Hàng Long Thập Bát Chưởng qua phim ảnh
Hàng Long Thập Bát Chưởng hay thường quen gọi là Giáng Long Thập Bát Chưởng, nghĩa là thế chưởng pháp hàng phục rồng. Đây là tên một loại tuyệt kỹ võ công xuất hiện trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Môn võ chí dương này chỉ phù hợp với nam giới, mà phải là người chính trực và kiêu dũng.
Theo tiểu thuyết Kim Dung, chỉ có ba người sử dụng được Hàng Long Thập Bát Chưởng là Hồng Thất Công, Quách Tĩnh và Kiều Phong. Môn võ này ban đầu là Hàng Long Nhị Thập Bát Chưởng, sau khi được Tiêu Phong chỉnh sửa mới trở thành Hàng Long Thập Bát Chưởng, truyền đến đời Hồng lão bang chủ. Ngoài Tiêu Phong, Hồng Thất Công, Quách Tĩnh, còn một số người nữa cũng học được bộ chưởng pháp này như Gia Luật Tề, Sử Hoả Long, Tống Thanh Thư.. nhưng thiếu mất cái khí khái anh hùng.
Trong các bộ phim kiếm hiệp Kim Dung, Hàng Long Thập Bát Chưởng được mô phỏng rất chi tiết. Những series phim truyền hình vào đầu những năm 2000 để lại nhiều ký ức khó quên trong lòng khán giả. Nhân vật Kiều Phong trong "Thiên Long Bát Bộ" đã làm cho môn võ này đi vào huyền thoại, và trở thành một nhân tài kiệt xuất của Cái Bang.
Nhân vật Kiều Phong trong "Thiên Long Bát Bộ" đã làm cho Hàng Long Thập Bát Chưởng đi vào huyền thoại.
Trong phim "Thiên Long Bát Bộ", Kiều Phong từng sử dụng Hàng Long Thập Bát Chưởng tung hoành giữa thiên binh vạn mã nước Đại Liêu, bắt sống vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ trong một lần ông này đi săn. Cuối cùng, trong trận chiến tại Thiếu Lâm Tự, Kiều Phong đã giải cứu A Tử trong tay của Tinh Túc lão quái chỉ trong 3 chiêu, điều mà quần hùng trên Thiếu Lâm không ai làm được.
Không những thế, chỉ bằng 3 chiêu Hàng Long Thập Bát Chưởng, Kiều Phong đã đẩy lùi cùng một lúc 3 đại cao thủ đương thời là Tinh Túc lão quái, Cô Tô Mộ Dung Phục và Du Thản Chi. Như vậy, đối với Hàng Long Thập Bát Chưởng, không ai có thể sánh bằng Bắc Kiều Phong danh trấn thiên hạ.
Xét về mức độ nổi tiếng, phiên bản "Thiên Long Bát Bộ 2003" dường như là phần phim được khán giả biết đến nhiều nhất. Nam diễn viên Hồ Quân đã thể hiện thành công nhân vật Kiều Phong với ngoại hình cao lớn, đậm chất nam nhi, hào sảng cùng tinh thần trượng nghĩa của một vị anh hùng. Cố nhà văn Kim Dung cũng khẳng định, anh là nhân vật tiêu biểu và dũng mãnh, khí phách và lột tả thành công nhất vai diễn Kiều Phong.
Về sau, Hàng Long Thập Bát Chưởng chỉ còn truyền lại được 12 chiêu như bang chủ Sử Hoả Long (Ỷ Thiên Đồ Long Ký) luyện nhưng không ai có được thành tựu cao. Môn võ này cũng theo đó mà thất truyền cùng với sự suy vị của Cái Bang. Trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký", một lần nữa Hàng Long Thập Bát Chưởng được Tống Thanh Thư tái xuất, do Chu Chỉ Nhược đã lấy ra từ Ỷ Thiên Kiếm đưa cho Tống Thanh Thư tập để đối phó Trương Vô Kỵ.
Môn võ lợi hại nhưng bị Chu Bá Thông coi thường
Lão Ngoan Đồng từng đánh giá Hàng Long Thập Bát Chưởng chỉ là môn võ công lợi hại nhưng không thuộc hàng tuyệt đỉnh võ học. Chu Bá Thông cho rằng môn võ công này có giới hạn nhất định. Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công đã luyện bộ chưởng pháp này tới cảnh giới cao nhất và võ công không thể thăng tiến được nữa. Ngược lại, theo lời Lão Ngoan Đồng, võ công của phái Toàn Chân như thuyền trôi giữa đại dương, dù luyện như nào cũng không có đích đến.
Chu Bá Thông là người duy nhất chỉ ra được hạn chế của Hàng Long Thập Bát Chưởng.
Nếu đem Hàng Long Thập Bát Chưởng so sánh với Tiên Thiên Công của phái Toàn Chân thì quả là một trời một vực. Tiên Thiên Công là môn nội công thượng hạng, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu Âm Chân Kinh. Như Lão Ngoan Đồng nói, nếu Vương Trùng Dương còn sống và tiếp tục luyện võ, kỳ Hoa Sơn luận kiếm thứ 2 vẫn chẳng có ai đoạt được danh hiệu đệ nhất thiên hạ từ ông ấy.
Lão Ngoan Đồng từng đánh giá Hàng Long Thập Bát Chưởng chỉ là môn võ công lợi hại nhưng không thuộc hàng tuyệt đỉnh võ học.
Mặt khác, sự lợi hại của Hàng Long Thập Bát Chưởng nằm ở nội lực chứ không phải chưởng thức. Nếu chỉ luyện chưởng thức mà không luyện nội lực, người học cũng khó đạt đến cảnh giới cao. Chu Bá Thông nói rằng Hàng Long Thập Bát Chưởng của Hồng Thất Công lợi hại bở nội công thâm hậu. Sau này, Quách Tĩnh nhờ uống máu rắn và tu luyện nội công Cửu Âm Chân Kinh nên mới có thể phát huy uy lực tối đa của môn võ Cái Bang này.