Yết Kiêu là thuộc tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, là danh tướng của Đại Việt. Ông không chỉ nổi danh vì có tài bơi lặn, lập công lớn trong việc chống quân Nguyên Mông, mà những giai thoại về tình yêu của Yết Kiêu được dân gian lưu truyền cũng khiến không ít người cảm thấy thú vị.
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh tại làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, bố mất sớm, Yết Kiêu phải ngày đêm lặn lội bên sông nước mò cua bắt cá nuôi mẹ.
Năm 1258, người dân Đại Việt ở khắp nơi hưởng ứng Triều đình chuẩn bị cuộc chiến chống quân Mông Cổ. Nghe tiếng loa truyền tìm người đầu quân giúp nước, Phạm Hữu Thế mới 16 tuổi quyết định gia nhập quân binh. Nhờ giỏi bơi lội, ông được gia nhập vào đội thủy binh.
|
Yết Kiêu đục thuyền quân Nguyên. (Tranh từ motthegioi.vn). |
Cũng trong năm ấy Hưng Đạo Vương có tổ chức hội thi tìm người tài theo mình, trong đó đấu vật được xem là rất quan trọng. Tương truyền lần ấy những ai đấu vật với Đô Châu (một gia nhân của hoàng tử Trần Ích Tắc) đều thua cả. Đô Châu được xem là người vô địch về đấu vật. Thấy thế, tân binh Phạm Hữu Thế liền xin ứng đấu với Đô Châu.
Trong cuộc đấu vật, các đối thủ hầu như đều tìm miếng để vật đối thủ xuống sàn. Thế nhưng Phạm Hữu Thế lại bất ngờ sử dụng miếng đánh ngược lại, không dùng sức quật xuống, mà lại dùng sức nhấc bổng Đô Châu lên, sau đó mới làm cho ngã ngửa dưới sàn. Mọi người đứng xem vỗ tay reo hò.
Từ đó Phạm Hữu Thế trở thành gia nô đắc lực của Hưng Đạo Vương và được đặt tên là Yết Kiêu.
Có một giai thoại dân gian về việc Yết Kiêu từ chối tình yêu của ba nàng công chúa như thế này…
Trái tim danh tướng mãi chỉ dành cho một người
Tương truyền Yết Kiêu muốn đóng cọc trên sông để ngăn đà tiến công của quân Nguyên Mông, nhưng lại không tìm đâu được sắt để bịt đầu nhọn cắm xuống sông.
Lúc này ở Quảng Ninh có một lão bộc có tấm bản đồ dẫn đến nơi có sắt. Lão bộc này trước đây vốn là một tướng tài nhưng nay ở ẩn, đứng trước nạn ngoại xâm lão bộc muốn giúp Yết Kiêu có được số sắt, ngăn chặn quân giặc.
|
Yết Kiêu. (Tranh từ violet.vn). |
Bấy giờ Yết Kiêu có dịp gặp gỡ với con gái lão bộc tên là Vân, đây là người con gái tài sắc vẹn toàn, hai người cảm mến nhau.
Nhưng sau này, trong một trận đánh, người con gái đã lấy thân mình đỡ cho Yết Kiêu một mũi tên để rồi mất ngay trên tay của Yết Kiêu. Từ đó trái tim của vị danh tướng đã mãi mãi đi theo người con gái này.
Quận chúa muốn kết duyên
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, Yết Kiêu được giao thống lĩnh hiệu binh Thiệu Hưng. Cảm mến vị tướng trẻ, Quận chúa Đinh Lan tâu với Triều đình xin được kết duyên với Yết Kiêu. Thế nhưng Yết Kiêu đã một mực từ chối.
Nhà Trần có tục lệ chỉ người trong họ mới được lấy nhau, nên nếu lấy Quận chúa thì Yết Kiêu phải đổi sang họ Trần. Yết Kiêu viện lý do không muốn đổi họ để từ chối. Dù bị áp lực nhưng ông quyết thà bị chém đầu chứ không đổi họ.
Giận dữ, Quận chúa xin chém Yết Kiêu. Nhưng tất nhiên, nhà Trần không thể vì lý do đó mà trị tội tướng tài. Chuyện này được cho qua.
Công chúa nhà Trần cũng đem lòng yêu mến
Con gái của vua Trần Thái Tông là công chúa An Tư cũng đem lòng yêu Yết Kiêu.
Tuy nhiên khi công chúa chưa kịp tỏ bày tình cảm của mình thì đã bị vua Thánh Tông gả cho Thoát Hoan nhằm thực hiện kế trá hàng.
Công chúa An Tư đành gạt đi tình riêng của mình để thực hiện theo lời của vua. Nhờ có cuộc hôn nhân này mà quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông – Đại Việt lần 2 vào năm 1285.
Sau khi quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt, đã phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy để về.
Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không có tài liệu nào nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân.
Công chúa Nguyên triều dành trọn trái tim
Sau khi đánh thắng quân Nguyên, nhằm có được quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tránh chiến tranh liên miên, vua Trần Nhân Tông cử Bảng nhãn Lê Đỗ cùng với Yết Kiêu đi sứ sang nhà Nguyên.
Quân Nguyên sang đánh Đại Việt đều biết danh tiếng của Yết Kiêu, nay thấy Yết Kiêu sang sứ thì vua cùng các tướng nhà Nguyên đều nghĩ cách để có được tướng tài. Một viên quan tâu rằng nên sử dụng mỹ nhân kế, bởi anh hùng khó qua ải mỹ nhân.
Vua Nguyên thấy chọn ai cũng khó xứng với Yết Kiêu, nên cuối cùng quyết định chọn người con gái út của mình là công chúa Ngọc Hoa.
Công chúa Ngọc Hoa thuộc dạng sắc nước nghiêng thành, lại đàn hay hát giỏi nên được vua cha cưng chiều. Khi nghe vua cha nói muốn gả cho một viên tướng ở nam triều và “phải giữ bằng được ông ấy ở lại đây” thì công chúa không bằng lòng.
Thế nhưng khi lần đầu nhìn Yết Kiêu, thấy đây quả là một dũng tướng, khi trò chuyện lại thấy đây là một người gần gũi, nên công chúa thay đổi, dành trọn vẹn tình cảm cho Yết Kiêu.
Hàng ngày công chúa đều tìm cớ để có cơ hội gặp Yết Kiêu, khi thì mang đặc sản phương Bắc để khoe, khi thì mời Yết Kiêu đi ngắm đất kinh kỳ.
Thấy hai người thường xuyên trò chuyện với nhau thì vua Nguyên mừng lắm. Khi thời gian đi sứ đã hết, vua Nguyên dùng đại tiệc để tiễn đoàn sứ của Đại Việt, khi buổi tiệc đến lúc vui vẻ nhất thì vua Nguyên nói ngỏ ý muốn gả công chúa cho Yết Kiêu.
Yết Kiêu không muốn kết hôn, để hoàn thành sứ mệnh chuyến đi sứ này nên sau giây lát suy nghĩ, Yết Kiêu đáp rằng:
Cảm ơn đức vua đã cho thần có được diễm phúc ấy. Nhưng nước có phép vua, thần lại là tôi tớ của vua Trần nên phải tuân theo lệnh vua. Thần xin phép về xin ý kiến của vua Trần, nếu được đồng ý thần sẽ qua làm lễ với công chúa.
Vua Nguyên nghe thấy hợp lý thì đồng ý cho ông về tâu với vua Trần, công chúa liền xin đi theo Yết Kiêu về Đại Việt. Yết Kiêu liền nói rằng:
Tục nước tôi không cho phép con gái theo về nhà chồng mà chưa có mối, chưa có lễ vật, nàng lại là công chúa cành vàng lá ngọc càng phải giữ thanh danh, thể diện. Nàng cứ ở lại chờ tôi một thời gian để tôi nói với cha mẹ mang lễ vật tới.
Khi về Triều đình, Yết Kiêu có báo lại kết quả chuyến đi sứ và ý vua Nguyên muốn gả công chúa cho mình. Nhà Trần không muốn mất tướng tài, cũng do Yết Kiêu không muốn, nên quyết định không nhắc gì chuyện này nữa.
Từ ngày Yết Kiêu đi chờ mãi không thấy tin tức gì, lòng công chúa Ngọc Hoa như có lửa đốt, nàng thường lên lầu cao ngóng về phương Nam. Mỗi lần có đoàn sứ thần từ Đại Việt đến công chúa đều hỏi han tin tức, rồi gửi lời nhắn đến Yết Kiêu, nhưng đều không thấy hồi âm.
Chờ đợi mỏi mòn, công chúa Ngọc Hoa vẽ hình Yết Kiêu, tự tay thêu đôi uyên ương để tặng khi Yết Kiêu quay lại, nhưng mãi vẫn không có tin tức gì.
Công chúa cũng thêu những vần thơ vào khăn áo rồi nhờ sứ thần Đại Việt gửi lại cho Yết Kiêu, những vần thơ này còn lưu truyền đến ngày nay:
Độc thượng giang lâu tứ liễu nhiên
Nguyệt quang như thủy, thủy như thiên.
Đồng lai vọng nguyệt nhân hà xứ
Phong cảnh y hy tự khứ niên.
Cao lão ở làng Lôi Động phỏng dịch là:
Lên lầu dạ thấy bồi hồi
Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau.
Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao
Bây giờ đã ở phương nào, người ơi?!
Một bài thơ khác:
Dục biệt khiên Lang Y,
Lang kim đáo hà xứ.
Bất hận quy lai trì,
Mạc hướng lâm cùng khứ.
Dịch là:
Dứt áo phút ly biệt,
Thiếp hỏi chàng đi đâu.
Chẳng hận về sai hẹn,
Chỉ mong chớ phụ nhau.
Suốt 2 năm không có tin tức gì, không chờ thêm được nữa, công chúa xin được sang phương Nam. Nhà Vua ngăn cản nhưng công chúa cương quyết đi, nếu không được đi sẽ tự vẫn, vì thế vua Nguyên đồng ý và cử người đi theo bảo vệ.
Từ Đại Đô, đoàn người bắt đầu cuộc hành trình xa xôi đến phương Nam, sau 2 tháng thì đến biên giới (thuộc Móng Cái – Quảng Ninh hiện nay). Tin tức bay về Triều đình, nhà Trần không muốn mất Yết Kiêu nên loan báo rằng Yết Kiêu đã qua đời.
Nhận được tin dữ, công chúa đau đớn mặc đồ tang lập đàn tế suốt 7 ngày 7 đêm liền; sai lính đẵn gỗ vàng tâm, triệu thợ điêu khắc giỏi tạc tượng mình và viết bức huyết tâm thư thổ lộ tình cảm của mình với Yết Kiêu. Rồi đặt bức tượng mình vào thân một khúc gỗ đã đục rỗng thả xuống sông cho trôi về Đại Việt.
Xong việc công chúa Ngọc Hoa khấn:
Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng.
Nói xong công chúa quay về hướng Bắc nhìn quê hương lần cuối, rồi cởi hài gieo mình xuống dòng sông chảy xiết. Thấy vậy 9 nàng hầu và 2 thái giám cũng nhảy xuống sông theo chủ.
|
Đền Quát. (Ảnh từ mytour.vn). |
Dù có nhiều người con gái dành tình cảm cho Yết Kiêu, nhưng ngày nay tại nơi thờ Yết Kiêu ở đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ có bức tượng gỗ của Ngọc Hoa công chúa là được đặt cạnh Yết Kiêu. Bức tượng gỗ này tương truyền là được đẽo từ tấm gỗ nổi lên nơi công chúa Ngọc Hoa trẫm mình chết.