Ngộ Không có xuất thân cao quý "con trời cháu đất" như vậy nên căn cơ cũng rất phi phàm. Bởi vậy mà Ngộ Không là người duy nhất trong chúng đệ tử được Bồ Đề Tổ Sư bí mật trao truyền cho tiên đạo.
Đạo gia thì chú trọng thanh tu độc tu, vì vậy mà sư phụ dù có thu nhận bao nhiêu đồ đệ thì trong đó chỉ có một đệ tử được chân truyền.
Vì biết Ngộ Không là trời đất sinh ra, là người căn cơ phi phàm, nên Bồ Đề Tổ Sư mới bí mật truyền cho phép trường sinh màu nhiệm, sau lại dạy cho 72 phép thần thông biến hoá.
Sau khi được truyền dạy 72 phép thần thông cùng thuật Cân đẩu vân (cưỡi mây), Tôn Ngộ Không dương dương tự đắc biến hoá hết vật này sang vật nọ.
Bồ Đề Tổ Sư biết chuyện quát đuổi những người khác đi và gọi Ngộ Không tới quở phạt: "Ngộ Không, lại đây! Ta hỏi ngươi sử dụng tinh thần thế nào? Biến thế nào ra cây tùng? Công phu ấy có thể đùa cợt trước mặt mọi người sao? Giả sử ngươi thấy người khác có, ắt phải cầu người ta. Người khác thấy ngươi có, ắt phải cầu ngươi. Nếu ngươi sợ tai vạ, ắt phải truyền cho người ta. Nếu không truyền sẽ bị hại, tính mệnh nhà ngươi khó mà giữ nổi".
Cuối cùng tổ sư bèn đuổi Ngộ Không đi, hơn thế, tổ sư còn bắt Ngộ Không thề rằng về sau có xảy ra chuyện gì cũng không được nói y là đệ tử của ông.
Tuy nhiên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không không phải vì giận, bởi vì vị cao nhân ấy sớm biết rõ tương lai của Tôn Ngộ Không gập ghềnh mà vinh quang.
Bồ Đề Tổ Sư biết tên đồ đệ này có căn cơ lớn mặc dù ương bướng gây họa nhưng tiềm ẩn cốt cách thăng Phật, có thể tu thành chính quả.
Vậy nên, Bồ Đề Tổ Sư đuổi Ngộ Không đi chẳng qua chính là đặt nền móng cho Ngộ Không, tiễn biệt Ngộ Không trên đoạn đường học Đạo.
Việc Bồ Đề Tổ Sư dạy Ngộ Không 72 phép Địa Sát cũng là trang bị trước cho Ngộ Không chút "vốn liếng" trong cuộc vân du bốn biển dài đằng đẵng kia.
Kể từ sau khi tu học nơi Bồ Đề Tổ Sư, Ngộ Không đã có thể đi mây về gió, chứng đắc tiên quả, không chỉ chấn nhiếp các quỷ thần mà còn kinh động tới thần tiên trên thượng giới.
Xuống núi, Tôn Ngộ Không kết giao với nhiều huynh đệ trong đó có Ngưu Ma Vương.
Nghe Ngưu Ma Vương, Tôn Ngộ Không xuống Đông Hải lấy Như Ý Kim Cô Bổng (Định Hải Thần Châm) và một bộ kim giáp, Tôn Ngộ Không đã bị Hắc Bạch Vô Thường bắt xuống âm phủ, vì quá tức giận nên đã đại náo âm phủ, xóa hết sổ sinh tử của loài khỉ.
Thế nhưng, khi càng trở nên thần thông quảng đại, càng được chúng thần kính nể, thì Ngộ Không lại càng trở nên kiêu ngạo hống hách: chê Bật Mã Ôn là chức quan quèn nên tự dựng cờ xưng vương Tề Thiên Đại Thánh, ở trên Thiên Đình mà náo loạn thiên cung, trộm đào tiên, uống ngự tửu, lấy cắp tiên đan, giao đấu với Na Tra, đại chiến Nhị Lang Thần, sau cùng lại giở thói ngông cuồng trước mặt Phật Tổ và đòi Ngọc Hoàng Đại Đế phải nhường ngôi cho mình.
Cuối cùng Ngọc Hoàng phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai. Cân đẩu vân của Tôn Ngộ Không cũng không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Như Lai, cuối cùng bị nhốt 500 năm ở dưới Ngũ Hành Sơn.
Trong nguyên tác, khi đi lấy kinh, thầy trò Đường Tăng gặp rất nhiều yêu quái và Tôn Ngộ Không thường xuyên phải nhờ tới các chư phật thần linh giúp đỡ.
Như vậy, rõ ràng phép thuật của các vị tiên thượng phải vượt trội hoàn toàn so với khỉ đá. 72 phép Địa sát hay Cân đẩu vân cũng chỉ là món nghề nhỏ đối với các đấng chân tu siêu đẳng.
Vậy tại sao khi Ngộ Không đại náo thiên cung, các vị thần tiên không hề có phản ứng, thậm chí kinh sợ trước phép thuật của vua khỉ?
Suy cho cùng, trước khi tu thành chín quá, Ngộ Không chỉ là một con yêu hầu bản lĩnh cao cường. Hơn nữa rất nhiều lần Ngọc Hoàng và Thái Thượng Lão Quân nhắm mắt cho Ngộ Không một con đường tu chính nghĩa.
Không nghênh chiến không phải vì không đủ pháp lực mà muốn lấy Đạo trị gian tà. Tôn Ngộ Không vốn có cơ hội quy chính, nhưng tâm không có ước thúc, một niệm ấy đã dẫn đến hậu quả khác biệt.