Càn Long nổi danh là vị vua có lối sống vô cùng xa hoa. Ông không chỉ có thú vui đi tuần du, tiêu tốn đến mức thâm hụt ngân khố, mà còn dồn tâm huyết xây dựng cung điện nghỉ dưỡng xa hoa bậc nhất tên là Quyện Cần Trai.
Cung điện này được xây dựng vào năm 1772 - năm thứ 37 của triều đại Càn Long, nằm ở phía Bắc hoa viên của cung Ninh Thọ, phía sau của Phù Vọng Các. Kiến trúc của nó được mô phỏng theo Kính Thắng Trai trong hoa viên của cung Kiến Phúc, bao gồm 9 phòng nối liền nhau với một vọng gác ở trên đỉnh đồi.
Một trong những vật liệu xa hoa nhất ở Quyện Cần Trai chính là những cây gỗ Kim Tơ Nam Mộc ngày nay có giá trị lên tới 9.000 tỷ/cây. Tương truyền, Càn Long sai người thu thập một lượng lớn gỗ Kim Tơ Nam Mộc rồi sai nghệ nhân chạm khắc nhiều cây gỗ quý thành hình cây tre để trang trí trong cung điện.
Sân khấu kịch trong Quyện Cần Trai cũng được "dát" ngọc ở các vách ngắn sân khấu, vẽ tranh lên tường và trần nhà theo phong cách "thông cảnh họa" - nghệ thuật hội họa pha trộn giữa kỹ thuật hội họa Trung Quốc và phương Tây, chủ yếu dùng hoa văn như hạc trắng, cung điện và dây leo hoa lá.
Không ngoa khi nói Quyện Cần Trai chính là một trong những cung điện tinh xảo và đắt giá nhất trong Tử Cấm Thành. Thế nhưng Càn Long lại không sống ở đây mà chỉ qua lại giữa Tử Cấm Thành và Viên Minh Viên. Mãi cho tới những năm cuối đời, Càn Long mới chuyển về cung điện này nghỉ ngơi.
Có hai giả thuyết được đưa ra giải thích cho lý do Càn Long không sống ở Quyện Cần Trai. Đầu tiên là vì tham vọng thâu tóm quyền lực. Ông dù nhường ngôi lại cho con trai Gia Khánh nhưng vẫn muốn sống ở Dưỡng Tâm Điện để dễ bề kiểm soát chuyện triều chính.
Quả thực, dù đã là Thái Thượng hoàng nhưng các vị quan lại cũng chỉ hỏi ý kiến của Càn Long. Gia Khánh chỉ là "bù nhìn" của ông. Thứ hai, một số người cho rằng Càn Long muốn tránh xa cuộc sống xa hoa và phô trương để xây dựng hình ảnh của bản thân. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, lý do thực sự là gì vẫn chưa ai có thể khám phá ra.