Tuy nhiên, về người con gái thứ, các nguồn thông tin có sự sai khác về thân thế của nàng.
Hai người con gái của Trần Hưng Đạo được sử sách nhắc tới, đó là Quận chúa Quyên Thanh và Quận chúa Anh Nguyên, một người lấy đế vương, một người được gả cho danh tướng.
Truyền rằng thân mẫu của quận chúa Quyên Thanh là Công chúa Thiên Thành (sau được tôn là Nguyên Từ Quốc mẫu). Quận chúa Quyên Thanh, xuất thân trong gia đình quý tộc, cha là người tận trung với nước, am tường binh thư, võ nghệ cao siêu; còn các anh đều là những vương tử trở thành tướng lĩnh tài ba nên từ nhỏ, ngoài việc học nữ công, quận chúa còn được đọc sách võ kinh, luyện múa gươm bắn cung để xứng với con nhà võ tướng.
|
Tượng thờ hai vị vương cô nhà Trần. (Hình minh họa – Nguồn: tamlinh.org). |
Khi trưởng thành, nàng trở thành thiếu nữ cực kỳ xinh đẹp, đoan chính và được tuyển vào cung làm vợ Đông cung Thái tử Trần Khâm. Năm Mậu Dần (1278) Thái tử lên ngôi hoàng đế (tức Trần Nhân Tông) thì một năm sau, tức năm Kỷ Mão (1279) Quyên Thanh được sắc phong làm Hoàng hậu với hiệu là Bảo Thánh. Bà sinh cho vua nhiều con, trong đó nổi danh có con trưởng là Trần Thuyên (sau là vua Trần Anh Tông) và Huệ võ vương Trần Quốc Chẩn…
Về quận chúa Anh Nguyên, không có tư liệu nào cho biết nàng là con do vị thê thiếp nào của Trần Hưng Đạo sinh ra, chỉ biết rằng cũng như chị gái của mình, Anh Nguyên cũng là người xinh đẹp, có tài văn võ. Chuyện kể rằng, vì yêu quý và mến tài của Phạm Ngũ Lão, một người xuất thân nghèo khó nhưng có tài năng và khí phách nên Quốc công Trần Hưng Đạo đã gả con gái thứ hai là quận chúa Anh Nguyên cho ông. Bấy giờ, theo lệ nhà Trần, hoàng tộc không gả con cho người ngoại tộc, chính vì vậy để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Hưng Đạo đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi.
Tuy nhiên một số sách vở lại chép rằng, Anh Nguyên quận chúa thực sự là con gái nuôi chứ không phải con đẻ của Trần Hưng Đạo, việc giáng con đẻ xuống làm con nuôi để gả cho người ngoài hoàng tộc không hề thấy trong điển lệ của nhà Trần, thí dụ trường hợp công chúa Nguyệt Hoa, con vua Trần Anh Tông được gả cho Nghĩa Xuyên công Nguyễn Chế Nghĩa cũng đâu cần giả xưng làm con nuôi.
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về sự kiện Phạm Ngũ Lão qua đời cũng cho biết về thân thế của vợ ông, tức quận chúa Anh Nguyên. Theo đó, vào tháng 11 năm Canh Thân (1320) “Điện súy thượng tướng là Phạm Ngũ Lão chết ở phủ đệ vua ban cho tại vườn cau trong thành, thọ 66 tuổi. Vua nghỉ chầu 5 ngày, đó là ân điển đặc biệt. Ngũ Lão, người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, châu Thượng Hồng, tuổi ngoài 20, Hưng Đạo đại vương trông thấy cho là người tài giỏi, đem con gái nuôi gả cho và dùng làm gia thần. Vì được vương dạy bảo thêm cho, nên có tài khí hơn người. Vương tiến cử lên. Ngũ Lão tuy xuất thân trong hàng quân ngũ nhưng thích đọc sách, là người phóng khoáng, có chí làm việc lớn, thích ngâm thơ, về việc võ hình như không để ý đến nhưng quân của ông coi đều một lòng thân yêu như cha với con, đánh đâu tất được đấy”.
Bộ Lịch triều hiến chương loại chí phần Nhân vật chí có đoạn viết về Phạm Ngũ Lão như sau: “Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Năm ông ngoài 20 tuổi, Hưng Đạo vương thấy, biết là người có tài lạ bèn gả con gái nuôi cho và tiến cử lên”.
Như vậy qua các ghi chép của sử sách chính thống đã cho thấy quận chúa Anh Nguyên đúng là con nuôi của Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, có tư liệu địa phương thậm chí còn xác nhận quê quán, thân thế của người con nuôi này.
|
Giáo xuyên vào đùi, Phạm Ngũ Lão vẫn nghĩ đến vận mệnh của đất nước. (Hình minh họa – Nguồn: viettoon). |
Từ cô gái thôn quê trở thành con gái nuôi danh tướng
Theo truyền tụng tại trang Đào Thôn, sau đổi là làng Đào Động, huyện Phụ Phượng (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thì quận chúa Anh Nguyên là người làng này. Chuyện kể rằng một lần Trần Hưng Đạo dẫn quân qua đây, các bô lão và dân làng vui mừng chào đón, họ cử một cô gái tên là Đào Nữ ra hầu việc rót trà tiếp nước cho Ngài.
Thấy cô gái trẻ xinh đẹp, nhanh nhẹn, đối đáp thông minh, đoàn trang đức hạnh, Trần Hưng Đạo thấy yêu mến, ông nhận xét đây là “mỹ nữ lạc nơi thôn dã” rồi nhận cô gái ấy làm nghĩa nữ (con gái nuôi) và đặt cho tên mới là Anh Nguyên. Vì là con gái của Vương công nên Anh Nguyên được phong tước quận chúa.
Không chỉ đảm đang việc nội trợ, nữ công mà Anh Nguyên còn giỏi võ nghệ, có tài thao lược khiến Trần Hưng Đạo rất ngạc nhiên, thán phục. Về sau ông giao cho con gái nuôi cai quản một cánh thủy quân và nàng thường xuyên cho quân huấn luyện, thao diễn trên một đầm nước rộng lớn ở làng mình, vì thế đầm nước đó được gọi là “đầm Bà”. Cũng trong thời gian ấy, nhiều tướng lĩnh trong đó có Phạm Ngũ Lão cũng về huyện Phụ Phượng hội quân để chuẩn bị chống đánh giặc Nguyên Mông.
Mến cảnh rồi mến cả người, trai tài gái sắc gặp nhau, Phạm Ngũ Lão và quận chúa Anh Nguyên đem lòng yêu thương nhau, lại được Trần Hưng Đạo vun đắp, tác hợp chuyện tình yêu. Sau này, khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, Trần Hưng Đạo đã xin vua cho con gái nuôi được mở tư dinh ở Đào Động.
Dù trở thành bậc cành vàng, lá ngọc cao sang nhưng quận chúa Anh Nguyên vẫn gắn bó với quê hương, nàng làm nhiều việc có ích cho dân quê, xóm làng, lại cùng chồng bỏ tiền hưng công tu bổ đình chùa, đền miếu trong vùng… Ân đức ấy được nhớ mãi nên sau này quận chúa qua đời người dân đã lập đền thờ phụng; nay trong lời ca hát văn ở Đào Động, bài văn thỉnh mẫu Anh Nguyên có câu rằng:
Nhà phúc sinh trang quốc sắc,
Đất thiêng đón khách anh hùng.
Đầm Bà nhắc chuyện muôn xưa,
Sông Vật nhớ thời trận mạc.
Nay quận chúa xa chơi cõi hạc,
Quan Điện tiền về chốn tiên nga.
Ơn đức chan chan sáng mãi không mờ,
Nén hương thơm dâng người thiên cổ.
Chuyện đổi đời bất ngờ và cảm động của cô bé ăn xin bên sông
Nếu như ở làng Đào Động (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) có thuyết về quận chúa Anh Nguyên thì tại làng Đại Hoàng (nay thuộc xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lại có một thuyết khác cho hay quận chúa là người vùng này.
Giai thoại kể rằng, một lần trên đường từ kho lương Trần Thương ở bên sông Hồng trở về đất Bảo Lộc, khi đi qua làng Đại Hoàng, Trần Hưng Đạo thấy một bé gái đang đứng ăn xin ở bên sông. Bỗng trào lên niềm thương cảm, vị Quốc công cho người đưa cô bé đến hỏi han hoàn cảnh; bé gái tuy nhỏ tuổi nhưng trả lời gọn gẽ, không hề nhút nhát, sợ hãi, đôi mắt ánh lên sự thông minh. Thế rồi, Trần Hưng Đạo mang bé gái về nhận làm con nuôi và lấy tên ngôi làng mà hai người gặp nhau để đặt tên cho con nuôi; từ đó mọi người gọi nàng là quận chúa.
Được nuôi dạy chu đáo, khi trưởng thành đã là một thiếu nữ xinh đẹp, am tường kinh sách, văn võ kiêm tài.
Đất Đại Hoàng thuộc tổng Cảo Môn, huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường là đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu (thân phụ của Trần Hưng Đạo) đất đai trù phú, lại gần sông nên thuận lợi cho trồng cấy cũng như giao thương đường thủy, người dân thì chăm chỉ khéo tay nên từ xa xưa Đại Hoàng đã nổi tiếng với nhiều sản vật trong cả bốn mùa, như cam quýt, hạt sen, long nhãn, hồng đỏ, chuối ngự; dưới sông thì có cá, rươi… Danh sĩ cũng là quan đại thần triều Trần là Phạm Sư Mạnh khi đến ngã ba Tuần Vường tại vùng này đã làm bài thơ vịnh, có đoạn viết rằng:
Vường hà thủy chiếm cửu trùng điện,
Cảo khẩu phong dao bách trượng thuyền.
Lưỡng ngạn tâm dương kim quất quốc,
Mãn thành tế vũ thổ hà thần…
Nghĩa là:
Gió đưa cửa Cảo thuyền trăm trượng,
Nước uốn sông Vường điện chín trùng.
Cả xứ mưa bay, rươi trắng nõn,
Đôi bờ sương xuống quýt vàng hung…
|
Tượng thờ Đại Hoàng quận chúa ở miếu bà chúa Đất làng Đại Hoàng. (Hình minh họa – Nguồn ảnh: Quốc Toản). |
Đại Hoàng giao thông thủy bộ đều thuận tiện, từ đây bên cửa sông Tuần Vường có thể đến kho lương Trần Thương, đi Vĩnh Trụ hoặc sang Bảo Lộc đều nhanh chóng, chỉ qua sông Châu là sang đất Thiên Trường nơi có hành cung của vua Trần… Vì có địa thế quan trọng như vậy, do đó Trần Hưng Đạo đã cho con gái nuôi về coi sóc việc quản lý đất đai, ruộng đồng, giúp dân ổn định cuộc sống.
Tương truyền quận chúa có dinh cơ ở bên sông, tức cửa Cảo (tức Cảo Môn, hay còn gọi là Tảo Môn), nàng thường ra sông tắm ở bến Tuần Vường nên người dân ví von sắc đẹp như tiên nữ và gọi là Thủy Tiên công chúa. Cha nuôi của quận chúa cũng lấy tên đó để gọi nàng.
Các làng trong vùng như Cảo Môn, Hữu Bị, Vạn Khoảnh, Mai Xá… đều có dấu chân của quận chúa; nàng rất tích cực đi khắp nơi khuyên nhủ người dân chăm lo việc nông, trồng dâu dệt lụa. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông xâm lược lần thứ hai; quận chúa Đại Hoàng vận động dân chúng đóng góp thóc gạo, vải lụa… tích trữ vào kho Trần Thương để phục vụ nuôi quân đánh giặc. Quận chúa Đại Hoàng được đánh giá là người giỏi thu xếp việc gia đình và làm tốt công tác hậu cần, giúp cha, giúp chồng trong trận mạc, thế nên mới có câu:
Hậu quân nghìn dặm xa khơi,
Xem như nội tướng thực tài phu nhân.
Để tưởng nhớ đến người con gái ấy, sau này dân trong vùng đã lập miếu thờ quận chúa bên cửa Tuần Vường.
Vì là con gái của Trần Hưng Đạo nên tại nhiều di tích đình, đền, miếu, phủ thờ ông, hai người con gái là quận chúa Quyên Thanh và quận chúa Anh Nguyên đều được phối thờ ở bên. Dân gian tôn gọi là Đệ nhất vương cô và Đệ nhị vương cô. Riêng quận chúa Anh Nguyên có được gọi là vương cô Đại Hoàng, Thủy Tiên công chúa… Trong đạo Mẫu, hai quận chúa cũng được tôn vinh, được thờ phụng cầu khấn vì người dân tin ra hai vị rất linh thiêng có thể ban lộc giáng phúc; trong phần kết của một bản văn chầu có câu:
Cát đằng duyên hợp Tấn, Tần,
Các miền đệ tử xa gần cùng sang.
Người xin dấu cửa đền sân miếu,
Kẻ ra vào lĩnh chiếu, đổi gươm.
Đêm về tu thiết tĩnh đường,
Đêm ngày vọng bái, đèn hương khẩn cầu.
Đặng sống lâu bách niên trường thọ,
Lợi lộc tài đôi chữ kiêm thu.
Lòng thành bái vọng hai cô,
Năm canh quỳ trước hương lô khẩn cầu.
Sớm khuya tam chắp khấu đầu,
Ngàn năm hưởng thọ thiên thâu thọ trường.