Nhiều người gọi ông là hoàng đế “hai mặt”.
Tháng 8/1505, Minh Hiếu Tông (hoàng đế nhà Minh) qua đời, thái tử là Chu Hậu Chiếu khi đó mới 14 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Chính Đức. Người đời sau gọi ông là Chính Đức đế hay Minh Vũ Tông.
1. Ham chơi, ngông cuồng
Từ khi còn nhỏ, Minh Vũ Tông đã được chỉ định làm người kế vị. Ông nổi tiếng thông minh, có thành tích học tập xuất sắc và thông thạo âm nhạc, hội họa, ngôn ngữ nhiều dân tộc. Nhiều quan chức phụ trách dạy dỗ hoàng tộc từng cho rằng Minh Vũ Tông có thể trở thành hoàng đế tài giỏi như Minh Hiếu Tông, theo Minh sử.
Ở tuổi 14, Minh Vũ Tông đã trở thành hoàng đế. Ông vừa thích vừa ghét vị trí này. Thích ở chỗ Vũ Tông có thể tùy tiện sai khiến người khác. Nhưng làm vua đồng nghĩa với việc ông có nhiều công việc hơn và mất tự do.
4 tháng sau khi lên ngôi, Minh Vũ Tông đã nhiều lần cải trang thành thường dân, trốn khỏi cung để vui chơi. Vũ Tông trọng dụng đám hoạn quan, bởi chúng biết nịnh nọt, chiều ý nhà vua và bày nhiều trò vui.
Dân gian thường gọi 8 viên hoạn quan gần gũi với Minh Vũ Tông nhất là nhóm "Bát hổ" (8 con hổ). Đứng đầu nhóm này là Lưu Cẩn – viên hoạn quan quyền lực nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, theo Sohu.
Năm 1507, Minh Vũ Tông lệnh cho Lưu Cẩn xây dựng Báo phòng – một cung điện được dùng để nuôi nhốt báo, hổ, voi, hươu, chim ưng và nhiều động vật hoang dã khác. Vũ Tông rất thích nuôi báo vì cho rằng đây là loài vật hung dữ nhất. Ngoài động vật, Vũ Tông cũng cho tuyển hàng trăm mỹ nữ đến Báo phòng để vui chơi, thác loạn.
Theo Minh sử, Báo phòng rộng hơn 200 gian, xây dựng 5 năm mới hoàn thành. Hao phí ngân khố hơn 240.000 lạng bạc. Có thể coi đây là một sở thú lớn trong thành Bắc Kinh.
Báo phòng xây xong, Minh Vũ Tông chuyển hẳn vào ở đây để "tránh quy tắc ràng buộc trong cung cấm". Ông thường vui chơi cùng đám động vật, hoạn quan và mỹ nữ đến tận chiều tối mới cho các quan vào chầu.
Có lần, Minh Vũ Tông còn suýt mất mạng khi muốn thuần phục một con hổ trong Báo phòng. Trải qua tai nạn, ông thấy vui nhiều hơn là sợ, theo Sina.
Minh Vũ Tông nổi tiếng trong lịch sử là người ra lệnh cấm giết mổ và ăn thịt lợn trên phạm vi cả nước. Lý do là vì ông cầm tinh con giáp Hợi (lợn). Tuy nhiên trong hoàng cung, Minh Vũ Tông vẫn ăn các món chế biến từ thịt lợn như thường.
Bị các đại thần nhiều lần phản đối, Minh Vũ Tông đã ra lệnh bãi bỏ lệnh này. Ngành nông nghiệp Trung Hoa nhờ vậy thoát khỏi cảnh điêu đứng.
Minh sử chép, năm Chính Đức thứ 4 (1509), Minh Vũ Tông ngày càng thích ra khỏi Tử Cấm Thành. Ông thường cùng đám hoạn quan rong chơi nhiều ngày không về, dọc đường ở nhờ nhà dân, quấy nhiễu con gái nhà lành.
Minh Vũ Tông cũng cho xây dựng một khu chợ trong Tử Cấm Thành. Ông ra lệnh cho đám hoạn quan, cung nữ, thái giám bày đồ ra buôn bán, mặc cả như "hàng tôm hàng cá". Minh Vũ Tông cũng giả làm khách buôn, vào chợ buôn bán kiếm tiền.
Hậu cung bị Minh Vũ Tông làm cho giống như lầu xanh. Ông bắt cung nữ, phi tần cải trang thành kỹ nữ đàn hát, chuốc rượu. Mỗi khi Vũ Tông đến, "kỹ nữ" phải chèo kéo, lả lơi dìu dắt ông vào "kỹ viện". Nếu bị chuốc say ở "kỹ viện" nào, hoàng đế nhà Minh sẽ ngủ luôn tại đó.
Điện Phụng Thiên (cung điện lớn nhất trong Tử Cấm Thành) cũng bị Minh Vũ Tông biến thành chỗ mua vui. Ông từng đem cả chó và khỉ lên điện Phụng Thiên. Vũ Tông sai bắt khỉ ngồi lên lưng chó rồi đốt pháo khiến chúng hoảng sợ bỏ chạy. Triều đình được một phen náo loạn, theo Sina.
2. Giỏi cầm quân, trừng trị gian thần
Dù có nhiều tật xấu, Minh Vũ Tông vẫn được nhiều sử gia nhận định là một hoàng đế có tài. Dưới thời Vũ Tông cai trị, kinh tế Trung Hoa phát triển mạnh, dân chúng nhìn chung khá ấm no. Minh Vũ Tông dù mải chơi nhưng không hồ đồ, bạo ngược. Ông không có thói lạm sát vô cớ, hãm hại trung thần. Tuy nhiên, nhiều quan lại vì chán ngán cảnh triều đình bị biến thành chỗ mua vui nên đã từ quan về quê.
Năm 1510, An Hóa Vương (hoàng tộc nhà Minh) lấy cớ diệt trừ Lưu Cẩn để khởi binh làm loạn. Minh Vũ Tông cử võ tướng Dương Nhất Thanh và hoạn quan Trương Vĩnh đem quân đánh dẹp thành công. An Hóa Vương bị xử tử.
Trương Vĩnh và Lưu Cẩn đều thuộc nhóm "Bát hổ" nhưng lại bất hòa. Nhân công lao đánh dẹp phản loạn, Trương Vĩnh tố cáo Lưu Cẩn âm mưu tạo phản, là nguyên nhân khiến hoàng tộc nổi loạn. Minh Vũ Tông cho quân đến lục soát nhà Lưu Cẩn, phát hiện hàng triệu lạng vàng, bạc và cả vũ khí, long bào (quần áo màu vàng, chỉ dành cho nhà vua).
Minh Vũ Tông nổi giận, lập tức tuyên xử tử Lưu Cẩn bằng hình phạt lăng trì (cắt từng mảnh thịt nhỏ). Theo Minh sử, án hành hình Lưu Cẩn kéo dài 3 ngày mới chấm dứt. Viên hoạn quan này chết bởi hơn 3.000 nhát chém.
Dù diệt trừ Lưu Cẩn, nhưng Minh Vũ Tông vẫn trọng dụng hoạn quan như cũ.
Năm 1517, quân Mông Cổ do Đạt Diên Hãn cầm đầu tấn công tỉnh Sơn Tây. Minh Vũ Tông mừng rỡ, tuyên bố muốn tự mình dẫn quân dẹp loạn.
Các quan lại nhà Minh nghe tin hoàng đế muốn tự cầm quân thì sợ "mất vía", theo Sohu. Năm 1449, Minh Anh Tông (vua thứ 6 nhà Minh) từng "ngự giá thân chinh", dẫn 50 vạn quân chống Mông Cổ nhưng thất bại ê chề. Bản thân Minh Anh Tông cũng bị bắt làm tù binh.
Minh Vũ Tông quyết tâm tự cầm quân. Ông làm tổng chỉ huy và đánh thắng quân Mông Cổ một trận lớn ở Ứng Châu (thuộc địa phận tỉnh Sơn Tây ngày nay). Lịch sử Trung Quốc gọi sự kiện này là "Ứng Châu đại thắng".
Trong trận Ứng Châu, Vũ Tông thể hiện tài cầm quân khi là người trực tiếp cắt đặt tướng lĩnh, bố trí chiến lược tác chiến.
Theo Minh sử, Vũ Tông sai một cánh quân nhỏ đi trước mở đường, phần lớn lực lượng giấu phía sau. Quân Mông Cổ khinh địch, đuổi theo cánh quân nhỏ vào sâu trong đất Trung Hoa. Lúc này, lực lượng chính của quân Minh mới ập lại đánh, quân Mông Cổ thiệt hại nặng.
Vũ Tông sau đó liên tục tăng quân, khiến quân Mông Cổ khiếp sợ rút lui. Quân Minh thừa cơ đuổi đánh, bình định toàn bộ vùng biên giới.
Sau trận thua ở Ứng Châu, các bộ lạc Mông Cổ không dám xâm phạm biên giới Trung Hoa trong suốt thời gian dài. Đây cũng là thành tích "sáng" nhất trong 16 năm cai trị của Vũ Tông.
Năm 1519, Ninh Vương Chu Thần Hào (hoàng tộc nhà Minh) cất 10 vạn quân làm phản ở Giang Tây. Minh Vũ Tông lại tự mình dẫn quân đánh dẹp. Tuy nhiên khi đến nơi, Chu Thần Hào đã bị quan lại địa phương bắt giữ.
Bực tức vì không được đánh trận, Vũ Tông sau thả Chu Thần Hào ra rồi dẫn quân bắt lại. Tháng 1/1521, Chu Thần Hào bị xử tử, Minh sử chép.
Minh Vũ Tông là người thông minh, nhưng việc cầm quân đánh trận bị ông xem như trò tiêu khiển, Sohu nhận xét.
3. Cái chết
Tháng 9/1520, trên đường dẫn quân từ Giang Tây về Bắc Kinh, Minh Vũ Tông ghé vào Thanh Giang Phố (thuộc địa phận tỉnh Giang Tô ngày nay) để vui chơi. Vũ Tông bắt chước ngư dân ra sông đánh cá, không may rơi xuống nước. Sau vụ việc này, Vũ Tông bị ốm nặng, Minh sử chép.
Tháng 4/1521, Minh Vũ Tông qua đời (hưởng dương 31 tuổi). Trước khi chết, ông nói: "Hãy truyền ý chỉ tới Hoàng Thái hậu. Việc thiên hạ là quan trọng, phải cùng các đại thần xử lý. Những việc trước đây đều là sai lầm của trẫm".
Giới sử gia Trung Quốc nhận định, Minh Vũ Tông lên ngôi từ sớm (14 tuổi), mặc dù là hoàng đế nhưng tính nết vẫn còn ham vui như trẻ con. Ông là hiện tượng hiếm trong lịch sử Trung Quốc khi vừa ăn chơi, vừa có thể lo trị quốc.