Thời xưa, không con cái có thể coi là một trong những tội đại bất hiếu. Thế nhưng vị phi tử này, cả đời không có nổi mụn con lại vẫn được cả ba vị hoàng đế nổi tiếng là Khang Hi, Ung Chính, Càn Long yêu mến, chăm sóc chu đáo. Vị phi tử này chính là Đôn Di Hoàng quý phi.
Theo sử sách ghi chép, Đôn Di Hoàng quý phi là con gái dòng chính của họ Qua Nhĩ Giai thị, thuộc Hoàng kỳ Mãn Châu. Họ này giàu có, phú quý số một, số hai, đứng đầu trong bát đại gia tộc thời nhà Thanh, vì vậy từ khi lọt lòng, Đôn Di Hoàng quý phi đã định sẵn là sẽ nhập cung, ở bên hoàng thượng.
Nàng sinh ra vào năm Khang Hi 22, nhỏ hơn Khang Hi gần 30 tuổi. Dựa theo quy định tuyển tú 3 năm một lần, khi Khang Hi 39 tuổi, nàng 17 tuổi, liền nhập cung tham gia tuyển tú. Cuối cùng, nhờ gia thế hiển hách, dung mạo xuất chúng lại trổ hết tài năng, Qua Nhĩ Giai thị thuận lợi trở thành phi tử của hoàng đế.
|
Ảnh minh họa. |
Một số bản thoại có chép, Qua Nhĩ Giai thị rất xinh đẹp, vẻ đẹp của nàng không lộng lẫy kiêu sa nhưng vô cùng mềm mại, ngọt ngào, nhìn một lần là nhớ mãi. Cùng với xuất thân rất cao, nàng được Khang Hi rất coi trọng. Vừa vào cung đã được phong làm Hòa tần. Phong vị như vậy, đối với một phi tử mới nhập cung, thực sự khiến nhiều người ghen tị đỏ mắt.
Thời gian đó, Hòa tần rất được sủng ái, liền nhanh chóng có thai. Đáng tiếc, công chúa sau sinh còn chưa kịp đặt tên đã mệnh yểu qua đời. Bất hạnh hơn, vì quá đau thương, hơn nữa sinh con thân thể bị hao tổn, đời này Hòa tần không thể có con nữa.
Khang Hi thấy nàng trẻ tuổi như vậy đã bị tổn thương nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần, vì vậy cực kỳ thương yêu, chiều chuộng nàng. Mặc dù sau Hòa tần vẫn không thể sinh con, Khang Hi vẫn không lạnh nhạt, quan tâm đầy đủ, thậm chí còn tấn phong nàng làm Hòa phi.
Năm 1722, Khang Hi băng hà, lúc này Hòa phi 38 tuổi, trong hậu cung của Khang Hi cũng được coi là tương đối trẻ. Hơn nữa, vì không có con nối dòng, cuộc sống của nàng không có tranh đấu, rất an nhàn.
Thực tế, lúc đó, các hoàng tử tranh quyền đoạt vị, rất dễ liên lụy đến mẫu thân của mình. Hòa phi địa vị khá cao nhưng không con cái, cho nên đối với các phi tần khác, nàng không có uy hiếp, đối với các hoàng tử lại càng không có bất kỳ cản trở nào, cuộc sống ở nơi hậu cung của Hòa phi cực kỳ an nhàn.
Đến khi Ung Chính kế vị, đối với Hòa phi cũng cực kỳ tôn kính, tôn phong nàng làm Hoàng khảo quý phi. Kỳ lạ ở chỗ, Ung Chính đối với mẹ đẻ quan hệ không quá thân thiết, trái lại đối với Hoàng khảo quý phi lại vô cùng yêu thương, tình như mẹ con ruột thịt.
Tính cách của Hoàng khảo quý phi ôn hòa lại sảng khoái, hoàng đế Ung Chính có tâm sự trong lòng đều có thể tìm nàng để giải tỏa. Nói cách khác, Ung Chính rất tín nhiệm nàng.
Sau, Ung Chính lại hạ lệnh, đưa hoàng tử Hoằng Lịch đến cho Hoàng khảo quý phi nuôi dưỡng, cũng chính là hoàng đế Càn Long sau này. Nhờ vậy, tình cảm của Càn Long và Hoàng khảo quý phi vô cùng gắn bó, thân thiết.
Thời điểm Càn Long lên ngôi, Hoàng khảo quý phi đã cao tuổi. Càn Long vẫn nhớ kỹ nàng có ân dưỡng dục, vì vậy luôn hiếu thuận với nàng. Ghi chép cho thấy, Càn Long hiếu thuận với Hoàng khảo quý phi chẳng khác nào bà nội thực sự của mình.
Cho rằng thế là không đủ, Càn Long còn phong tôn nàng làm Hoàng tổ Ôn Huệ Quý thái phi. Lúc này, trong hậu cung, nàng có bối phận cao không ai sánh nổi. Hoàng đế đối với nàng hiếu kính, có thể nói tuổi già của vị mỹ nhân này tràn ngập vinh quang.
Năm Càn Long 33, Hoàng tổ Ôn Huệ Quý thái phi 86 tuổi. Mệnh tận, nàng ở trong tẩm cung an tường mà rời khỏi nhân thế. Kim quan của bà tạm quàn tại Cát An sở, Càn Long Đế đích thân đến tưới rượu. Cùng năm, hoàng đế làm lễ dâng thụy hiệu cho Ôn Huệ Hoàng quý thái phi, là Đôn Di Hoàng quý phi, tiến hành an táng vào Hoàng quý phi viên tẩm trong Cảnh lăng.
Các sử gia cho rằng, mặc dù Đôn Di Hoàng quý phi không con không cái, nhưng nhờ xinh đẹp lại tài đức, nhận được sự yêu thương, kính trọng của cả 3 vị hoàng đế nổi tiếng. Nàng cũng trở thành một trong những phi tần sống thọ nhất, sung sướng nhất, suốt đời bình an, trôi chảy, thực sự làm cho người khác ước ao.