Từ Hi Thái hậu là người phụ nữ nổi tiếng nhất triều đại nhà Thanh, là phi tần của Hoàng đế Hàm Phong, mẹ ruột của Hoàng đế Đồng Trị. Từ Hi đã trị vì triều đại nhà Thanh trong 47 năm, mặc dù bà không trở thành hoàng đế cho đến khi qua đời nhưng thực tế không khác gì hoàng đế.
Cuộc đời của bà có rất nhiều câu chuyện được truyền lại dù chưa rõ thực hư ra sao nhưng đều gây xôn xao và chứa đựng nhiều bí ẩn. Khi Hàm Phong Đế qua đời, Từ Hi mới 27 tuổi, kể từ đó, bà sống như một góa phụ trong 47 năm cho đến khi qua đời. Tuy nhiên có nhiều lời đồn rằng hậu cung của Từ Hi có rất nhiều tình nhân bí mật và thậm chí bà đã mang thai.
Vào năm Quang Tự thứ 6 tức năm 1880, Từ Hi khi đó 46 tuổi đột nhiên mắc phải một căn bệnh lạ. Từ Hi hàng ngày đều cảm thấy đau lưng mỏi mệt, thi thoảng lại ngủ gật. Trước những món ăn ngon, Từ Hi đột nhiên không còn muốn ăn và mỗi khi thấy đồ ăn nhiều dầu mỡ lại buồn nôn, nhưng thích ăn đồ chua cay.
Là người từng trải, Từ Hi nghi ngờ bản thân đang có bầu nhưng cũng không dám chắc. Các cung nữ, thái giám hầu hạ xung quanh bà có lẽ cũng ngờ ngợ nhưng không ai dám mở miệng bàn tán. Vì vậy, Thái hậu đã cho truyền gọi thái y tới để chẩn trị.
Vị thái y đầu tiên đến khám bệnh sau khi bắt mạch đã hoàn toàn chết lặng, bởi vì Từ Hi Thái hậu không hề bị bệnh mà lại đang mang thai, đây là một tai tiếng lớn bởi Từ Hi đã làm góa phụ nhiều năm. Nếu nói ra sự thật sẽ dễ phải nhận cái chết nên chỉ đành nói Thái hậu làm việc quá sức, kê đơn thuốc hồi phục sức khỏe nhưng tất nhiên không thể chữa khỏi bệnh cho Từ Hi.
Thái y thứ hai bắt mạch xong lại chúc mừng Thái hậu có mạch hỷ (ý có thai) khiến Từ Hi tức giận, lập tức sai Lý Liên Anh kéo thái y ra ngoài đánh chết, ngay cả cung nữ và thái giám xung quanh cũng bị xử tử.
Sau khi gặp vị thái y này, Từ Hi trong lòng biết rằng người khám bệnh đầu tiên cũng biết mình có thai nên quyết định trừ khử vì sợ rằng tin Thái hậu góa bụa nhiều năm nay lại mang bầu nếu bị lộ ra sẽ khiến nhà Thanh mất mặt.
Dù 2 thái y bị xử tử nhưng "bệnh" của Từ Hi vẫn không thể khỏi. Các thái y trong cung sau sự việc trên cũng khiếp sợ vì vậy Thái hậu đành sai người công bố tìm danh y trong dân gian tới chữa bệnh. Một vị danh y tên Tiết Phúc Thần đã được đề cử tới.
2 vị thái y vào chẩn bệnh cho Thái hậu đều có kết cục mất mạng. (Ảnh minh họa)
Tiết Phúc Thần không chỉ giỏi bắt mạch chữa bệnh mà còn rất hiểu thế sự, khi bắt mạch cho Thái hậu nhận ra bà mang thai, ông liền hiểu ra lý do tại sao các vị ngự y trong cung lại không thể làm gì vì họ biết rõ bệnh nhưng không dám nói sợ sẽ mất mạng. Vì vậy, Tiết Phúc Thần đã nói với Từ Hi rằng: "Thái hậu chỉ vì việc nước mà làm việc quá sức, khí huyết ngưng trệ tích tụ ở bụng, nên vận khí, thông kinh lạc, để khí huyết lưu thông, thông suốt, cơ thể ắt sẽ khỏe lại".
Sau khi nghe được lời này của Phúc Thần, Từ Hi thái hậu liền mỉm cười hỏi: "Nếu đã biết gốc rễ bệnh, ngươi liệu có cách chữa trị?".
Phúc Thần nghe xong liền hiểu được ngụ ý trong lời nói của Từ Hi nên đã kê đơn thuốc phá thai cho bà. Tuy nhiên theo quy định trong cung, mọi đơn thuốc của thái hậu, hoàng đế và các phi tần đều phải ghi lại. Phúc Thần hiểu đơn thuốc ông kê không thể để ai biết nên nói dối đây là bài thuốc gia truyền, không thể để lộ ai biết nên sẽ tự bốc và sắc thuốc.
Vị thầy thuốc dân gian vì khéo léo nên giữ được mạng lại giúp Từ Hi giải quyết "nỗi lo" trong bụng. (Ảnh minh họa)
Sau khi chuẩn bị xong xuôi, Phúc Thần mang thuốc tới cho Từ Hi nhờ đó giúp bà giải quyết "nỗi lo" trong bụng. Từ Hi rất vui mừng và đã ban thưởng cho Phúc Thần, dù biết bí mật của bản thân không thể bại lộ nhưng Từ Hi cũng không thể trực tiếp xử lý người vừa cứu mình.
Phúc Thần cũng hiểu việc ông nắm được bí mật của Thái hậu ắt sẽ bị trừ khử nên mau chóng xin về quê nhà rồi giả chết, phát tang. Sau đó vội vã lén lút đưa người nhà bỏ đi biệt xứ, thay tên đổi họ. Người của Thái hậu khi tìm đến để diệt trừ mầm họa thì mọi thông tin đã bặt vô âm tín, nhờ đó Phúc Thần đã giữ được mạng.
Có thật là Từ Hi Thái hậu có thai?
Phía trên là toàn bộ câu chuyện được dân gian kể lại nhưng liệu điều này có đúng sự thât. Ghi chép sớm nhất về việc Từ Hi mang thai là trong cuốn Văn Trần Ngẫu ký. Đây là một bộ sách do dã sử nhân gian triều Thanh ghi chép do đó độ xác thực không cao, rất khó xác định có bao nhiêu sự thật hay lời giả dối trong đó.
Có người cho rằng những lời đồn này là thật bởi "không có lửa làm sao có khói". Nhiều lời đồn trong dân gian tưởng như là giả nhưng cuối cùng sau đó được xác nhận là thật như vụ việc Trương Hiến Trung - lãnh tụ khởi nghĩa nông dân cuối đời nhà Minh được đồn đại rằng có chôn giấu một kho báu khổng lồ.
Năm 2015, các nhà khảo cổ đã thực sự phát hiện ra kho báu này trên sông. Do đó, sự việc Từ Hi Thái hậu mang thai cũng có thể là sự thật.
Việc Từ Hi Thái hậu mang thai ở tuổi 46 được ghi chép trong dã sử dân gian nên khó xác định độ chính xác. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên cũng có một số người không tin bởi Từ Hi Thái hậu là người tham vọng quyền lực, không thể dễ dàng để bản thân mắc phải sơ hở để kẻ khác nắm bắt. Ngoài ra, nếu Từ Hi thực sự có thai thì cũng đã sớm trừ khử Phúc Thần chứ không thể để ông về tới tận quê nhà dễ dàng.
Từ Hi Thái hậu là phụ nữ lại nắm giữ triều chính cũng khiến không ít đại thần, quan lại trong triều không vừa ý nhưng không thể làm gì nên có thể đã ngấm ngầm đầu độc Thái hậu. Hơn nữa, phụ nữ ở độ tuổi 46 mà vẫn có thể mang thai là khá khó. Chưa nói đến vào thời cổ đại, người thời đó thường có sức khỏe kém, tuổi thọ không cao nên việc Từ Hi dù đã là U50 vẫn có thể mang thai hơi khó xảy ra.
Tóm lại việc Từ Hi Thái hậu có mang thai thật hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải chính xác.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại