Vào thời kỳ cuối của nhà Đông Hán, trong hàng loạt các chư hầu, thế lực nổi lên để tranh cứ thiên hạ, Tào Tháo là một nhân vật vô cùng nổi bật và tham vọng. Thậm chí, ngay cả khi hình thành thế chân vạc nổi tiếng Tam Quốc, gồm ba tập đoàn Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô, Tào Tháo vẫn ở phe là kẻ mạnh.
Nhân tài là một yếu tố đặc biệt quan trọng nếu muốn xây dựng cơ đồ, tranh đoạt thiên hạ. Hiểu được điều này, ngay từ buổi đầu lập nghiệp, cả ba "ông chủ" là Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền đều luôn chú trọng công tác chiêu mộ nhân tài.
Trong đó, nổi tiếng biết nhìn người và biết cách dùng người, Tào Tháo là một trong những vị quân chủ chiêu mộ được nhiều tướng lĩnh, mưu sĩ thuộc hàng đệ nhất trong Tam Quốc như Quách Gia, Tuân Úc, Giả Hủ, Điền Vi, Hứa Chử...
Câu hỏi đặt ra là tại sao một người nổi tiếng đa nghi như Tào Tháo lại có thể thu hút được nhiều nhân tài đến như vậy?
Thực tế Tào Tháo có thể làm được điều này vì 4 nguyên nhân chính sau đây.
Thứ nhất, xuất thân và ưu thế
Tào Tháo là con trai của Tào Tung, con nuôi của Tào Đằng, một trong những hoạn quan có thế lực ở trong triều Đông Hán. Chính nhờ là con nuôi của Tào Đằng nên Tào Tung cũng từng giữ một số chức vụ. Tào Tháo lớn lên trong thời loạn lạc và cũng là người chứng kiến sự hủ bại của triều đình nhà Đông Hán.
Dù Tào Tháo chưa xưng ngôi vị hoàng đế, nhưng quyền lực của vị quân chủ này cũng không hề thua kém. Tào Tháo là người đứng đầu, xây dựng và đặt nền móng cho nhà Tào Ngụy. Hơn nữa, ngay từ khi còn trẻ, Tào Tháo cũng từng có cơ hội tiếp xúc với nhiều người xung quanh tương đối có thế lực. Mặt khác, lớn lên trong thời loạn lạc vào những năm cuối thời nhà Đông Hán, chính những thử thách này giúp Tào Thào tôi luyện và học hỏi được không ít kiến thức.
Thứ hai, dựa vào "thiên tử" để lệnh chư hầu
Ngoài năng lực của bản thân, điều quan trọng nhất chính là Tào Tháo có một át chủ bài. Người này chính là Hán Hiến Đế của nhà Đông Hán. Với danh nghĩa phò tá hoàng đế, Tào Tháo có thể dựa vào đó để đi khắp nơi chiêu mộ nhân tài.
Phò tá "thiên tử" để hiệu lệnh chư hầu chính là chiến lược giúp Tào Tháo thành công. Chiến lược này thậm chí còn được đánh giá là không hề thua kém với "Long Trung đối sách" của Gia Cát Lượng vạch ra cho Lưu Bị để tiến tới mục tiêu thống nhất thiên hạ.
Thứ ba, thống nhất phương Bắc
Thời xa xưa, hầu như triều đại nào cũng muốn thống nhất từ bắc chí nam. Tào Tháo cũng làm như vậy. Là người biết tận dụng thời cơ, đồng thời lại nhiều mưu lược nên Tào Tháo cũng nhanh chóng tạo được thế lực lớn.
Sau khi trải qua trận Quan Độ năm 200, Tào Tháo đã tiêu diệt được phần lớn quân số của Viên Thiệu, một đối thủ rất mạnh. Vị quân chủ này tiến tới đánh bại nốt những thế lực chống đối ở miền Bắc Trung Quốc lúc bấy giờ. Đây cũng là một bước đệm quan trọng để xây dựng nhà Tào Ngụy sau này.
Thứ tư, cách đối nhân xử thế
Tào Tháo tuy có tính đa nghi nhưng không phải với thuộc hạ của mình, thay vào đó ông lại có không ít ưu điểm trong tính cách. Chiến lược gia kiệt xuất này là người hòa đồng, thích nói đùa với mọi người xung quanh. Tào Tháo là người biết cương nhu đúng lúc, đúng chỗ, thích nghi với mọi hoàn cảnh và đặc biệt là không vì thỏa mãn ham muốn nhất thời.
Ngoài ra, vị quân chủ của Tào Ngụy cũng là 'bậc thầy' về thuật dùng người, khoan dung mới có thể tìm được người tài trong những kẻ tiểu nhân. Đặc biệt, Tào Tháo có cách dùng người khác lạ so với quan niệm đương thời, đó là chỉ dùng người tài, không câu nệ về xuất thân.
Trên thực tế, ngay từ buổi đầu lập nghiệp, Tào Tháo luôn cố gắng gần gũi với các nhân tài, tướng lĩnh dưới trướng của mình. Có lẽ vì vậy nên nhiều người sẵn sàng đồng ý phò tá Tào Tháo, một vị quân chủ bản lĩnh, quyết đoán, tài trí mưu lược, nhưng đồng thời cũng rất gần gũi.