phong và Mạnh Đạt đều án binh bất động. Kết cục, đến năm 220, Quan Vũ bị quân Đông Ngô bắt và phải chịu chém đầu.
Điều kỳ lạ là ngay sau khi bắt được cha con Quan Vũ, Tôn Quyền đã hạ lệnh xử tử ngay. Sau khi chém đầu, Tôn Quyền sai người dâng đầu Quan Vũ cho Tào Tháo ở Lạc Dương.
Vì sao Tôn Quyền lại làm như vậy?
Tôn Quyền, vị quân chủ của Đông Ngô, chọn cách chém đầu Quan Vũ và dâng đầu lên cho Tào Tháo, thực ra có 3 nguyên nhân.
Thứ nhất, việc dâng đầu Quan Vũ chứng tỏ Tôn Quyền muốn hủy bỏ mối quan hệ đồng minh Thục Hán – Đông Ngô trước Tào Tháo.
Thứ hai, hành động vội vã giết chết Quan Vũ của Tôn Quyền nhằm chĩa sự thù hận của Lưu Bị về phía Tào Tháo. Đồng thời cũng cắt đứt khả năng kết hợp với nhau của Tào Tháo và Lưu Bị.
Thứ ba, trả thù Quan Vũ, đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa nhất. Sở dĩ Quan Vũ chết một cách đầy tiếc nuối như vậy xuất phát từ việc ông từng sỉ nhục Tôn Quyền trong quá khứ.
Theo đó, khi Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu, Tôn Quyền cũng rơi vào tình cảnh lo lắng về nguy cơ dũng tướng này bất cứ khi nào cũng có thể đánh xuống Đông Ngô. Bấy giờ Tôn Quyền bèn nghĩ ra kế sai sứ giả tới xin Quan Vũ gả con gái cho con trai mình để kết thân.
Tuy nhiên, Quan Vũ vốn kiêu ngạo nên rất coi thường Tôn Quyền. Ông đã mắng sứ giả và thậm chí thẳng thừng từ chối bằng một câu: "Hổ nữ thì sao có thể lấy khuyển tử". Câu nói này của Quan Vũ nhằm tự ví con gái của mình cao quý, còn con trai của Tôn Quyền là hạng thấp kém, không xứng để lấy con gái ông.
Quan Vũ không có tầm nhìn xa nên không hề biết rằng câu nói đầy ngụ ý của mình lại làm tổn hại đến mối quan hệ liên minh Thục Hán – Đông Ngô, đồng thời dẫn tới phá hỏng chiến lược "Long Trung đối sách" mà thừa tướng Gia Cát Lượng đã đề ra.
Ngay sau khi biết tin, câu nói thể hiện thái độ coi thường của Quan Vũ đã khiến Tôn Quyền ghi hận trong lòng. Tôn Quyền một mặt chọn cách nhẫn nhịn chờ thời, một mặt lại bắt đầu xây dựng mối quan hệ với nhà Tào Ngụy. Đây cũng là lý do ngay khi bắt sống được cha con Quan Vũ, Tôn Quyền lại hạ lệnh xử tử không thương tiếc.
Sau khi cái chết của Quan Vũ, Lưu Bị đã quyết định xử tử Lưu Phong vì thấy chết không cứu, đồng thời ông cũng phát động một cuộc chinh phạt nhằm vào Đông Ngô để báo thù. Đáng tiếc, sau khi đại bại trong trận Di Lăng, Lưu Bị đành phải lui quân về thành Bạch Đế và không lâu sau đó qua đời.
Có thể nói, cái chết của danh tướng Quan Vũ là khởi nguồn những tổn thất không thể cứu vãn trong sự nghiệp của Lưu Bị, và còn đẩy Thục Hán trở thành thế yếu trong Tam Quốc lúc bấy giờ.