Vào thời cổ đại, đa số các Hoàng đế Trung Hoa đều sở hữu tam cung lục viện với không ít phi tần, mỹ nữ.
Thế nhưng với số lượng phi tần đông đảo như vậy, hậu cung phong kiến đương nhiên phải cần tới một tầng lớp phục vụ khác bên cạnh các cung nữ.
Cũng vì lý do này, tầng lớp thái giám đã ra đời và trở thành lực lượng đắc lực hầu hạ giai cấp thống trị.
Tuy nhiên xuất phát từ tâm lý đề phòng của Hoàng đế, phàm là những người đàn ông muốn vào cung làm thái giám đều phải trải qua quá trình "tịnh thân" (thiến) vô cùng đau đớn.
Thế nhưng có một điều mâu thuẫn nằm ở chỗ, trong cung vốn dĩ còn có những nam nhân khác ngoài Hoàng đế ra vào. Và các ngự trù (cách gọi đầu bếp trong cung thời xưa) cũng nằm trong số này.
Điểm đáng nói lại nằm ở chỗ, những người thuộc tầng lớp nói trên lại không hề phải trải qua quá trình tịnh thân đau đớn như thái giám. Liệu rằng đâu là nguyên nhân dẫn tới số phận trái ngược giữa thái giám và ngự trù như vậy?
Nguyên nhân thứ nhất: Sự khác biệt về nơi làm việc
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đầu tiên, nơi làm việc của ngự trù chủ yếu chính là ở tại Ngự Thiện phòng, tức khu vực làm bếp chuyên biệt trong cung. Công việc chủ đạo của họ là chuẩn bị món ăn cho các vị chủ tử.
Thế nhưng dù là vậy thì có nhiều khi, những người ngự trù tại đây cả đời cũng chẳng có cơ hội được diện kiến giai cấp thống trị.
Bởi theo quy định thời bấy giờ, thức ăn sau khi nấu xong cũng không do họ trực tiếp dâng lên chủ tử mà sẽ thông qua các thái giám, cung nữ tới nhận và còn phải trải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt sau đó.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Nếu như trong hậu cung có vị nương nương nào cảm thấy muốn ăn một món ăn nào đó, họ sẽ sai thuộc hạ của mình xuống báo cho Ngự Thiện phòng chứ không trực tiếp đi tới nơi này.
Thậm chí trong trường hợp đồ ăn do các đầu bếp trong cung nấu không ngon thì ngay tới cả việc trách phạt cũng sẽ có người truyền lời chứ không cần chủ tử đích thân ra mặt.
Cho nên có thể nói, khoảng cách giữa các ngự trù với những mỹ nhân hậu cung là vô cùng xa xôi. Vì vậy việc họ cả đời làm việc trong cung nhưng chưa bao giờ được diện kiến các phi tần của nhà vua cũng là điều dễ hiểu.
Nếu đã không thể gặp mặt, vậy thì khả năng họ có những suy nghĩ hay hành động không an phận với các mỹ nhân nơi hậu cung thậm chí còn khó hơn lên trời. Đây cũng là một trong những lý do giúp các đầu bếp nơi cung đình thoát khỏi kiếp bị "tịnh thân" như thái giám.
Nguyên nhân thứ hai: Ngự trù là tầng lớp lao động có kỹ thuật cao vào thời phong kiến
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Theo quan điểm của Qulishi, cổ nhân xưa đối với các nhân tài có kỹ thuật vốn dĩ vô cùng coi trọng. Và phàm là người đã trở thành ngự trù nơi cung đình thì bất luận là gia thế hay tài năng cũng đều không thể xem thường.
Trên thực tế, các đầu bếp trong cung đa số đều xuất thân từ những gia tộc có tài nghệ nấu nướng nổi danh lâu đời.
Vị trí của họ trong Ngự Thiện phòng hầu hết đều được cha truyền con nối, cùng với đó là những bí kíp nấu nướng được bí mật truyền thừa trong các gia tộc.
Nói cách khác, các ngự trù trong cung chính là những đầu bếp cao cấp và đồng thời cũng là chuyên gia ẩm thực thời bấy giờ.
Họ được xem là những người có kỹ thuật, có tâm, có tài. Nhân tài như vậy đương nhiên sẽ khó có khả năng bị tịnh thân, bởi dẫu sao những bí quyết gia truyền trong gia tộc của họ vẫn cần phải có người kế thừa.
Từ những lý do trên, có thể thấy việc thái giám, hoạn quan xưa bị tịnh thân là bởi họ thường xuyên tiếp xúc với các nữ chủ tử trong cung.
Hơn nữa, thái giám cũng không có kỹ năng chuyên môn, và thực tế là đa số họ đều vì gia cảnh quá khó khăn nên mới buộc phải từ bỏ thân phận đàn ông để nhập cung làm công việc này.
Thế nhưng các ngự trù lại sở hữu hoàn cảnh hoàn toàn ngược lại. Họ chẳng những có trong tay nhiều kỹ năng hữu dụng mà còn ít có cơ hội tiếp xúc với các nương nương, vì vậy mới có thể giữ được thân thể "toàn vẹn" để làm việc trong chốn cung đình.